Multimedia Đọc Báo in

Để những phiên chợ hàng Việt mang lại kết quả thiết thực

09:05, 13/04/2018

Phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn là một trong những hoạt động thiết thực thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Vịêt Nam” do Bộ Chính trị phát động. Thời gian qua, Sở Công thương đã tổ chức nhiều phiên chợ tại nhiều địa phương trong tỉnh nhằm giúp người tiêu dùng, nhất là ở vùng nông thôn tiệm cận hơn với các sản phẩm hàng Việt, từ đó hình thành thói quen, văn hóa tiêu dùng thiên về sử dụng hàng do trong nước sản xuất.

Nối tiếp thành công của những phiên chợ trước, trên đà đó, năm 2018 Sở Công thương sẽ tổ chức 3 phiên chợ đưa hàng Việt về các huyện Ea H’leo, Ea Kar và Krông Năng. Cụ thể, phiên đầu tiên được tổ chức tại Quảng trường 8-4, thị trấn Ea Đrăng, huyện Ea H’leo từ ngày 27-4 đến 1-5; tại huyện Krông Năng sẽ diễn ra từ ngày 3 đến 6-5 ở Quảng trường huyện và huyện Ea Kar được tổ chức từ ngày 10 đến 13-5 tại Trung tâm văn hóa huyện. Theo đó, mỗi phiên chợ dự kiến có quy mô 30 gian hàng của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia. Đây là hoạt động nằm trong chương trình Xúc tiến thương mại Quốc gia năm 2018.

Trên thực tế, trong bối cảnh hàng Việt đang phải cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm hàng nội và hàng giả, nhái, kém chất lượng tràn về nhiều vùng nông thôn thì việc tổ chức những phiên chợ là hết sức cần thiết và có ý nghĩa quan trọng. Tại đây, nhà sản xuất, phân phối và người tiêu dùng cùng gặp gỡ với nhau để nắm bắt tâm lý, thị hiếu, nhu cầu, từ đó vạch ra chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp. Đây cũng là hoạt động thiết thực hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Người tiêu dùng chọn mua cây giống tại phiên chợ đưa hàng Việt về huyện Ea Súp năm 2016.
Người tiêu dùng chọn mua cây giống tại phiên chợ đưa hàng Việt về huyện Ea Súp năm 2016.

Để các phiên chợ thật sự mang lại hiệu quả thiết thực, theo Trung tâm xúc tiến thương mại (thuộc Sở Công thương), cơ quan chịu trách nhiệm chính tổ chức các phiên chợ cho biết, không phải ngẫu nhiên là đơn vị chọn 3 địa phương trên để tiến hành các phiên chợ đưa hàng Việt. Đây là 3 địa phương còn khó khăn của tỉnh, cách xa TP. Buôn Ma Thuột và các trung tâm, đầu mối cung ứng, phân phối hàng hóa lớn của tỉnh, vì vậy, người tiêu dùng ở các địa phương trên ít có cơ hội tiệm cận với những chủng lọai hàng Việt chất lượng, giá phải chăng. Trung tâm cũng đã tiến hành tìm hiểu, thu thập thói quen sử dụng hàng hóa, tập quán mua bán, nhu cầu của bà con ở đây để có kế hoạch mời gọi các doanh nghịêp (DN) tham gia phiên chợ phù hợp. Về phía các DN có gian hàng bày bán tại các phiên chợ, Trung tâm cũng làm việc và chọn lọc những DN uy tín, có năng lực sản xuất kinh doanh, chiến lược mở rộng thị trường, sản phẩm phù hợp với nhu cầu người dân vùng nông thôn. Hàng hóa tham gia bày bán cũng được Trung tâm Xúc tiến thương mại phối hợp với Quản lý thị trường kiểm tra, kiểm soát, tránh việc lợi dụng trà trộn hàng hóa kém chất lượng vào bán, gây ảnh hưởng đến uy tín phiên chợ. Đó là những sản phẩm bảo đảm các tiêu chí về mặt chất lượng, sản xuất tại Việt Nam, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và được phép lưu thông hợp pháp trên thị trường. Hàng hóa bày bán là những mặt hàng thiết yếu, cần cho nhu cầu của người dân, bao gồm: hàng tiêu dùng thiết yếu, thực phẩm, may mặc, các sản phẩm đặc trưng của địa phương, máy móc, phân bón, thiết bị phục vụ nông nghiệp…

Mỗi phiên chợ kéo dài 4 ngày, chừng đó thời gian cũng được coi là tạm đủ để các DN khảo sát thị trường, thuyết phục người dân tin dùng sản phẩm; về phía người dân sẽ có cơ hội đối chứng, tìm hiểu rõ hơn về các sản phẩm hàng nội.

Người tiêu dùng tìm hiểu hàng hóa tại phiên chợ  đưa hàng Việt  về huyện Cư M’gar năm 2017.
Người tiêu dùng tìm hiểu hàng hóa tại phiên chợ đưa hàng Việt về huyện Cư M’gar năm 2017.

Theo Trung tâm xúc tiến thương mại tỉnh, thời điểm này đơn vị đang tập trung thực hiện tốt các hoạt động tuyên truyền về phiên chợ cũng như chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để người dân được biết về thời gian, quy mô, ý nghĩa của phiên chợ.  Công tác tuyên truyền được tiến hành bằng nhiều hình thức như xe loa, tờ rơi, pano, áp phích tuyên truyền… và thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng như Báo Đắk Lắk, Đài PT-TH tỉnh, đài truyền thanh các huyện…

Để phiên chợ diễn ra thành công, Trung tâm cũng đã và đang phối hợp chặt chẽ với chính quyền tại các địa phương và các đơn vị liên quan làm tốt công tác chuẩn bị, bảo đảm tuyệt đối về an ninh, cơ sở vật chất, điện, nước, bãi để xe… trong suốt thời gian phiên chợ diễn ra. Đồng thời, vận động bản thân DN tham gia tổ chức thêm nhiều hoạt động khác như mua hàng tặng quà đi kèm, giảm giá , khuyến mại, tư vấn khách hàng cũng như các chương trình vui chơi, giải trí lành mạnh, hoạt náo… để hỗ trợ người tiêu dùng mua sắm và thu hút người dân đến với phiên chợ.

Duy Khôi


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.