Gắn bó mật thiết với đồng ruộng và nông dân
Thực hiện lời Bác dạy “Là cán bộ canh nông thì phải hợp tác mật thiết với cán bộ địa phương, đi sát với dân, thiết thực bày vẽ cho dân cách trồng trọt, chăn nuôi, cách chọn giống, ủ phân, làm cỏ” để phát triển sản xuất nông nghiệp, những năm qua, Chi bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã cụ thể hóa việc học tập và làm theo Bác từ những công việc đơn giản hằng ngày, giúp người nông dân nhanh chóng tiếp cận với khoa học kỹ thuật (KHKT).
Bí thư Chi bộ, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ngô Nhân cho biết: Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với Chỉ thị 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Chi bộ đã đề ra chuẩn mực phấn đấu của người cán bộ khuyến nông là: “Đồng hành với bà con nông dân trong sản xuất nông nghiệp, trong xây dựng nông thôn mới”. Đơn vị đã quán triệt và tổ chức thực hiện việc làm theo Bác với tinh thần chủ động, thiết thực, tránh qua loa hình thức. Đồng thời, tổ chức sinh hoạt chuyên đề, thông báo cho cán bộ, viên chức toàn đơn vị nắm rõ các nội dung và bàn bạc, thảo luận để thống nhất việc làm theo Bác. Qua đó, cụ thể hóa các nội dung thực hiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình.
Cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh (bìa trái) thăm mô hình nuôi thỏ của gia đình ông Y Brim Niê ở buôn Kmrơng Prông B, xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột). |
Với suy nghĩ “để dân biết, dân tin, dân làm theo”, Chi bộ đã chú trọng đến việc giáo dục chính trị tư tưởng và việc xây dựng và đào tạo hệ thống khuyến nông cơ sở; thực hiện việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn thật sự chất lượng để góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Bản thân mỗi cán bộ, đảng viên trong ngành khuyến nông cũng xác định để đồng hành cùng với bà con nông dân, người cán bộ khuyến nông phải thực sự tiên phong, gương mẫu, “miệng nói, tay làm”, gắn lý thuyết với thực hành, không nề hà khuya sớm, nắng mưa, gắn bó mật thiết với đồng ruộng và nông dân. Do vậy khi triển khai các chương trình, dự án phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn, các cán bộ của Trung tâm luôn biết cách tiếp cận, lắng nghe, biết truyền đạt những kiến thức canh tác mới, giúp bà con nông dân áp dụng thành công những tiến bộ KHKT để cải thiện và nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị.
Gia đình ông Y Brim Niê ở buôn Kmrơng Prông B, xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) trước đây là một trong những hộ nghèo của buôn. Thu nhập của 7 miệng ăn trong nhà chỉ nhờ vào 5 sào cà phê, con cái lại hay đau ốm nên kinh tế ngày một đi xuống. Từ khi được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ giống và kỹ thuật nuôi thỏ Newzeland thì thu nhập mới đổi khác. Ông Y Brim phấn khởi chia sẻ: “Không những tận tình hướng dẫn cách chăm sóc đàn thỏ mà các cán bộ của Trung tâm còn thường xuyên đến tận nhà động viên, thăm hỏi gia đình. Nhờ vậy, giờ đây đàn thỏ của gia đình tôi đã phát triển được 50 con. Thu nhập hằng năm từ làm cà phê và nuôi thỏ sau khi trừ chi phí đạt hàng trăm triệu đồng. Gia đình tôi cũng từ đó mà thoát được hộ nghèo…”.
Cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh thăm mô hình tưới tiết kiệm của gia đình ông Nguyễn Thế Tình ở thôn Hà Bắc, xã Ea Wer (huyện Buôn Đôn). |
Bí thư Chi bộ, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ngô Nhân
|
Cũng nhờ Trung tâm Khuyến nông tỉnh tập huấn, hướng dẫn quy trình chăm sóc tiêu bền vững và hỗ trợ kinh phí lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm cho vườn tiêu mà anh Nguyễn Thế Tình ở thôn Hà Bắc, xã Ea Wer (huyện Buôn Đôn) đã từ hộ nghèo vươn lên trở thành hộ khá giả của thôn. Anh Tình cho hay: “Được các cán bộ khuyến nông chỉ dạy cách trồng và chăm sóc cây tiêu tôi đã mạnh dạn phá bỏ 5 sào điều kém năng suất để trồng tiêu. Đến tháng 7-2016, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục hỗ trợ gia đình tôi 75% kinh phí để lắp hệ thống tưới tiết kiệm. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, tiết kiệm các chi phí đầu vào và nhân công nên vườn tiêu cho năng suất cao, hằng năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng”.
Trong 2 năm 2016 - 2017, Trung tâm đã tuyển sinh và đào tạo 7 lớp dạy nghề; tổ chức 15 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho 523 cán bộ khuyến nông, 146 lớp tập huấn kỹ thuật cho 8.240 lượt người; xây dựng 35 mô hình trình diễn (lúa lai, cà phê, nuôi gà an toàn sinh học, nuôi bò lai, nuôi ong) với hơn 1.633 hộ tham gia; triển khai một số chương trình, dự án như: chương trình khí sinh học với hơn 300 hầm Biogas, chương trình cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo hằng năm đã thu hút hơn 4.000 hộ nông dân tham gia, chương trình sản xuất cà phê bền vững theo hướng hợp tác công tư (PPP) thu hút 700 hộ nông dân tham gia… Từ năm 2016 đến nay, Trung tâm đã cung cấp hơn 1,4 triệu cây giống đạt tiêu chuẩn chất lượng, nguồn gốc cho bà con nông dân tái canh hơn 1.300 ha cà phê. Trong tiếp cận để chuyển giao những tiến bộ KHKT mới vào thực tiễn, đơn vị cũng đã tham gia sản xuất thử nghiệm 24 mô hình cây trồng, vật nuôi phục vụ chương trình nông thôn mới tại các địa phương trong tỉnh.
Khả Lê
Ý kiến bạn đọc