Multimedia Đọc Báo in

Giữ rừng giữa những áp lực

08:57, 05/04/2018

Từ đầu năm đến nay, tình hình vi phạm pháp luật quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng khiến công tác quản lý, bảo vệ rừng gặp rất nhiều áp lực.

Vi phạm lâm luật tăng

Theo thống kê, trong 3 tháng đầu năm 2018, các lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện, xử lý 316 vụ vi phạm lâm luật, tịch thu hơn 437,7 m3 gỗ các loại, 162 phương tiện, thu nộp 960,1 triệu đồng. Điều đáng lo ngại là vi phạm lâm luật tăng cả về số lượng và quy mô so với cùng kỳ năm 2017. Cụ thể, số vụ vi phạm tăng 23 vụ, khối lượng gỗ tịch thu tăng 34,9%, số lượng phương tiện tịch thu tăng 39,7%. Trong đó, có nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn đối với tài nguyên rừng.

Điển hình như: ngày 26-1, kiểm lâm Vườn Quốc gia Yok Đôn qua tuần tra đã phát hiện tại Tiểu khu 408 thuộc lâm phần của Vườn có 23 cây gỗ bị chặt hạ, trong đó có 19 cây gõ đỏ (cà te), 2 cây cẩm lai và 2 cây sao. Một số cây gỗ lâm tặc đã xẻ phách và vận chuyển một ít phách ra khỏi hiện trường, khối lượng gỗ còn lại khoảng 44,9 m3. Tiếp đó, ngày 27-2, các lực lượng chức năng huyện M’Đrắk phát hiện, bắt giữ 5 xe cày độ chế vận chuyển gỗ và một bãi tập kết gỗ với tổng khối lượng hơn 30 m3 tại Tiểu khu 789, xã Krông Á, thuộc lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp M’Đrắk quản lý…

Một cây rừng bị chặt hạ tại Tiểu khu 408 (Vườn Quốc gia Yok Đôn) được phát hiện vào ngày 26 -1.
Một cây rừng bị chặt hạ tại Tiểu khu 408 (Vườn Quốc gia Yok Đôn) được phát hiện vào ngày 26 -1.

Ông Lê Văn Ba, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện M’Đrắk cho biết, địa phương có diện tích rừng tự nhiên lớn nên các hành vi gây ảnh hưởng đến rừng thường xuyên diễn ra, đặc biệt là trong những tháng mùa khô. Trước tình hình đó, ngoài những lực lượng chuyên trách quản lý, bảo vệ rừng, UBND huyện đã thành lập 2 đội liên ngành thường xuyên kiểm tra, tuần tra, chốt chặn để kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm lâm luật tại các xã Krông Á, Cư San, Ea Trang - những địa phương có nhiều diện tích rừng và rừng thường xuyên bị xâm hại; đồng thời tổ chức tuyên truyền nâng cao ý thức quản lý, bảo vệ rừng cho người dân sống ở gần rừng. 

Theo ông Y Sy H’Dơh, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, vào những tháng mùa khô, những con đường vào rừng khô ráo khiến việc đi lại dễ dàng, lâm tặc lợi dụng điều này để đưa người và phương tiện vào khai thác, vận chuyển lâm sản. Bên cạnh đó, do sức ép về đất ở, đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và dân di cư tự do, tập quán du canh dư cư, đốt nương làm rẫy trong một bộ phận người dân nên cứ đến mùa khô họ lại lén lút phát rừng đốt rẫy; một số người dân sống gần rừng cuộc sống còn khó khăn nên thường xuyên vào rừng khai thác các sản phẩm từ rừng để mưu sinh…  tạo nên những áp lực lớn đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng. Trong khi đó, các công ty TNHH MTV lâm nghiệp, Ban quản lý rừng và các chủ rừng khác gặp nhiều khó khăn về kinh phí, lực lượng, phương tiện để bảo vệ rừng trên lâm phần được giao; chế độ lương, phụ cấp và các chế độ đãi ngộ khác đối với cán bộ công chức, viên chức trực tiếp làm công tác quản lý bảo vệ rừng ở cơ sở còn hạn chế, do đó ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần, thái độ làm việc và hiệu quả của công tác bảo vệ rừng. Ngoài ra, việc thực thi trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp của các ngành, chính quyền cấp huyện, cấp xã còn hạn chế…

Kiên quyết xử lý người đứng đầu nếu để mất rừng

Để lập lại an ninh rừng, theo ông Y Sy H’Dơh, UBND tỉnh đã chỉ đạo tăng cường trách nhiệm của các cấp, các cơ quan chuyên ngành, các đơn vị có chức năng phối hợp trong việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai, thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ , phát triển rừng và chịu trách nhiệm trước cấp trên về việc để xảy ra tình hình xâm hại tài nguyên rừng trên địa bàn quản lý. Theo đó, UBND cấp huyện thành lập và duy trì thường xuyên các đoàn kiểm tra liên ngành nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, nếu khó khăn thì đề xuất cụ thể với cơ quan chức năng và UBND tỉnh để được hỗ trợ  lực lượng. Tăng cường kiểm tra định kỳ và đột xuất các cơ sở chế biến, mua bán lâm sản; đẩy mạnh sự phối hợp giữa các cấp, ngành để tổ chức tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng...

Người dân dùng dây thép gai để bao chiếm rừng ở Vườn Quốc gia Yok Đôn.
Người dân dùng dây thép gai để bao chiếm rừng ở Vườn Quốc gia Yok Đôn.

Đặc biệt, UBND tỉnh cũng chỉ đạo kiên quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu đối với những đơn vị chủ rừng để mất rừng mà không biết hoặc không có biện pháp kiểm tra, phương án kiểm tra, không báo cáo chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng để được chỉ đạo, xử lý kịp thời các vi phạm liên quan đến rừng, nếu tính chất vi phạm nghiêm trọng thì chuyển hồ sơ sang cho cơ quan điều tra của công an để điều tra, xử lý theo pháp luật. Mới đây nhất, UBND tỉnh đã quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp M’Đrắk trong thời gian các cơ quan chức năng điều tra việc vi phạm pháp luật trong công tác quản lý, bảo vệ rừng ở đơn vị này.

Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.