Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư M'gar: Hiệu quả từ Chương trình "Tín dụng nước sạch"

08:26, 19/04/2018

Chương trình Nước sạch và Vệ sinh môi trường (NS & VSMT) nông thôn là một trong những chương trình tín dụng ưu đãi được Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Cư M’gar triển khai khá hiệu quả, giúp nhiều hộ dân ở vùng nông thôn nâng cao chất lượng cuộc sống.

Theo Quyết định số 62/2004/QĐ-TTg ngày 16-4-2004 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng thực hiện chiến lược quốc gia về cấp NS & VSMT nông thôn, những hộ dân thuộc khu vực nông thôn chưa có nước sạch hoặc đã có nhưng chưa đạt quy chuẩn, chưa bảo đảm vệ sinh, hộ gia đình sau khi đã trả hết nợ vốn vay, có nhu cầu vay mới để xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã sử dụng nhiều năm, bị hư hỏng, xuống cấp, không đảm bảo theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia được UBND cấp xã xác nhận sẽ được NHCSXH cho vay tối đa 12 triệu đồng/hộ, 6 triệu đồng/công trình; lãi suất cho vay là 9%/năm; thời hạn cho vay tối đa không quá 60 tháng. Ở xã Ea Kpam (huyện Cư M’gar), người dân thường gọi đây là chương trình “Tín dụng nước sạch”, mang lại nhiều đổi thay cho cuộc sống. Ông Trịnh Văn Trọng (thôn 2) là một trong những hộ gia đình được vay vốn ưu đãi 12 triệu đồng để lắp đặt công trình NS & VSMT bao gồm: nhà vệ sinh tự hoại, bồn nước, trụ sắt để nâng bồn, hệ thống ống dẫn nước vào năm 2015. Ông Trọng cho biết, nhà vốn neo người, các con lập gia đình nơi xa, bản thân ông lại bị bệnh, sức khỏe yếu. Trước đây, hằng ngày ông phải múc nước ở giếng lên để sinh hoạt, vừa mất nhiều thời gian vừa nguy hiểm do dễ bị trượt té. Từ ngày được vay vốn NHCSXH để lắp đặt hệ thống nước sinh hoạt, sức khỏe của ông đã được cải thiện, vệ sinh môi trường được đảm bảo, chăn nuôi trong gia đình cũng sạch sẽ, vệ sinh hơn.

Chị Nguyễn Thị Thương (xã Ea Kpam, huyện Cư M'gar) được sử dụng nước sạch  từ công trình mới xây dựng.
Chị Nguyễn Thị Thương (xã Ea Kpam, huyện Cư M'gar) được sử dụng nước sạch từ công trình mới xây dựng.

Cùng với số tiền 12 triệu đồng được vay từ NHCSXH, chị Nguyễn Thị Thương (thôn 2) đã mượn thêm người thân để đầu tư hệ thống NS & VSMT của gia đình với hệ thống nước sạch và công trình phụ rộng rãi, sạch sẽ. Chị Thương tâm sự: “Gia đình có con nhỏ nên càng cần đảm bảo vệ sinh môi trường. Nguồn nước giếng gia đình dùng được bơm lên bồn để lắng cặn, trở nên trong mát, đảm bảo hơn về chất lượng”.

Không chỉ gia đình chị Thương, ông Trọng, rất nhiều hộ ở xã Ea Kpam đã được vay vốn để xây dựng các công trình NS & VSMT. Tính tới tháng 3 năm nay, toàn xã đang có 196 hộ vay chương trình này, tổng dư nợ hơn 2,1 tỷ đồng. Ông Y Sếp Niê, Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH Cư M'gar cho biết: “Những năm gần đây, cho vay thực hiện chiến lược Quốc gia về cấp NS & VSMTNT là một trong những chương trình được ngân hàng giải ngân vốn nhiều và đạt hiệu quả cao. Các công trình như giếng khoan, giếng đào, đường dẫn nước và bể chứa nước sinh hoạt, nhà tắm và nhà vệ sinh… đảm bảo tiêu chuẩn đã giúp các hộ dân sinh sống tại 15 xã trên địa bàn huyện, trong đó có xã Ea Kpam nâng cao chất lượng cuộc sống”.

Trịnh Văn Trọng (thôn 2, xã Ea Kpam, huyện Cư Mgar) chuẩn bị dựng trụ để nâng bồn nước lên cao.
Trịnh Văn Trọng (thôn 2, xã Ea Kpam, huyện Cư Mgar) chuẩn bị dựng trụ để nâng bồn nước lên cao.

Bên cạnh kết quả đạt được thì chương trình cũng gặp những khó khăn. Hiện nhu cầu về chất lượng  cuộc sống của người dân ngày càng tăng, giá cả vật liệu cũng thay đổi nhiều mà số tiền cho vay theo quy định vẫn chỉ ở mức 6 triệu đồng/công trình là một mức đầu tư khá thấp so với giá trị các công trình. Theo chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn ( Quyết định số 104/2000/QĐ-TTg) đề ra, đến năm 2020, 100% dân cư nông thôn sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn với số lượng ít nhất 60 lít/người/ngày, thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, giữ sạch vệ sinh môi trường làng, xã. Để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi phải tính toán lại định mức cho vay trên đầu công trình sao cho phù hợp. Được biết Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã thấy được bất cập này và đang đề nghị các bộ, ngành kiến nghị Chính phủ xem xét nâng mức cho vay để người dân có điều kiện đầu tư xây dựng các công trình vệ sinh đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện môi trường nông thôn.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.