Khoanh vùng cấm khai thác cát: Mạnh tay để bảo vệ bờ sông (Kỳ 2)
Kỳ 2: Siết chặt hoạt động khai thác cát
Nhằm quản lý tốt nguồn tài nguyên khoáng sản và đưa hoạt động khai thác cát, sỏi tuân thủ các quy định của pháp luật, cùng với việc tăng cường công tác quản lý, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, các ngành, tổ chức, cá nhân, việc xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm có hiệu quả tích cực để lập lại trật tự khai thác khoáng sản .
Mạnh tay xử lý doanh nghiệp vi phạm
Hoạt động khai thác khoáng sản nói chung, khai thác cát nói riêng đã tạo công ăn việc làm, đem lại thu nhập ổn định cho nhiều người lao động. Song thời gian qua, việc khai thác quá mức và có nhiều sai phạm của một số đơn vị đã tác động tiêu cực đến môi trường, làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của nhiều hộ nông dân. Do đó, UBND tỉnh đã tiến hành thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực của nhiều đơn vị có sai phạm. Đơn cử như Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng Tây Nguyên chuyên khai thác cát xây dựng trên dòng sông Krông Ana thuộc địa phận huyện Krông Bông với hành vi sai phạm là không quản lý được mỏ cát, để một số tổ chức, cá nhân khai thác trái phép làm ảnh hưởng đến an toàn cầu Cư Păm, gây sạt lở bờ sông; Hợp tác xã Giang Sơn chuyên khai thác cát trên sông Krông Ana thuộc địa phận các huyện Cư Kuin, Lắk, Krông Bông, Krông Ana với hành vi sai phạm là tự ý cho HTX Nam Sơn (Krông Bông) khai thác cùng trên địa bàn được cấp phép, làm thất thoát tiền thuế của Nhà nước... đều bị thu hồi giấy phép khai thác.
Bãi tập kết cát được quy hoạch rộng hơn 10 ha của huyện Cư Kuin. |
Ngoài ra, UBND cũng đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan rà soát lại việc báo cáo tác động môi trường của các đơn vị, doanh nghiệp; đăng ký và đăng kiểm tàu thuyền khai thác cát; thực hiện nghĩa vụ ký quỹ bảo vệ môi trường; khắc phục sạt lở bờ sông…
Về phía chính quyền các địa phương cũng đã có nhiều hoạt động thiết thực. Cụ thể như huyện Cư Kuin đã tổ chức cắm mốc giới và quản lý chặt chẽ hành lang an toàn cầu Giang Sơn; rà soát khu vực sạt lở và cắm mốc giới, biển báo cấm khai thác tại 19 khu vực trên sông Krông Ana; quy hoạch và đưa vào sử dụng bãi tập kết cát rộng trên 10 ha tại thôn Giang Sơn (xã Hòa Hiệp); thường xuyên phối hợp kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật. Mới đây nhất (cuối tháng 3-2018), đoàn kiểm tra liên ngành của huyện đã phối hợp bắt và xử lý 3 tàu (2 tàu của huyện Kông Bông và 1 tàu của huyện Cư Kuin) đang khai thác cát trái phép trên vùng cấm. Hay như huyện Lắk đã có văn bản kiến nghị cấm khai thác cát lòng sông tại 24 khu vực bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở với tổng chiều dài trên 10.000 mét; huyện Krông Ana kiến nghị đóng cửa một số cơ sở khai thác cát trên địa bàn gây sạt lở bờ sông và hoạt động không hiệu quả...
Khoanh vùng cấm khai thác
Trong Công văn số 4447/UBND-NNMT ban hành ngày 7-6-2016 về việc đề nghị khoanh định khu vực cấm hoạt động khai thác cát, UBND tỉnh đã chỉ đạo cấm khai thác cát, sỏi lòng sông trên các đoạn sông sạt lở, có nguy cơ sạt lở cao trên sông Krông Nô thuộc địa bàn huyện Krông Ana với 2 khu vực có tổng chiều dài gần 2.000 mét; trên sông Krông Ana thuộc địa bàn các huyện Krông Bông, Cư Kuin, Lắk và Krông Ana với 10 khu vực có tổng chiều dài gần 3.500 mét. Tiếp đó, UBND tỉnh tiếp tục bổ sung thêm các vùng cấm khai thác cát, sỏi trên các sông Krông Nô, Krông Ana và Krông Bông thuộc địa bàn 4 huyện trên. Đồng thời quy định rõ trách nhiệm của từng sở, ngành chức năng, địa phương nếu để xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép.
Một điểm sạt lở trên địa bàn thôn Đông Sơn (xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin) được cắm biểm cấm khai thác cát. |
Như vậy, đến nay toàn tỉnh có 25 đoạn sông sạt lở và có nguy cơ sạt lở bị cấm khai thác cát, sỏi với tổng chiều dài 15.611 mét. Trong đó, sông Krông Ana thuộc địa bàn huyện Krông Bông và Cư Kuin có 9 đoạn với tổng chiều dài sạt lở 5.780 mét; sông Krông Bông thuộc địa bàn huyện Krông Bông 4 đoạn với chiều dài sạt lở 4.421 mét; thuộc địa bàn huyện Krông Ana 2 đoạn với chiều dài sạt lở 1.950 mét; sông Krông Ana thuộc địa bàn các huyện Lắk, Krông Ana, Krông Bông, Cư Kuin 10 đoạn với chiều dài sạt lở 3.460 mét. Để bảo vệ khoáng sản ở vùng cấm khai thác, UBND các huyện Krông Ana, Lắk, Cư Kuin và Krông Bông cũng đã chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương thường xuyên thanh, kiểm tra việc khai thác của các đơn vị trên địa bàn. Nhờ đó, sau gần 2 năm khoanh vùng cấm khai thác cát, sỏi, những điểm sạt lở bờ sông ở các huyện được cải thiện đáng kể; việc khai thác cát trái phép cũng được hạn chế rất nhiều.
Có thể nói, việc khoanh vùng cấm khai thác cát, sỏi đã góp phần bảo vệ có hiệu quả tài nguyên khoáng sản; ngăn chặn, xử lý các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép để bảo vệ môi trường, hệ sinh thái và tình hình an ninh trật tự trong khu vực.
Thúy Hồng
[links()]
Ý kiến bạn đọc