Kỳ công bảo tồn giống cá chiên quý hiếm
Bảo tồn giống cá quý
Cá chiên (Bagarius yarrelli) phân bố ở lưu vực sông Sêrêpốk, là đối tượng sống tầng đáy và ưa đáy đá, tập tính sinh sản gần giống như cá lăng. Vào mùa sinh sản cá chiên di cư lên thượng nguồn đẻ trứng, trong quá trình trôi xuống hạ lưu trứng sẽ nở thành cá con.
Tuy nhiên 5 năm trở lại đây, nguồn cá chiên trong tự nhiên bị sụt giảm nghiêm trọng về số lượng. Theo khảo sát của Dự án Quản lý nghề cá lưu vực sông Mê Kông (được Đan Mạch tài trợ) năm 2010 do Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III (tỉnh Khánh Hòa) thực hiện, trong 201 loài cá trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, cá chiên trong tự nhiên có số lượng giảm dần và đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Xác định được mức độ nghiêm trọng trong việc bảo tồn nguồn gien và xây dựng quy trình sản xuất giống để tái tạo nguồn lợi cá chiên tự nhiên, tháng 4-2014, Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai đề tài Nghiên cứu sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm cá chiên trên địa bàn tỉnh do Công ty cổ phần Yang Hanh (huyện Krông Bông) thực hiện trong thời gian 45 tháng. Trong đó, chú trọng việc nghiên cứu sản xuất nhân tạo giống cá chiên, cụ thể: tập trung thuần dưỡng cá bố, mẹ; nghiên cứu sinh sản nhân tạo và ấp trứng; nghiên cứu ương nuôi từ cá bột lên cá hương, từ cá hương lên cá giống và nghiên cứu nuôi cá chiên thương phẩm trong ao đất, lồng bè trên mặt nước tĩnh.
Cá chiên giống được nuôi tại lồng bè trên đập Hố Kè (xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông). |
Theo ông Trịnh Bá Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục thủy sản Đắk Lắk, cá chiên là loài sống di cư chủ yếu trên mặt nước chảy, khi đưa vào thuần chủng bắt buộc phải nắm vững về kỹ thuật, đặc biệt trong vấn đề sinh sản nhân tạo, sản xuất giống. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có những nghiên cứu sâu về giống cá này, do đó khi triển khai thực hiện Công ty cổ phần Yang Hanh sẽ gặp nhiều khó khăn. “Hiện tại đang trong quá trình thực hiện thử nghiệm nhưng vẫn phải dự trù khả năng thất bại xảy ra. Nguồn cá ngoài tự nhiên ít, dẫn đến việc chọn lựa con giống cũng hạn chế, ngay cả việc tìm kiếm, thu mua giống cá bố, mẹ cũng là một khó khăn”, ông Sơn trăn trở.
Song bên cạnh đó, việc thuần dưỡng cũng có nhiều thuận lợi bởi đây là giống cá bản địa nên việc thích nghi với môi trường thủy lý thủy hóa (độ PH, yếu tố nhiệt độ...) rất cao. Ngoài ra, tỉnh ta có truyền thống sản xuất cá giống nước ngọt nên có thể tận dụng được kinh nghiệm trong việc thuần dưỡng, nghiên cứu sinh sản nhân tạo giống cá chiên. Và khi mô hình này thành công sẽ mở ra một bước tiến mới về bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Triển vọng đối với nghề nuôi trồng thủy sản
Để thực hiện mô hình này, năm 2015 Công ty cổ phần Yang Hanh đã nhập hàng chục nghìn con cá chiên tự nhiên về nuôi thử nghiệm trong ao đất và lồng bè tại đập Hố Kè (xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông), bước đầu mang lại kết quả khả quan. Qua thực tế nuôi thử nghiệm, nếu người nuôi chọn mỗi lồng cá có từ 100 - 150 con, sau hơn một năm nuôi, trung bình đạt từ 1 - 2,5 kg/con (cỡ con giống từ 6 - 8cm), tổng sản lượng ước tính đạt từ 150 - 250kg/lồng. Giá cá chiên hiện nay trên thị trường dao động từ 300.000 - 350.000 đồng/kg, cho thấy đây sẽ là cơ hội “làm giàu” cho người nuôi trồng thủy sản nếu được nuôi đại trà trên địa bàn tỉnh.
Ông Trịnh Bá Sơn, Phó Chi cục trưởng, Chi cục thủy sản Đắk Lắk
|
Không chỉ nuôi cá chiên bột, Công ty cổ phần Yang Hanh đã mua được 150 con cá chiên bố, mẹ từ những người đánh bắt cá ở lưu vực sông Sêrêpốk về nuôi trong lồng bè. Công ty đã áp dụng kỹ thuật nuôi phù hợp với đặc tính của cá, cùng với nguồn thức ăn bảo đảm cho nhu cầu sinh sản nhân tạo để có được các con giống phù hợp với môi trường nước tĩnh. Trong thời gian tới, công ty tiến hành cho cá chiên mẹ đẻ thử nghiệm, nếu thành công sẽ chủ động về nguồn cá giống và cũng dễ dàng hơn trong việc thuần hóa cá bột.
Chia sẻ thêm về những khó khăn trong quá trình thực hiện, ông Lê Xuân Hùng, Giám đốc Công ty cổ phần Yang Hanh cho hay, do nuôi trong đập nên khi thời tiết hạn hán dẫn đến lượng nước không đủ cung cấp và mật độ nuôi không đảm bảo cá chiên sẽ không sống được. Chưa hết, với đặc tính sống bám ở tầng đáy nên khó kiểm soát được thức ăn, cũng như không kiểm tra được sức khỏe của cá chiên. Bản thân cá chiên thường ăn thức ăn dạng tươi sống (cá, tôm, giun đất...) vì vậy để thuần sang ăn được thức ăn công nghiệp dạng viên phải mất một thời gian dài.
Cá chiên thương phẩm được nuôi trong lồng bè tại xã Hòa Lễ (huyện Bông Bông). |
Còn quá sớm để nói về hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi cá chiên trong ao đất và lồng bè tại huyện Krông Bông, nhưng rõ ràng việc nghiên cứu thành công quy trình công nghệ sản xuất giống cá chiên của Công ty cổ phần Yang Hanh sẽ góp phần chủ động về con giống, hạn chế tình trạng đánh bắt cá chiên tự nhiên, đồng thời mở ra cơ hội lớn đối với nghề nuôi trồng thủy sản của địa phương.
Hoàng Ân
Ý kiến bạn đọc