Phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Krông Bông: Còn nhiều khó khăn
Là một huyện thuần nông, thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, những năm qua huyện Krông Bông đã tập trung triển khai nhiều giải pháp thu hút đầu tư vào lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong sản xuất nông nghiệp, chú trọng chuyển đổi cây trồng, vật nuôi nhằm tái cơ cấu ngành Nông nghiệp ở địa phương. Tuy nhiên kết quả đạt được chưa cao do còn nhiều khó khăn vướng mắc.
Thiếu vốn đầu tư
Bà Lê Thị Vũ ở thôn 2, xã Dang Kang chia sẻ: “Mô hình tưới tiết kiệm nước của gia đình tôi là mô hình đầu tiên được lắp đặt trên địa bàn xã, chi phí đầu tư lắp đặt hệ thống cho 8 sào cà phê xen tiêu là 24 triệu đồng, trong đó Trạm Khuyến nông huyện hỗ trợ 12 triệu đồng, gia đình bỏ ra 12 triệu đồng. Mô hình sau khi đưa vào sử dụng mang lại hiệu quả, tiết kiệm chi phí, ngày công nhưng kinh phí đầu tư ban đầu khá lớn nên những hộ nào có được sự hỗ trợ từ Nhà nước thì mới lắp đặt được”.
Đồng quan điểm này, chị Bùi Thị Kim ở thôn 2 cũng muốn lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm cho 1 ha cà phê của gia đình nhưng theo tính toán của chị, 1 ha cà phê mỗi năm đem lại thu nhập khoảng 70 triệu đồng, sau khi trừ chi phí thì lợi nhuận chẳng được bao nhiêu. Hơn nữa, gia đình đang phải vay ngân hàng để đầu tư sản xuất nên nếu không được hỗ trợ kinh phí thì chị cũng không dám lắp.
Mô hình lúa thảo dược được triển khai ở xã Hòa Lễ tuy mang lại hiệu quả nhưng đầu ra không ổn định nên không thể nhân rộng. |
Theo ông Nguyễn Đức Trung, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện, các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC tại địa phương chủ yếu được xây dựng bằng nguồn kinh phí Nhà nước chứ chưa được nhân rộng do điều kiện kinh tế người dân khó khăn dẫn đến thiếu vốn đầu tư. Hiện trên địa bàn huyện Krông Bông cũng chưa có Khu nông nghiệp ứng dụng CNC nào. Vốn đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng CNC rất lớn, ví dụ như lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm cho 1 ha cà phê tốn chi phí khoảng 30 – 50 triệu đồng; còn kinh phí để xây dựng mô hình trồng rau ứng dụng CNC bình quân từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/1 ha, một chi phí quá lớn đối với những người nông dân nơi đây.
Khó tìm đầu ra cho sản phẩm
Bên cạnh khó khăn về nguồn vốn, người dân còn gặp khó khăn về đầu ra cho sản phẩm theo chuẩn CNC. Chẳng hạn như mô hình rau hữu cơ trồng theo công nghệ Nhật Bản của ông Nguyễn Văn Phước ở thôn 1, xã Hòa Sơn. “Tôi trồng 5 sào rau hữu cơ nhưng chi phí đầu tư cho mỗi sào lên đến hàng trăm triệu đồng/năm nên hầu như không bán được ở địa phương mà phải vận chuyển vào các thành phố lớn nhờ con trai bán. Một bó rau bình thường ở chợ quê bán có 3 - 5 nghìn đồng nhưng một bó rau sạch hữu cơ trọng lượng tương đương giá bán phải lên tới 10 – 15 nghìn đồng nên rất kén người mua” - ông Phước lo lắng.
Vườn rau hữu cơ của ông Nguyễn Văn Phước ở thôn 1, xã Hòa Sơn. |
“Trong thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 04-NQ/HU ngày 27-12-2016 của Huyện ủy về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên địa bàn huyện giai đoạn 2015 – 2020, định hình một số vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC và đẩy mạnh kêu gọi nguồn đầu tư từ các doanh nghiệp, đồng thời đề xuất tỉnh hỗ trợ một số chính sách về vốn và đầu ra cho nông nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn”.
Bí thư Huyện ủy Krông Bông Nguyễn Minh Huấn
|
Có một nghịch lý là trong khi nhu cầu về sản phẩm sạch trên thị trường là rất lớn thì sản phẩm nông nghiệp sạch lại đang loay hoay tìm thị trường. Với giá cao gấp 3-4 lần rau bình thường thì rau sạch chỉ có thể bán ở siêu thị. Chi phí sản xuất cao đồng nghĩa với việc giá thành sẽ cao hơn nhiều lần so với sản phẩm thông thường. Tuy nhiên, hiện nay người tiêu dùng đang khó chấp nhận và chưa đối xử công bằng về giá đối với sản phẩm sạch. Đây là bài toán khá nan giải cho người sản xuất nông nghiệp sạch và ứng dụng CNC ở Krông Bông. Bên cạnh đó, những người sản xuất nông nghiệp CNC đòi hỏi phải có kỹ thuật, có kiến thức nông nghiệp, thường xuyên cập nhật kiến thức để vận hành nông trại tốt nhất. Tuy nhiên, người dân lại chưa thể đáp ứng những yêu cầu trên nên việc tiếp cận các chỉ tiêu về rau sạch, an toàn như VietGAP, GlobalGAP... còn nhiều khó khăn.
Trao đổi về vấn đề này, ông Hồ Đức Hoàng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Krông Bông cho biết, những năm qua, huyện đã chỉ đạo xây dựng và phê duyệt Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên địa bàn huyện giai đoạn 2015 – 2020, trong đó có chú trọng ứng dụng nông nghiệp CNC. Tuy nhiên, hiện nay có rất ít doanh nghiệp đầu tư vào địa phương, người dân còn sản xuất manh mún, nhỏ lẻ do sản phẩm nông nghiệp không có đầu ra ổn định. Bên cạnh đó, yếu tố vị trí địa lý xa các trung tâm tiêu thụ lớn, đường sá xuống cấp, hệ thống thủy lợi không bảo đảm… cũng là những trở ngại lớn trong ứng dụng nông nghiệp CNC trên địa bàn.
Khả Lê
Ý kiến bạn đọc