Sớm "gỡ khó" để Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đi vào hoạt động
Được khởi công từ tháng 7-2010, dự kiến hoàn thành năm 2013, nhưng đến nay Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên vẫn chưa thể đi vào hoạt động.
Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên quy mô 800 giường bệnh, tổng vốn đầu tư gần 1.100 tỷ đồng trên diện tích 12 ha từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, do Sở Y tế làm chủ đầu tư. Công trình hoàn thành sẽ góp phần tạo điều kiện cho nhân dân Đắk Lắk và các tỉnh Tây Nguyên được tiếp cận với các dịch vụ y tế hiện đại, hạn chế việc phải chuyển tuyến lên các bệnh viện tuyến Trung ương. Kế hoạch, kỳ vọng là thế, nhưng dự án lại được thực hiện hết sức ỳ ạch. Sau nhiều lần xem xét tiến độ thực tế, ngày 23-12-2016, UBND tỉnh ban hành Công văn số 10407/UBND-CN, thống nhất điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đến năm 2017. Công văn nêu rõ đây là lần gia hạn cuối cùng, nếu dự án không hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm điều kiện để đưa công trình vào sử dụng thì Giám đốc Sở Y tế chịu mọi trách nhiệm trước UBND tỉnh. Mặc dù đã có chỉ đạo quyết liệt, nhưng tiến độ thực hiện dự án vẫn không được cải thiện. Sau đó, UBND tỉnh tiếp tục ra “tối hậu thư” phải hoàn thành và đưa vào sử dụng Bệnh viện này vào hoạt động trong quý 1-2018. Nhưng việc đưa bệnh viện vào hoạt động vẫn còn nhiều khó khăn. Hiện Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên về cơ bản đã xong các hạng mục chính của công trình. Có 5 khối nhà lớn và nhiều hạng mục công trình nhỏ đã được xây dựng xong và bỏ không, xung quanh dây leo đã mọc um tùm. Các đội thi công và máy móc cũng đã được rút đi, cả công trình rộng hàng chục ha hiện chỉ còn vài người xây dựng một vài hạng mục nhỏ.
Xung quanh các khối nhà của Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cỏ dại, dây leo đã mọc um tùm. |
Nói về nguyên nhân chậm tiến độ của bệnh viện, lãnh đạo Sở Y tế cho biết nguyên nhân chính vẫn là do kinh phí để hoàn thiện bệnh viện theo phương án ban đầu bị thiếu hụt. Theo đó, phương án cũ là chuyển công năng Bệnh viện Đa khoa tỉnh ra bệnh viện vùng; các máy móc, thiết bị y tế sẽ được mua sắm mới hoàn toàn. Bệnh viện Đa khoa tỉnh sẽ trở thành bệnh viện ung bướu, sản nhi... Tuy nhiên, khi xin nguồn vốn ODA để mua sắm thiết bị gặp khó khăn, mất rất nhiều thời gian nên phải thay đổi sang phương án chuyển toàn bộ y bác sĩ, thiết bị, máy móc từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh sang bệnh viện vùng để đi vào hoạt động khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Song song với đó, Sở Y tế sẽ cùng cơ quan chức năng tìm nguồn vốn ODA để mua sắm mới trang thiết bị y tế ở bệnh viện vùng.
Có mặt tại khu vực Bệnh viện Đa khoa vùng Tây nguyên và đường chiến lược Trần Quý Cáp, cả hai dự án đều đang dang dở. Cụ thể, đường Trần Quý Cáp đoạn ngang qua bệnh viện đã được hoàn thiện, mặt đường rộng, khá đẹp, tuy đoạn từ bệnh viện vùng hướng về Quốc lộ 26 nhiều chỗ cũng đang thi công dang dở. Đường Mai Thị Lựu, đoạn nối Trần Quý Cáp về trung tâm thành phố thì chưa khởi công. Trong khi đó đường hành lang Đông - Tây cắt ngang đường Trần Quý Cáp hiện cũng dang dở. Như vậy, mọi con đường để đi vào Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên hiện đang ngổn ngang.
Nhiều đoạn của tuyến đường Trần Quý Cáp chưa được thi, công hoàn thiện. |
Trước thực tế trên, tại phiên họp thường kỳ quý I-2018 của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị đã yêu cầu các ngành liên quan và TP. Buôn Ma Thuột đẩy nhanh tiến độ tất cả các dự án liên quan để sớm đưa Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên vào hoạt động, tránh lãng phí và ảnh hưởng đến việc chăm sóc sức khỏe nhân dân. Một trong những động thái cụ thể là đồng ý cho TP. Buôn Ma Thuột được ứng vốn từ ngân sách địa phương để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công các tuyến đường qua bệnh viện này. Với sự vào cuộc quyết liệt của UBND tỉnh, hy vọng các tuyến đường trên sẽ sớm hoàn thiện và Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cũng có thể đi vào hoạt động.
Quốc Anh
Ý kiến bạn đọc