Multimedia Đọc Báo in

Nâng tầm cho hạt gạo Buôn Triết

07:57, 25/04/2018

Mặc dù sống trên vựa lúa của tỉnh, nhưng người dân ở xã Buôn Triết (huyện Lắk) vẫn chưa thể làm giàu từ cây lúa do giá trị hạt gạo còn thấp…

Được biết đến là vựa lúa của Đắk Lắk, với diện tích gieo trồng khoảng 2.000 ha (lúa 2 vụ), năng suất bình quân đạt khoảng 8 tấn/ha, tuy nhiên cả mấy chục năm nay, xã Buôn Triết vẫn là xã khó khăn với thu nhập bình quân đầu người năm 2017 là 16 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo 29%; xây dựng nông thôn mới đến nay cũng mới đạt 8/19 tiêu chí. Một trong những nguyên nhân là kinh tế chủ yếu dựa vào cây lúa, trong khi giá lúa thấp và không ổn định kéo theo cuộc sống của người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn.

Trước thực tế trên, HTX Dịch vụ nông nghiệp Đồng Nhất nằm trên địa bàn xã đã tiên phong phát triển cây lúa theo hướng mới, đó là sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông Đoàn Văn Ương, Giám đốc HTX cho biết, gắn bó với cây lúa từ thuở thiếu thời, ông thấy nông dân làm lúa quá vất vả nhưng giá trị kinh tế của hạt lúa mang lại không cao nên cuộc sống của người dân quanh năm khốn khó. Vì vậy, năm 2010 HTX bắt đầu ứng dụng làm thử lúa hữu cơ, không dùng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật hóa học, chỉ sử dụng các sản phẩm sinh học. Thời gian đầu, lúa cho năng suất kém hơn so với trước đây (đạt khoảng 5 tấn/ha), và sau 5 năm thử nghiệm, năng suất lúa đã đạt ngang với sản xuất theo cách truyền thống (7-8 tấn/ha). Đặc biệt, hạt gạo đạt chất lượng rất tốt, HTX đã đem sản phẩm đi kiểm tra, các chỉ số đều đạt yêu cầu sản phẩm sạch.

Ông Đoàn Văn Ương, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Đồng Nhất  kiểm tra cánh đồng sản xuất lúa VietGAP.
Ông Đoàn Văn Ương, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Đồng Nhất kiểm tra cánh đồng sản xuất lúa VietGAP.

Mặc dù đã sản xuất thành công sản phẩm gạo có giá trị kinh tế cao nhưng việc thương mại sản phẩm này thời gian đầu không dễ dàng chút nào vì giá thành sản xuất cao (cao hơn 3 triệu đồng/ha so với cách sản xuất lúa truyền thống) nên giá bán cao hơn gạo thông thường khoảng 10.000 đồng (tùy loại gạo), vì vậy số lượng gạo được tiêu thụ rất ít. Không nản lòng, một mặt HTX vẫn sản xuất lúa gạo hữu cơ, mặt khác liên kết với công ty giống để sản xuất lúa giống, nâng cao thu nhập cho các thành viên. Ngoài ra, HTX còn chủ động xây dựng kế hoạch điều tiết chống úng, chống hạn; gieo sạ đồng loạt, phù hợp với thời vụ để cánh đồng đạt năng suất cao nhất. Đến năm 2017, HTX xây dựng được 10 ha sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, cho năng suất từ 8-10 tấn/ha. Đến tháng 8-2017, HTX đã chính thức cho ra thị trường sản phẩm gạo hữu cơ chất lượng cao. Sản phẩm gạo sạch VietGAP Đồng Nhất đã được cấp chứng nhận và logo, có mặt ở nhiều thị trường như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đắk Nông… với giá bán 30.000 đồng/kg. HTX còn mạnh dạn tham gia các chương trình truyền thông để có định hướng, kế hoạch liên kết đầu tư sản xuất, phát triển theo hướng sản xuất xanh để nâng cao giá trị hạt gạo của vùng Buôn Triết; chuyển giao công nghệ cho người nông dân và các thành viên HTX ứng dụng công nghệ sản xuất nông sản sạch, không ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng...

Ông Đoàn Văn Ương giới thiệu bao bì đóng gói sản phẩm gạo sạch của HTX đến khách hàng.
Ông Đoàn Văn Ương giới thiệu bao bì đóng gói sản phẩm gạo sạch của HTX đến khách hàng.

Hiện HTX có 115 thành viên, với diện tích 300 ha, năng suất bình quân đạt 7-8 tấn/ha, trong đó diện tích chuyên sản xuất lúa gạo sạch năm 2018 là 20 ha. đồng thời hướng tới sản xuất xanh để bảo đảm chất lượng xuất khẩu sang Singapore vào năm 2019. Hiện sản lượng gạo VietGAP của HTX chỉ mới cung ứng được khoảng 200 tấn/năm, trong khi nhu cầu thị trường cần 1.000 tấn/năm, do đó HTX đang cần mở rộng diện tích càng nhanh càng tốt, song nhiều nông dân vẫn còn do dự, chưa chịu hợp tác vì chưa tin vào hướng phát triển mới. Tuy vậy, ông Đoàn Văn Ương vẫn tin rằng, thời gian tới, 2.000 ha lúa trên cánh đồng Buôn Triết sẽ hướng đến sản xuất xanh theo quy luật thị trường.

Để thu hút các thành viên ứng dụng quy trình sản xuất sạch, thời gian mới bắt đầu sản xuất, năng suất còn thấp, HTX có chính sách mua lại lúa với giá cao hơn 20% so với giá thông thường để giúp thu nhập của bà con được tăng lên bằng hoặc cao hơn những thửa ruộng sản xuất theo hướng truyền thống.

Minh Thuận

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.