Multimedia Đọc Báo in

Tăng thêm thu nhập từ nuôi heo đen

08:20, 12/04/2018

Loài heo đen bản địa có sức đề kháng cao, ít bệnh, chi phí đầu tư thấp, lại bán với giá cao đang giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có thêm nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Gia đình chị H’Luốt Adrơng (buôn Ea M’dhar, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn) hiện có đàn heo đen gồm 1 mẹ và hơn chục heo con nhỏ đang nuôi thả ngoài vườn. Nhà chị H’Luốt chỉ có 3 sào đất trồng cà phê không đủ sống nên ai kêu gì vợ chồng chị làm nấy, thu nhập bấp bênh. Để kiếm thêm thu nhập, chị đã nuôi thêm heo đen. Chị H’Luốt cho biết, heo đen là giống bản địa, rất khỏe, có sức đề kháng cao, ít bệnh. Chúng ăn các loại rau củ quả trong vườn, trên rẫy như rau lang, thân chuối, củ mì, bắp… rất dễ nuôi, chi phí đầu tư thấp hơn nhiều so với nuôi heo trắng. Với phương thức chăn nuôi tự nhiên, dân dã không cho ăn các loại thức ăn tăng trọng, không dùng chất tạo nạc nên thịt heo đen chắc, ít mỡ, nạc dày, người tiêu dùng ưa thích, bán được giá cao. Mỗi năm, một con heo mẹ sinh sản được 2 đợt, mỗi đợt  từ 8-10 con. Heo con nuôi khoảng 3 tháng thì xuất bán với giá từ 1,2-1,5 triệu đồng/cặp. Như vậy một năm, nhà chị H’Luốt thu về hơn 12 triệu đồng từ việc nuôi heo đen. Số tiền này tuy không nhiều, nhưng với gia đình nghèo như nhà chị là rất quý, nhất là những tháng giáp hạt, đầu năm học mua quần áo sách vở cho con… Sắp tới, chị sẽ gây thêm 1-2 con heo  nái để tăng thu nhập cho gia đình.

Đàn heo đen  nhà chị H’Luốt.
Đàn heo đen nhà chị H’Luốt.

Thuộc diện khá giả, hai vợ chồng đều công tác tại trạm y tế xã Ea Trul, huyện Krông Bông, nhưng gần 10 năm nay, anh Y Nô Hwing (buôn Plum) vẫn gắn bó với mô hình nuôi heo đen truyền thống. Anh Y Nô cho hay, trước đây anh đầu tư chuồng trại kiên cố để nuôi heo trắng thương phẩm. Thời gian đầu nuôi còn có lời, nhưng càng về sau giá heo càng giảm, bán không đủ tiền mua thức ăn nên anh quay lại nuôi heo đen. Anh làm chuồng rộng rãi, thoáng mát để đàn heo sinh trưởng theo tập tính hoang dã, thường xuyên vệ sinh chuồng trại không gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Anh tận dụng cám gạo, canh cơm thừa, trồng thêm cây môn nước trong vườn để chủ động nguồn thức ăn cho heo. Nhờ vậy đàn heo nhà anh lớn nhanh, chắc khỏe, cần bán khi nào là thương lái tới mua liền. Hiện anh đang nuôi 25 con heo nhỏ, khi heo đạt cân nặng 10-12 kg sẽ cho xuất chuồng. Với giá bán hiện tại dao động từ 500-700 nghìn đồng/con, dự kiến thu về gần 17 triệu đồng. Anh Y Nô chia sẻ, hai vợ chồng làm công chức, mức lương chỉ đủ sống chứ không dư dả nhiều, trong khi cuộc sống nhiều thứ phải chi tiêu  nên anh tranh thủ thời gian nuôi thêm heo đen lấy công làm lãi. Nếu  siêng năng, chịu khó trồng rau, tìm thức ăn tự nhiên sẽ giảm bớt chi phí nuôi.

Ông Y Bích Byă, trưởng buôn Plum, xã Ea Trul cho biết, trong buôn có 174/180 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số. Người dân chủ yếu sống nhờ vào nương rẫy, cuộc sống còn nhiều khó khăn nên nhà nào cũng nuôi vài con heo đen, có nhà nuôi 3-4 con heo mẹ, mỗi năm thu về 15-20 triệu đồng có thêm khoản thu trang trải cuộc sống. Người dân không còn thả rông heo như trước đây mà làm chuồng nuôi nhốt kiên cố tránh trường hợp heo đi phá hoại hoa màu ảnh hưởng đến tình cảm hàng xóm và gây mất vệ sinh môi trường.

Huỳnh Thủy - Quý Sự


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.