Multimedia Đọc Báo in

TP. Buôn Ma Thuột: Thực hiện có hiệu quả chuỗi liên kết trong chăn nuôi

09:04, 23/04/2018

TP. Buôn Ma Thuột là đơn vị đi đầu toàn tỉnh về việc phát triển sản xuất chăn nuôi liên kết theo chuỗi trong những năm gần đây. Việc phát triển sản xuất chăn nuôi theo chuỗi liên kết giá trị đã thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân thành phố, đàn gia súc, gia cầm tăng đáng kể.

Hiệu quả kinh tế cao

Thống kê sơ bộ cuối năm 2017, thành phố có số lượng đàn heo phát triển đến 148.395 con, tăng 32% so với 2016; có 224 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm (chiếm 44% tổng số trang trại của tỉnh), trong đó hơn 97% là trang trại nuôi heo. Chỉ tính riêng trang trại được người dân liên kết với Công ty CP Việt Nam là 60 trang trại, gồm 50 trang trại nuôi heo thịt, 10 trang trại gà siêu thịt và gà lấy trứng, tập trung tại các xã Hòa Thuận (42 trang trại), Hòa Thắng (12 trang trại), Cư Êbur (3 trang trại) và Ea Kao (3 trang trại). Ngoài ra, nông dân trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột còn liên kết sản xuất chăn nuôi với các công ty khác như Công ty Bình Minh, Công ty Emivest Việt Nam…

 Theo ông Huỳnh Thanh Tuấn, Giám đốc chi nhánh Công ty CP Việt Nam tại Đắk Lắk, hiện nay số lượng trang trại chăn nuôi liên kết với nông dân TP. Buôn Ma Thuột chiếm đến 40% tổng số trang trại CP Việt Nam phát triển tại Đắk Lắk (60/150 trang trại). Hình thức liên kết là Công ty CP Việt Nam cung ứng con giống, thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ kỹ thuật, thuốc thú y và bao tiêu toàn bộ sản phẩm; vốn đối ứng của nông dân là đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào xây dựng chuồng trại (theo mô hình công ty hướng dẫn) và nhiệm vụ là tổ chức sản xuất theo kế hoạch, nhận tiền công theo hợp đồng. Người sản xuất không phải lo lắng về vật tư đầu vào, dịch bệnh và sự bấp bênh giá cả thị trường nên hiệu quả kinh tế rất ổn định. Ông Nguyễn Văn Khai, một trong nhiều chủ trang trại chăn nuôi heo thịt liên kết với Công ty CP Việt Nam tại thôn 3, xã Hòa Thuận cho biết: Trang trại của gia đình ông xây dựng được 4 năm, mỗi năm nuôi được 2 lứa heo thịt với quy mô khoảng 1.400 con trong phạm vi 1.600 m2, sau khi trừ mọi chi phí thì gia đình ông thu lãi từ 600 - 700 triệu đồng/năm. Năm 2017, dù giá heo thị trường xuống thấp, trong khi không ít hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bị thua lỗ nhiều, thậm chí không dám tái đàn thì gia đình ông Khai vẫn có thu nhập ổn định.

Một mô hình nuôi heo liên kết tại xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột).
Một mô hình nuôi heo liên kết tại xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột).

Tất cả sản phẩm liên kết chăn nuôi tại Đắk Lắk của Công ty CP đều cung cấp trong tỉnh, tập trung phân phối cho tất cả các siêu thị lớn tại TP. Buôn Ma Thuột (Co.op Mart, Vincom Buôn Ma Thuột, Megamarket…) và các chợ, thông qua kênh khách hàng là các lò mổ. Sản phẩm chăn nuôi của Công ty CP trước khi phân phối cho khách hàng đều được cán bộ của Chi cục Chăn nuôi - Thú y Đắk Lắk trực tiếp kiểm tra, giám sát chặt chẽ tại Trung tâm xuất hàng. Mỗi ngày riêng địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, Công ty CP cung ứng từ 350 - 400 con heo thịt (trung bình mỗi con hơn 1 tạ).

Sản xuất chăn nuôi theo chuỗi liên kết là dựa trên sự tổ chức chặt chẽ từ người sản xuất đến chế biến, phân phối ra thị trường và đến tay người tiêu dùng. Giữa các khâu thực hiện theo hợp đồng, kế hoạch thông qua thương hiệu, tính tin cậy cao, sản phẩm được gia tăng giá trị, nâng cao hiệu quả kinh tế, phát triển ổn định hơn nhiều so với sản xuất nhỏ lẻ.

Điều đáng quan tâm là dù thời gian qua trên thị trường giá heo hơi thương phẩm lao dốc khiến các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ điêu đứng nhưng Công ty CP vẫn liên kết sản xuất ổn định và sẵn sàng cạnh tranh về phân phối sản phẩm tại địa phương. Sự ổn định này là nhờ liên kết theo chuỗi, dựa vào sự quản lý chặt chẽ các khâu, từ khâu cung ứng giống cho nông dân, quản lý dịch bệnh, sản xuất cung ứng thức ăn chăn nuôi, theo dõi quy trình sản xuất và phân phối sản phẩm đầu ra chất lượng…

Tháo gỡ khó khăn trong chăn nuôi

Thực trạng giá thị trường heo hơi xuống thấp và hầu hết sản phẩm chăn nuôi của Công ty CP trên địa bàn chủ yếu là cung ứng sản phẩm tươi nội tỉnh, chưa chế biến sâu nên sản lượng chăn nuôi nếu phát triển nhiều thì “cung sẽ vượt cầu”. Vì thế, trước mắt Công ty CP Việt Nam mới chỉ duy trì ổn định đối với những cơ sở đã hợp đồng liên kết, chưa tiếp tục phát triển nhân rộng mô hình này tại các địa phương, khiến nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khác khó liên kết với công ty. 

Đối với địa phương, trước sự khó khăn trong chăn nuôi hiện nay, UBND thành phố đã khuyến cáo nhân dân hạn chế phát triển tăng đàn, ổn định số trang trại đã liên kết với các công ty, gắn kết với nhau vượt qua khó khăn mà vẫn bảo đảm chất lượng và hiệu quả kinh tế. Các ngân hàng, tổ chức tín dụng tại địa phương quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho người sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực chăn nuôi tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi. Tăng cường công tác chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, triển khai cụ thể các kế hoạch về phòng chống dịch bệnh, kiểm soát chặt chẽ công tác giết mổ trên địa bàn thành phố.

Sắp tới, thành phố tiếp tục đề xuất quy hoạch các khu chăn nuôi, giết mổ gia súc tập trung và chế biến sâu để đa dạng hóa nguồn sản phẩm, mở rộng thị trường, theo đó, xây dựng chương trình liên kết chuỗi giá trị từ đầu vào (với người sản xuất) đến đầu ra (với người tiêu dùng) để phát triển bền vững ngành chăn nuôi tại địa phương.            

Cẩm Lai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.