Multimedia Đọc Báo in

"Vàng mắt" vì nghệ!

09:00, 06/04/2018

Những ngày này về với các huyện Krông Pắc, Ea Kar, Cư M’gar người dân đang tất bật thu hoạch, sơ chế nghệ. Nghệ được phơi đầy sân, tích trữ đầy kho nhưng nông dân lại... rầu lòng!

Không có người mua

Năm 2016, người dân trồng nghệ trên địa bàn tỉnh thắng lớn khi giá nghệ thu mua tại vườn dao động từ 8-12 triệu đồng/tấn, giá bán tại các chợ sỉ dao động từ 13-14 triệu đồng/tấn. Thấy có lãi, năm 2017 người dân bắt đầu trồng xen trong vườn hoặc chuyển đổi diện tích hoa màu, cà phê già cỗi cần tái canh sang trồng nghệ. Gia đình chị Phạm Thị Hồng Mai (xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) có 4 ha nghệ cho hay, vụ thu hoạch nghệ 2017 thương lái đến tận vườn để thu mua nghệ với giá từ 10-12 triệu đồng/tấn và càng về cuối vụ giá càng tăng nên gia đình chị thu lãi bình quân khoảng 300 triệu đồng/ha. Năm nay năng suất nghệ bình quân đạt trên 30 tấn/ha, nhưng giá bán chỉ còn 3-3,5 triệu đồng/tấn (giảm 7-8 triệu đồng/tấn so với năm ngoái). Trong khi đó, giá nhân công vẫn không đổi (170.000-180.000 đồng/người/ngày), nghệ thu về lại không có người mua nên gia đình chị phải thuê nhân công về để thái nghệ phơi và tích trữ vào kho.

Nông dân xã Ea Kuăng, huyện Krông Pắc thu hoạch nghệ.
Nông dân xã Ea Kuăng, huyện Krông Pắc thu hoạch nghệ.

Tương tự, anh Nguyễn Thanh Hải (xã Cư Ni, huyện Ea Kar) cho biết, thấy giá nghệ cao nên gia đình đầu tư khoảng 80 triệu đồng để trồng 4 ha nghệ với hy vọng sẽ mang lại nguồn thu nhập cao. Không ngờ đến vụ thu hoạch thì giá nghệ rớt thê thảm, đầu vụ còn được giá 5.000 đồng/kg, bây giờ còn có dưới 3.000 đồng/kg mà cũng không có ai tìm mua. Theo Phòng NN-PTNT huyện, trên địa bàn Ea Kar có gần 2.000 ha nghệ, năng suất bình quân đạt 20 tấn/ha. Diện tích tăng mạnh nhưng giá xuống quá thấp, tìm nơi tiêu thụ cũng không có. Vì vậy, phần lớn người dân trên địa bàn đã chuyển sang chế biến tinh bột nghệ mong có giá bán tốt hơn. Hiện trên địa bàn huyện Ea Kar và Krông Pắc cũng có Công ty Cổ phần Solavina đứng ra liên kết với các hộ dân trồng nghệ, đồng thời bao tiêu sản phẩm, nhưng diện tích liên kết thì quá ít, khoảng 200 ha.

Cần có định hướng đúng

Từ xưa đến nay nghệ là cây dược liệu, gia vị được sử dụng rộng rãi nhưng số lượng không nhiều. Vào khoảng thời gian từ cuối năm 2014 đến nay, trào lưu sử dụng tinh bột nghệ chăm sóc sức khỏe bắt đầu nở rộ trong người dân, từ thành thị đến nông thôn nên đã đẩy giá nghệ tươi tăng theo. Theo đó, người dân cũng bắt đầu đổ xô trồng nghệ khiến cung vượt cầu, vì vậy chỉ trong thời gian ngắn giá nghệ tươi rớt thê thảm mà nông dân vẫn không biết bán cho ai! Mặt khác, giá tinh bột nghệ hiện nay tuy vẫn cao (dao động từ 350.000-400.000 đồng/kg), nhưng việc tiêu thụ tinh bột nghệ cũng đang chững lại. Anh Trần Văn Hoàn (thôn Phước Hòa 4, xã Ea Kuăng, huyện Krông Pắc) có cơ sở chế biến tinh bột nghệ cho hay, năm 2015 anh nhận thấy nhu cầu sử dụng tinh bột nghệ tăng cao nên đã mở xưởng chế biến tinh bột nghệ với công suất 2 tấn nghệ tươi/ngày thu về khoảng 80 kg tinh bột nghệ. Hiện nay, ngoài nhập cho các đại lý truyền thống thì việc tìm đầu ra cũng gặp không ít khó khăn.

Cơ sở chế biến tinh bột nghệ trên địa bàn huyện Krông Pắc.
Cơ sở chế biến tinh bột nghệ trên địa bàn huyện Krông Pắc.

Theo số liệu của các địa phương, toàn tỉnh có khoảng 5.000 ha nghệ, do dân trồng tự phát tập trung tại các huyện Krông Pắc, M’Đrắk, Ea Súp. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, nghệ là cây lấy củ, từ khi trồng đến khi thu hoạch kéo dài 1 năm và trong quá trình sinh trưởng lấy một lượng lớn chất dinh dưỡng từ đất, nên nếu trồng liên tục nhiều năm đất sẽ bị bạc màu, còn bản thân cây nghệ sinh ra các loại nấm bệnh như cháy lá, thối củ, teo củ… Do đó, để có định hướng đúng cho phát triển cây nghệ, các địa phương cần rà soát lại diện tích trồng nghệ trong dân, trên cơ sở đó xây dựng một vùng nguyên liệu dược liệu an toàn, có liên kết sản xuất theo chuỗi nhằm tìm kiếm thị trường ổn định.

Thanh Hường – Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.