Multimedia Đọc Báo in

"Chuyên gia nông nghiệp" ở vùng biên

10:20, 08/05/2018

Với bà con hai xã biên giới Ia R’vê và Ia Lốp (huyện Ea Súp), các cán bộ, nhân viên Trại giống Đoàn Kinh tế quốc phòng (KTQP) 737 chẳng khác nào những chuyên gia nông nghiệp, đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật chăn nuôi về với địa phương, giúp người dân từng bước thoát nghèo.

Thượng úy Trần Đình Thục, Phó trại trưởng Trại giống chia sẻ: “Nhiệm vụ của chúng tôi là xây dựng các mô hình chăn nuôi sản xuất, phát triển đời sống kinh tế cho nhân dân trên địa bàn. Không chỉ có bà con trong vùng, mỗi năm Trại giống còn đón hàng nghìn lượt người dân từ các nơi đến tham quan, học tập”. Từ huyện Chư Prông (Gia Lai) vượt gần 100 cây số đến tham quan, học tập mô hình nuôi bò dưới tán rừng của Trại giống, vợ chồng anh Nguyễn Văn Bách xuýt xoa: “Cưới xong, dư được ít tiền chúng tôi dự định đầu tư nuôi bò nhưng kinh nghiệm hầu như chưa có gì. Nghe bà con mách bộ đội 737 nuôi vịt trời, cá lăng, bò, dê rất hiệu quả nên vội tìm đến đây học tập. Được các anh nhiệt tình hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi, cách phòng dịch bệnh, giờ đây chúng tôi đã có thể tự tin khởi nghiệp”.

Nhân viên Trại giống Đoàn kinh tế quốc phòng 737 kiểm tra hệ thống kênh mương, thủy lợi do đơn vị quản lý.
Nhân viên Trại giống Đoàn kinh tế quốc phòng 737 kiểm tra hệ thống kênh mương, thủy lợi do đơn vị quản lý.

Mô hình chăn nuôi bò thả dưới tán rừng của Trại giống nhận được sự quan tâm đặc biệt của bà con. Nhờ tận dụng tối đa nguồn cỏ tự nhiên nên người nuôi ít tốn chi phí, nhân công; đàn bò phát triển nhanh và có sức đề kháng tốt hơn so với phương pháp nuôi nhốt kiểu truyền thống. Mùa khô, nguồn cỏ tự nhiên cạn kiệt, cán bộ, chiến sĩ dùng rơm rạ phơi khô kết hợp với phế phẩm từ chăn nuôi làm thức ăn dự trữ cho bò. Công tác phòng trừ dịch bệnh, chăm sóc bò thương phẩm, bò sinh sản luôn được quan tâm thực hiện. Sau gần ba năm triển khai mô hình mới, đàn bò của trại đã tăng từ 45 lên 99 con. Ngoài chăn nuôi bò, Trại giống đang từng bước thử nghiệm các mô hình nuôi dê, gà thương phẩm, tuy quy mô sản xuất còn khiêm tốn nhưng hiệu quả mang lại rất khả quan. Mỗi năm, Trại giống cung cấp hàng chục tấn dê, bò, gà giống và thương phẩm ra thị trường. Từ thành quả tăng gia sản xuất, mỗi dịp lễ, tết, Đoàn KTQP 737 đều mổ thịt bò, dê để “khao quân” và chia cho các hộ dân nghèo. Chung tay cùng cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh các hoạt động xóa đói giảm nghèo, Đoàn còn tặng hàng chục con bò, dê giống cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn.

Nhân viên Trại giống Đoàn Kinh tế quốc phòng 737 kiểm đếm đàn bò sau khi chăn thả.
Nhân viên Trại giống Đoàn Kinh tế quốc phòng 737 kiểm đếm đàn bò sau khi chăn thả.

Những năm trước đây, do nguồn nước khan hiếm nên mùa khô, nhiều hộ dân trong vùng phải bỏ trống đất canh tác, kéo nhau đi nơi khác làm thuê, cuộc sống rất khổ cực. Trước thực tế đó, Đoàn KTQP 737 đã tham mưu cho cấp trên đầu tư xây dựng hệ thống các công trình thủy lợi trong Khu kinh tế quốc phòng Ea Súp với tổng kinh phí hơn 106 tỷ đồng. Cuối năm 2015, khi các công trình đi vào hoạt động, ngoài nhiệm vụ chuyên môn, Trại giống còn được giao quản lý, vận hành trên 500 ha hồ, đập thủy lợi và hơn 150 km kênh, mương dẫn nước, bảo đảm điều tiết, phục vụ nước tưới tiêu cho hơn 3.000 ha đất nông nghiệp ở các hàng chục thôn thuộc 2 xã Ia R’vê và Ia Lốp.

Nhờ hệ thống tưới tiêu hiệu quả, nhiều hộ nông dân địa phương đã sản xuất, kinh doanh rất hiệu quả. Bên cánh đồng lúa nước chín vàng sắp đến ngày thu hoạch, ông Nông Văn Xa (thôn 11, xã Ia R’vê) không giấu được niềm vui: “Nhà tôi có 3 ha đất ruộng, mấy năm trước thường chỉ trồng được một vụ lúa trong mùa mưa, sau đó bỏ không cho cỏ mọc. Giờ đây nhờ nguồn nước tưới đảm bảo do bộ đội quản lý, vận hành, mỗi năm tôi có thể trồng được hai vụ lúa và một vụ màu, thu nhập nhờ đó tăng lên đáng kể”.

An Khang


Ý kiến bạn đọc