Để hướng tới nền nông nghiệp bền vững
Hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp bền vững là mục tiêu đặt ra cho Đắk Lắk nói riêng và các tỉnh ở khu vực Tây Nguyên nói chung. Trong thời gian qua đã có nhiều chủ trương, chính sách từ Trung ương đến địa phương được hoạch định và tích cực triển khai vì mục tiêu trên.
Tại Quyết định số 286/QĐ-TTg ngày 23-3-2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt việc điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, xác định rõ kinh tế Đắk Lắk phải đi theo hướng xanh sạch và bền vững, trong đó đặc biệt chú trọng khai thác các lợi thế phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, không ngừng nâng cao chuỗi giá trị gia tăng cho từng sản phẩm, ngành hàng đang giữ vị thế quan trọng chiến lược như cà phê, cao su, hồ tiêu và một số cây trồng cạn có giá trị khác. Định hướng trên là “kim chỉ nam” giúp các cơ quan quản lý Nhà nước về nông nghiệp triển khai thực hiện các bước đi phù hợp và có hiệu quả nhằm đạt được mục tiêu đặt ra. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn bộc lộ những yếu tố thiếu bền vững rất đáng quan tâm trên lĩnh vực này.
Trước hết là trong quy hoạch sản xuất nông nghiệp, diện tích cà phê Đắk Lắk được quy hoạch từ 150.000 – 180.000 ha, nhưng đến nay con số này đã vượt hơn 203.000 ha; cây hồ tiêu cũng đã tăng gần gấp đôi so với quy hoạch khoảng 40.000 – 42.000 ha; nhiều loại cây trồng cạn khác cũng mở rộng theo kiểu “tự phát” hàng nghìn héc-ta mỗi năm. Có thể nói câu chuyện không tuân thủ theo quy hoạch đã khiến chính quyền địa phương, cũng như cơ quan hoạch định chính sách nông nghiệp phải “đau đầu” lâu nay. Bởi số diện tích cây trồng “ngoài dự liệu” này đã khiến hoạt động sản xuất theo hướng bền vững trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn – từ việc quản lý, cung ứng dịch vụ, nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm và bảo đảm thị trường tiêu thụ… cho đến vấn đề ứng phó với những tình huống bất lợi như giá cả biến động, thiên tai xảy ra hàng năm là nỗi lo trước mắt và lâu dài.
Nghiên cứu giống cà phê bằng phương pháp nuôi cấy mô tại Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên. Ảnh: H. Gia |
Chỉ lấy ví dụ như nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Đắk Lắk hiện nay cũng đủ thấy yếu tố thiếu bền vững nêu trên. Theo tính toán của Sở NN-PTNT, đến năm 2020 thì nhu cầu nước tưới ước gần 200 tỷ m3/mùa vụ. Hiện nay nguồn nước tưới (nước mặt) trên toàn vùng chỉ đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu, vì thế việc xây dựng thêm và nâng cấp các công trình thủy lợi ở đây là yêu cầu bức thiết đặt ra. Từ năm 1986 đến nay, Nhà nước, doanh nghiệp và người dân đã đầu tư hàng trăm nghìn tỷ đồng để xây dựng hơn 700 công trình thủy lợi lớn nhỏ trên địa bàn để bảo đảm nguồn nước tưới cho gần 700.000 ha cây trồng các loại. Tuy vậy, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở đây, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp – yếu tố không bền vững về nguồn nước đã ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn do vấn đề quy hoạch trong sản xuất thường xuyên bị phá vỡ, dẫn đến tình trạng thụ động trong công tác dự báo, phát triển và ổn định đời sống sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
Mô hình trồng rau trong nhà lồng của HTX Nông nghiệp dịch vụ Bình An (huyện Ea H'leo). |
Mùa khô năm nào cũng xảy ra tình trạng thiếu nước, đặc biệt là đối với cây cà phê, khiến chính quyền địa phương cũng như các nông hộ trực tiếp sản xuất lao đao trong việc huy động, tìm kiếm nguồn tài chính nhằm giải quyết vấn nạn trên. Năm 2018, dù hạn hán không diễn ra gay gắt như các năm trước, nhưng UBND tỉnh cũng đã chi ngân sách không dưới 52 tỷ đồng đề đảm bảo nguồn nước tưới cho hơn 260.000 ha cây trồng đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới vào những tháng 6 – 7 tới. Được biết số diện tích cây trồng này phần lớn rơi vào trường hợp “bất tuân” quy hoạch của cơ quan chức năng. Một chuyên gia nông nghiệp ở Viện Khoa học – Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên cho rằng điều đó cũng trở thành lực cản đáng quan ngại để Đắk Lắk hướng tới một nền nông nghiệp bền vững thực sự. Có thể nói từ vấn đề quy hoạch trong sản xuất nông nghiệp hiện không được kiểm soát, tuân thủ nghiêm ngặt đến những hệ lụy khác kéo theo… đã đến lúc cần phải đánh giá và soát xét lại Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Đắk Lắk giai đoạn 2016 – 2020 trên các mặt hạn chế vừa nêu. Nếu không, thì sẽ không đạt được mục tiêu đề ra (chiếm từ 70 – 72 % tỷ trọng nền kinh tế); và theo đó sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp vào những năm tới theo định hướng mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tại Quyết định 286/QĐ-TTg.
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc