Gỡ khó cho nông sản xuất khẩu
Nhiều loại nông sản của tỉnh ta hiện đã xuất đi hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đặc biệt là xâm nhập được vào các thị trường khó tính, tuy nhiên giá trị thu về vẫn chưa như kỳ vọng.
Tỉnh Đắk Lắk có thế mạnh về nông nghiệp, có tiềm năng xuất khẩu nông sản và được đánh giá cao về chất lượng. Hằng năm, năng lực sản xuất của tỉnh tạo ra một khối lượng sản phẩm lớn trên thị trường, trong đó, bình quân cà phê gần 460.000 tấn, cao su 37.000 tấn, tiêu hạt 71.000 tấn, sắn lát 570.000 tấn, điều 20.000 tấn, ngô hạt 685.000 tấn, mật ong hơn 10.000 tấn và gần 100.000 tấn trái cây các loại.
Theo Sở Công thương, hàng hóa của tỉnh đã xuất đi hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đặc biệt, nông sản đã đáp ứng về điều kiện kiểm dịch thực vật để thâm nhập được vào các thị trường lớn với yêu cầu khắt khe về chất lượng hàng hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm như Mỹ, Nhật Bản, Anh, Pháp... Toàn tỉnh hiện có 78 doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu, trong đó, có 22 DN có hoạt động thường xuyên. Hoạt động xuất khẩu của tỉnh tiếp tục có những bước tăng trưởng khá và tăng dần qua các năm. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh đạt 575 triệu USD, tăng trên 14% so với cùng kỳ năm 2016.
Sản xuất cà phê bột xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển An Thái. |
Tuy nhiên, mặc dù nhiều nông sản có lợi thế trong xuất khẩu song giá trị thu về lại không nhiều. Trên bình diện chung, hàng hóa xuất khẩu của tỉnh chiếm đến 80% là xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu thô dẫn đến giá trị chưa cao. Đơn cử như mặt hàng cà phê, đây là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh, đã có mặt ở 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2017, lượng cà phê nhân xuất khẩu tăng trên 7%, đạt 215.000 tấn. Mặc dù tăng về lượng nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn còn thấp do cà phê chủ yếu xuất ở dạng nguyên liệu thô. Trong khi đó, sản lượng cà phê chế biến sâu xuất khẩu vẫn còn rất khiêm tốn, đơn cử như cà phê hòa tan xuất khẩu chỉ đạt 5.000 tấn. Tương tự, mặt hàng hồ tiêu cũng chủ yếu xuất khẩu ở sản phẩm thô, chưa chuyển sang các sản phẩm được chế biến với chất lượng cao, vì thế giá trị thu về thấp. Bên cạnh đó, nhiều hàng nông sản xuất khẩu phải xuất qua các nước trung gian nên đã làm giảm giá trị, thậm chí một số mặt hàng như sắn còn phụ thuộc vào một thị trường nhất định là Trung Quốc.
Hiện nay tỉnh đang tập trung động viên, khuyến khích các DN mở rộng thị trường, kêu gọi các nhà đầu tư tập trung vào đầu tư chế biến sâu, chế biến tinh, đồng thời tăng cường thực hiện các chính sách liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hóa; thực hiện đồng bộ các hoạt động xức tiến thương mại; mở rộng thị trường xuất khẩu, tránh lệ thuộc vào một vài thị trường lớn... nhằm nâng cao tốc độ xuất khẩu của tỉnh. |
Ngoài vấn đề trên thì hoạt động xuất khẩu của tỉnh vẫn tiếp tục đối diện với những khó khăn như công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm dù được các cơ quan nhà nước và DN quan tâm nhưng còn thiếu kinh nghiệm, một số DN vẫn chưa thấy rõ tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu sản phẩm. Sản xuất hiện nay còn nhỏ lẻ, manh mún, có đến 80% diện tích đất trồng trọt do người dân quản lý, chỉ 20% diện tích sản xuất tập trung do đó thiếu tính ổn định, bền vững lâu dài và việc áp ụng khoa học kỹ thuật cũng không đồng bộ, sự liên kết giữa DN và người dân còn thiếu, hoạt động xúc tiến thương mại cho khu vực thị trường nước ngoài chưa được quan tâm đúng mức... Vấn đề đáng nói nhất là giá các mặt hàng như cà phê, tiêu phụ thuộc nhiều vào sự biến động giá trên thị trường thế giới nên tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chưa bền vững. Việc sản xuất và tiêu thụ mang tính phong trào, trong các chuỗi giá trị nông sản tồn tại sự tắc nghẽn do thiếu thông tin thị trường, thiếu tính liên kết giữa các tác nhân dẫn đến nông dân thường mua các vật tư đầu vào với giá cao và phải bán nông sản với giá thấp. Đơn cử như hồ tiêu niên vụ 2017-2018 vừa qua, giá tiêu thấp đến mức kỷ lục chỉ bằng một nửa so với đầu vụ năm ngoái, ở mức 54.000 đồng/kg.
Theo ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương, để nâng cao giá trị xuất khẩu cho nông sản, thời gian tới sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ thông tin thị trường, xử lý thông tin nhanh và dự báo tình hình cung - cầu, giá cả thị trường, chính sách ưu đãi xuất nhập khẩu, rào cản kỹ thuật thương mại... nhằm giúp DN chủ động điều chỉnh kịp thời hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm rủi ro trong xuất khẩu hàng hóa. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có chính sách cụ thể khuyến khích, hỗ trợ người dân tổ chức lại mô hình sản xuất tập trung, đa dạng hóa cây trồng, đồng thời áp dụng khoa học kỹ thuật đồng bộ để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Riêng đối với các DN xuất khẩu, cần tăng cường tổ chức các hội nghị xúc tiến xuất khẩu, kết nối giao thương theo từng khu vực với các thị trường xuất khẩu lớn trên thế giới nhằm tạo điều kiện cho các DN ký kết các hoạt động thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu. Một vấn đề nữa là trong bối cảnh tình hình kinh doanh, sản xuất nông sản diễn biến hết sức phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro như hiện nay thì mức thuế thu nhập DN là 20% được cho là vẫn ở mức cao đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực này của tỉnh.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc