Ngành Nông nghiệp huyện Cư Kuin: Chọn ứng dụng công nghệ cao để phát triển
Sản xuất nông nghiệp huyện Cư Kuin đang chiếm trên 53% trong cơ cấu kinh tế của huyện, vì vậy việc chọn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất được xem là hướng phát triển phù hợp nhằm gia tăng giá trị sản phẩm.
Với lợi thế của một huyện nông nghiệp phát triển chuyên canh về các loại cây trồng công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao như hồ tiêu, cà phê, cao su cùng với nhiều trang trại chăn nuôi lớn, nhiều năm qua sản xuất nông nghiệp huyện Cư Kuin đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản năm 2017 đạt trên 3.404 tỷ đồng, tăng 3,97% so với năm 2016, trong đó trồng trọt đạt trên 2.725 tỷ đồng; chăn nuôi, thủy sản hơn 594 tỷ đồng; lâm nghiệp và dịch vụ nông nghiệp 85,012 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp huyện cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn khi sản xuất vẫn mang tính nhỏ lẻ, manh mún…
Cán bộ nông nghiệp huyện Cư Kuin trao đổi kỹ thuật canh tác cà phê bền vững với nông dân ở xã Ea Tiêu. |
Theo Phòng NN-PTNT huyện, nhằm tạo bước đột phá trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, hằng năm ngành nông nghiệp của huyện đã làm tốt công tác hướng dẫn sản xuất cây trồng, vật nuôi. Trong đó, đáng chú ý là công tác khuyến nông, bảo vệ thực vật được chú trọng, luôn bám sát địa bàn, xây dựng thành công các mô hình trình diễn về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để làm cơ sở nhân rộng trong thực tế sản xuất. Từ năm 2017 đến nay, huyện đã xây dựng được 16 mô hình trình diễn, bao gồm các mô hình về tái canh cà phê, quản lý và sản xuất hồ tiêu bền vững; sản xuất lúa lai, nấm ăn… Từ đó, bà con đã ứng dụng tốt các giống lai vào sản xuất, đơn cử diện tích gieo cấy bằng giống lúa lai F1 trên địa bàn huyện năm 2017 chiếm khoảng 40% tổng diện tích gieo trồng, diện tích sử dụng giống xác nhận chiếm từ 60-70 % cơ cấu bộ giống...
Đặc biệt, trên địa bàn huyện đã xây dựng được HTX sản xuất rau an toàn công nghệ cao Hòa Hiệp nhằm giúp bà con làm rau ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau sạch. Ông Ngô Văn Sơn, Giám đốc HTX cho biết, mặc dù mới thành lập chưa đầy 1 năm (tháng 10-2017) nhưng HTX cũng đã thu hút được 25 thành viên tham gia, với tổng diện tích 10 ha, sản xuất các loại ăn lá, củ, quả. Bằng việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật như trồng rau trong nhà lưới; chỉ sử dụng các loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ, sinh học; tưới tiết kiệm… nên sản phẩm đạt chất lượng cao và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhờ đó, sản phẩm rau của HTX bán ra thị trường với giá cao hơn các loại rau bình thường từ 2.000-3.000 đồng/kg, thu nhập của các thành viên cũng được nâng lên cao hơn 20 triệu đồng/sào. Thời gian tới, HTX sẽ hướng đến việc xây dựng thêm nhiều nhà lưới và sản xuất rau thủy canh để đáp ứng nhu cầu rau sạch của người dân trên địa bàn và các huyện lân cận.
Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn Cư Kuin có khoảng 9 ha phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 14 ha phát triển khu nông - công nghiệp tập trung và chăn nuôi đại gia súc. |
Đối với cây trồng lâu năm, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất được thể hiện rõ nhất ở việc tập huấn, chuyển giao công nghệ sản xuất cho 5 tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững theo tiêu chuẩn 4C, UTZ, với trên 2.300 ha. Điều này đã giúp nông dân hình thành được thói quen sản xuất theo hướng thực hành nông nghiệp tốt, ứng dụng công nghệ vào các khâu sản xuất, từ đó gia tăng giá trị cho hạt cà phê và bảo vệ môi trường sinh thái. Bên cạnh đó, huyện đã phối hợp Trung tâm Khuyến nông tỉnh và Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên triển khai các mô hình tái canh cà phê vối trên diện tích 10 ha; tưới nước tiết kiệm cho cây cà phê (2 ha); thâm canh hồ tiêu trên trụ sống (5,3 ha). Đáng chú ý nhất là các giải pháp tưới tiên tiến tiết kiệm nước trên cây cà phê và hồ tiêu đã được rất nhiều hộ nông dân tìm hiểu, ứng dụng rộng rãi công nghệ này để giảm chi phí đầu tư và nâng cao hiệu quả kinh tế.
Trồng rau trong nhà lưới ở HTX Sản xuất rau an toàn công nghệ cao Hòa Hiệp. |
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn huyện Cư Kuin vẫn còn ở quy mô nhỏ và chưa nhiều, nhưng bước đầu đã cho kết quả đáng khích lệ. Để công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao trong thời gian tới, huyện lựa chọn những tiến bộ kỹ thuật phù hợp với điều kiện ở địa phương. Đồng thời kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng mô hình với đào tạo nông dân; tổ chức tham quan, hội thảo đầu bờ… Thông qua đó sẽ giúp nông dân tiếp cận, nắm bắt tiến bộ kỹ thuật và ứng dụng vào sản xuất một cách chủ động và quy mô hơn.
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc