Multimedia Đọc Báo in

Phát triển logistics: Không thể chần chừ

08:51, 07/05/2018

Dịch vụ logistics đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ, kết nối và phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương. Tuy nhiên, hiện nay dịch vụ này phát triển chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế và còn nhiều bất cập.

Chi phí logistics còn ở mức cao

Dịch vụ logistics thực chất là tên gọi chung cho một nhóm nhiều dịch vụ cụ thể, mỗi loại được điều chỉnh bởi các điều kiện kinh doanh riêng bao gồm các dịch vụ: xếp dỡ container (trừ dịch vụ cung cấp tại các sân bay); kho bãi container thuộc dịch vụ hỗ trợ vận tải biển; kho bãi thuộc dịch vụ hỗ trợ mọi phương thức vận tải, chuyển phát, đại lý vận tải hàng hóa... Nói một cách dễ hiểu, logistics là vòng tròn khép kín bao gồm các hoạt động như: lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, kho bãi, luân chuyển hàng hóa, làm thủ tục hải quan… nhằm đạt được mục đích sau cùng là chuyển sản phẩm, hàng hóa từ nhà cung cấp đến tay người tiêu dùng một cách tối ưu nhất.

Ở Việt Nam, dịch vụ logistics bắt đầu phát triển trên cơ sở dịch vụ giao nhận vận tải từ những năm 1986. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số hiệu quả dịch vụ logistics năm 2016 của Việt Nam đứng thứ 64/160 nước. Tốc độ phát triển bình quân hằng năm của ngành logistics Việt Nam khoảng 14-16%, là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng đều và vững chắc thời gian qua.

Vận chuyển hàng hóa xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển An Thái.
Vận chuyển hàng hóa xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển An Thái.

Tuy nhiên, chi phí logistics của Việt Nam còn ở mức cao, tương đương 20,9% so với GDP, trong khi đó, chi phí logistics ở một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan chỉ chiếm 19%, Trung Quốc 13%, Malaysia 13%. Quy mô các doanh nghiệp (DN) logistics của nước ta cũng khá nhỏ và số lượng không nhiều, chủ yếu là dịch vụ cho các hãng logistics quốc tế. Thống kê của Hiệp hội DN logistics Việt Nam cho thấy, cả nước hiện có trên 1.300 DN logistics đang hoạt động, bao gồm cả DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Việt Nam cũng như một số nước khác trên thế giới, chi phí vận tải luôn chiếm tỉ lệ cao nhất trong tổng chi phí logistics, chiếm khoảng 59%, tương tự Thái Lan cũng chiếm khoảng 53,5%, Mỹ khoảng 63,6%...  Theo đánh giá của Tổng cục đường bộ Việt Nam, vận tải hàng hóa hiện nay chủ yếu bằng đường bộ, song chi phí vận tải đường bộ hiện nay còn ở mức cao, chưa phù hợp với thực tiễn do sự cạnh tranh không lành mạnh, giao dịch chủ yếu qua trung gian, chưa tối ưu hóa hoạt động kinh doanh của đơn vị vận tải. Cơ quan này dẫn chứng, theo tính toán, chi phí vận chuyển công-ten-nơ loại 40 feet từ Hà Nội vào TP. Hồ Chí Minh khoảng 40 triệu VNĐ, cao gấp 9,7 lần so với vận chuyển bằng đường biển và hơn 2,5 lần so với đường sắt. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, vận tải đa phương thức chưa phát triển, quy mô DN logistics quá nhỏ… là những lý do khiến ngành logistics chưa thể bứt phá. Trong lĩnh vực giao thông vận tải còn tồn tại một số vấn đề làm tăng chi phí vận tải như hạ tầng giao thông, thị phần vận tải, phương tiện vận tải, khả năng xếp dỡ, năng lực doanh nghiệp, thủ tục hành chính, phí, lệ phí...

Tìm giải pháp để hệ thống logistics phát triển

Với tốc độ phát triển của nền kinh tế thế giới, logistics ngày càng được mở rộng và nâng cao, trở thành một ngành dịch vụ chiếm vai trò quan trọng trong hoạt động giao thương quốc tế. Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc bàn về logistics mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, nếu làm tốt về logistics sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí vận chuyển, kho bãi... làm giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh và lợi nhuận. Do đó, việc phát triển logistics là không thể chần chừ và cần phải làm ngay. Thủ tướng cũng nhận định, gánh nặng chi phí, trong đó có chi phí logistics đang là rào cản rất lớn đối với DN nói riêng, giảm tính cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Trước đó, từ năm 2015, Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 1012/ QĐ-TTg, ngày 3-7-2015 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, định hướng phát triển các trung tâm logistics trở thành các trung tâm dịch vụ nòng cốt trong lưu thông và phân phối hàng hóa, phục vụ đắc lực cho sản xuất, tiêu dùng hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội chung của cả nước. Riêng miền Trung – Tây Nguyên sẽ hình thành và phát triển 6 trung tâm logistics hạng I, hạng II và 1 trung tâm logistics chuyên dụng hàng không tại địa bàn các vùng, tiểu vùng và hành lang kinh tế.

Tuy nhiên, theo Sở Công thương, thực tế hiện nay, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng chưa có trung tâm logistics cũng như chưa có nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực này. Vẫn còn nhiều khó khăn như điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội còn hạn chế. Quan trọng hơn, nguồn nhân lực phục vụ cho logistics đang thiếu một cách trầm trọng, các DN chưa có hiểu biết đầy đủ về chức năng, hoạt động logistics… Do đó, để đáp ứng nhu cầu về xây dựng trung tâm logistics, tạo đà cho ngành kinh tế này phát triển, các nhóm giải pháp chính cần tập trung gồm: thu hút nguồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống kho bãi, phát triển nguồn nhân lực, tổ chức hoạt động và quản lý hệ thống thương mại, phát triển thị phần các ngành hàng trong hệ thống thương mại… Cụ thể, đối với khu vực quy hoạch do DN thuê quyền sử dụng đất để đầu tư cơ sở hạ tầng, cần quy hoạch rõ ràng về quy mô đầu tư, chủng loại hàng hóa, dịch vụ cung ứng và những ưu đãi cụ thể của tỉnh. Đặc biệt, nhằm nâng cao khả năng đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, trong từng trường hợp cụ thể có thể khuyến khích DN cung cấp mua lại và sáp nhập để nâng cao năng lực hoạt động cả về vốn và lĩnh vực dịch vụ cung cấp; tăng cường khai thác nguồn vốn trong và ngoài nước để hỗ trợ cho công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; có chính sách khuyến khích DN và các địa phương tổ chức đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực tham gia hoạt động thương mại với các hình thức và phương pháp phù hợp với điều kiện của DN và từng địa phương. Bên cạnh đó, rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới một số văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến hoạt động của trung tâm logistics…

Theo quy hoạch, Đắk Lắk nằm trong phạm vi quy hoạch của 1 Trung tâm logistics hạng II hình thành tại hành lang kinh tế Đông Trường Sơn của vùng Tây Nguyên, có quy mô tối thiểu từ 10 ha đến năm 2020 và trên 20 ha đến năm 2030; phạm vi hoạt động gồm các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và hướng ra các tỉnh duyên hải, kết nối với các cảng cạn, cảng biển (thuộc các tỉnh vùng duyên hải), cảng hàng không, nhà ga, bến xe, khu công nghiệp, các cửa khẩu (các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông).

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.