Multimedia Đọc Báo in

Tìm hướng phát huy vai trò kinh tế hợp tác xã ở Cư M'gar

09:08, 09/05/2018

Nhiều mô hình kinh tế Hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện Cư M’gar đang hoạt động có hiệu quả , góp phần tăng thu nhập cho hộ  thành viên. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều “cái khó” để phát huy vai trò của mô hình kinh tế tập thể này.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Cư M’gar, trên địa bàn hiện có 24 HTX đang hoạt động. Thời gian qua, hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhiều HTX đã mang lại hiệu quả cao, góp phần vào việc tái cơ cấu ngành kinh tế ở địa phương, thúc đẩy kinh tế hộ gia đình phát triển bền vững. Đáng chú ý, một số HTX đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp để sản xuất sản phẩm theo chứng nhận 4C, FLO, UTZ... Đơn cử như HTX Nông nghiệp Công bằng Ea Kiết thành lập năm 2011, từ khi tham gia HTX, các hộ dân đã tuân thủ tiêu chuẩn canh tác cà phê tiên tiến như bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật, tỉa cành tạo tán đúng kỹ thuật, thu hái quả chín đạt tỷ lệ trên 90%... Hiện đây là một trong những HTX tham gia sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận Fairtrade. 7 năm qua, dù giá cả thị trường có biến động nhưng HTX vẫn giữ nhịp độ phát triển và vững mạnh, các xã viên  ngày càng gắn bó với HTX. Sở dĩ có được điều này là HTX đã trang bị kỹ thuật, nâng cao nhận thức sản xuất chế biến cà phê thân thiện hơn với môi trường cộng với việc bảo đảm cơ chế về giá cho xã viên. Nhờ đó, số xã viên gia nhập HTX liên tục tăng lên, từ chỗ chỉ có 48 hộ xã viên năm 2011 đến nay đã có 97 xã viên; năm 2011, HTX chỉ có trên 91 ha cà phê với sản lượng 360,5 tấn thì nay tổng diện tích tham gia chương trình sản xuất cà phê bền vững lên đến 183 ha với sản lượng khoảng 722 tấn. Riêng năm 2017,  lợi nhuận sau thuế của HTX đạt trên 455 triệu đồng, thu nhập bình quân của xã viên  lao động thường xuyên đạt 4,5 triệu đồng tháng (tăng hơn 1,5 lần so với khi mới thành lập).

Sản phẩm của HTX bơ Cư M’gar tham gia giới thiệu, trưng bày tại Hội nghị kết nối giao thương  được tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột.
Sản phẩm của HTX bơ Cư M’gar tham gia giới thiệu, trưng bày tại Hội nghị kết nối giao thương được tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột.

Tương tự, những năm gần đây HTX Nông nghiệp Dịch vụ (NNDV) Công bằng Cư Dliê Mnông liên tục làm ăn có lãi. Từ những ngày đầu mới thành lập (năm 2011) khó khăn, thiếu thốn, vốn điều lệ chỉ 255 triệu đồng, đến cuối năm 2017, tổng doanh thu HTX đạt 31 tỷ đồng, thu nhập bình quân người lao động đạt 4,8 triệu đồng/ tháng. HTX cũng đã áp dụng sản xuất cà phê có chứng nhận nên giá trị sản phẩm được nâng lên rất nhiều.

Đánh giá về hoạt động của các HTX trên địa bàn, Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar Trương  Văn Chỉ cho rằng, hoạt động của các HTX đã góp phần vào việc tái cơ cấu ngành kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của địa phương. Các HTX đã tập trung vào sản phẩm chủ lực của huyện, phát huy được lợi thế cạnh tranh về lao động, nguyên liệu, sản xuất sản phẩm có chứng nhận… qua đó đã tạo việc làm, tăng thu nhập và ổn định đời sống cho bà con, nhất là nguồn lao động tại chỗ.

Rau ăn lá của HTX Nông nghiệp dịch vụ Toàn Thịnh (thị trấn Ea Pốk) tiêu thụ tại siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột.
Rau ăn lá của HTX Nông nghiệp dịch vụ Toàn Thịnh (thị trấn Ea Pốk) tiêu thụ tại siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột.

Tuy nhiên, hoạt động của một số HTX ở huyện Cư M’gar vẫn còn gặp khó khăn như quy mô sản xuất nhỏ lẻ, cơ sở vật chất thiếu thốn; vấn đề tiếp cận vốn còn nhiều khó khăn do không có tài sản thế chấp; năng lực của cán bộ ở các HTX còn hạn chế nên chưa nắm bắt được xu thế phát triển và không có khả năng lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh dẫn đến tính tự chủ của các HTX chưa cao… Đặc biệt, vấn đề nan giải nhất vẫn là việc tìm đầu ra cho sản phẩm của các HTX. Đơn  cử như, HTX NNDV Toàn Thịnh (thị trấn Ea Pốk) chuyên sản xuất các loại rau bảo đảm quy trình rau an toàn theo chuẩn VietGAP và đã vào được hệ thống siêu thị trên địa bàn tỉnh. Bình quân mỗi năm, HTX cung ứng ra thị trường khoảng 800 tấn rau các loại nhưng thị trường tiêu thụ chính vẫn là chợ... với giá bán “cào bằng” như giá rau trồng theo kiểu truyền thống. Từ chỗ “bí” đầu ra dẫn đến giá trị sản phẩm không cao, gần 10 năm đi vào hoạt động nhưng đến nay thu nhập bình quân của xã viên HTX chỉ nằm ở mức 2,1 triệu đồng/người/tháng.

Bên cạnh đó, hiện nay nhiều HTX trên địa bàn như NNDV Công Bằng Cư Dliê Mnông, NNDV Trường Thành (xã Quảng Hiệp), NNDV Quyết Tiến (xã Quảng Hiệp), NNDV Việt Hùng (xã Ea Kuêh)… đều chưa có trụ sở, nhà kho, sân phơi ổn định, nên chưa thể yên tâm đầu tư đổi mới công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Để phát huy hiệu quả của các HTX, thời gian qua, huyện Cư M’gar đã triển khai các cơ chế phù hợp với từng mô hình HTX, quan tâm vấn đề xúc tiến tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm… Về lâu dài, một mặt huyện nỗ lực nâng cao trình độ cán bộ quản lý trong lĩnh vực này, mặt khác đẩy mạnh xây dựng mô hình liên kết chuỗi theo hướng ứng dụng công nghệ cao; tiêu chuẩn an toàn; chỉ đạo các phòng liên quan kịp thời tháo gỡ những khó khăn về quỹ đất cho HTX, hỗ trợ để các HTX tiếp cận được các chính sách của Nhà nước về đất đai để tổ chức sản xuất, kinh doanh phù hợp. Ngoài ra, địa phương cũng đang tích cực đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền để người dân nhận thức đúng vai trò và mục tiêu của hoạt động HTX trong quá trình thực hiện gắn với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.