Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng mô hình xen canh bền vững trên vườn cà phê

09:04, 09/05/2018

Trồng xen canh các loại cây công nghiệp dài ngày trong vườn cà phê là một trong những giải pháp tốn ít chi phí, đem lại lợi nhuận cao và thích ứng tốt với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, để phát triển mô hình này một cách bền vững trong tương lai thì cần có sự nghiên cứu bài bản.

Thu lợi lớn từ mô hình xen canh

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), khu vực Tây Nguyên hiện nay đang phổ biến 4 loại cây được trồng xen trên vườn cà phê là sầu riêng, bơ, tiêu, điều và lợi nhuận đều tăng cao so với trồng thâm canh một mình cây cà phê. Cụ thể, lợi nhuận cao nhất là mô hình xen canh sầu riêng trong vườn cà phê với mức lời từ 102-233 triệu đồng/ha (tăng 76-299% so với vườn cà phê trồng thuần), trong đó mật độ cây trồng xen 9 m x 9 m cho lợi nhuận cao nhất và 12 m x 15 m lợi nhuận thấp nhất. Tương tự, những mô hình trồng xen canh hồ tiêu trên vườn cà phê lời từ 107-162 triệu đồng/ha (83-178%); trong đó, trồng xen với mật độ 3 m x 6 m lời cao nhất và 6 m x 9 m lời thấp nhất. Còn mô hình trồng bơ xen canh cũng mang lại nguồn lợi từ 81-117 triệu đồng/ha (tăng 39-120%) với lợi nhuận cao nhất ở mật độ 6 m x 6 m, thấp nhất 12 m x 15 m. Riêng với mô hình điều xen canh cà phê thì mật độ 6 m x 6 m cho hiệu quả kinh tế thấp hơn trồng thuần, nhưng trồng với mật độ 12 m x 12 m lại thu lời 101 triệu đồng/ha (tăng 74%) và 15 m x 15 m lời 136 triệu đồng/ha (132%).

Một vườn  cà phê  đa canh  tại  TP. Buôn Ma Thuột.
Một vườn cà phê đa canh tại TP. Buôn Ma Thuột.

Không chỉ đem lại nguồn lợi lớn về kinh tế mà trồng xen canh còn giúp đa dạng hóa sản phẩm, tạo thêm việc làm và ổn định đời sống cho nông dân. Đặc biệt, nông dân có thể hạn chế được rủi ro về giá cả khi thị trường nông sản ngày càng biến động khó lường như hiện nay. Ngoài ra, cây trồng xen còn có tác dụng che bóng, chắn gió, điều hòa khí hậu, hạn chế tình trạng bốc hơi nước vào mùa khô nên tiết kiệm nước tưới khoảng 20% so với trồng thuần. Bộ rễ của cây xen canh, đặc biệt là các loại cây ăn quả còn góp phần giữ vai trò nhất định trong việc tích trữ và gìn giữ nguồn nước ngầm trong đất. Tuy nhiên, trên thực tế việc trồng xen canh cũng bộc lộ một số hạn chế cần phải khắc phục từ kỹ thuật trồng, chăm sóc đến tiêu thụ.

Sớm ban hành quy trình về trồng xen canh

Theo các chuyên gia về cà phê, ngay từ khi kế thừa vườn cà phê từ các đồn điền của Pháp thì hiện trạng vườn cây đã có sự xen canh. Trong đó đa phần đều là trồng muồng đen xung quanh vườn tạo hành lang che bóng, chắn gió hiệu quả cho cà phê trong mùa nắng nóng và lượng nước bị thất thoát cũng giảm mạnh nên chu kỳ tưới kéo dài hơn so với vườn cây thâm canh từ 5-10 ngày. Đến những năm 2000, việc trồng xen bắt đầu nở rộ khi hồ tiêu, bơ, sầu riêng ngày càng có giá trị trong khi quỹ đất dành cho sản xuất rất hạn chế nên người dân đã tận dụng các khoảng trống giữa ngã tư của các cây cà phê trên vườn để trồng xen. Đây cũng là giải pháp được các ngành chức năng khuyến cáo nhằm hạn chế sự thất thoát hơi nước cũng như gia tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích. Tuy nhiên đến nay đại đa số nông dân vẫn còn canh tác theo kinh nghiệm bản thân chứ không tuân theo quy trình nào bởi hiện vẫn chưa có quy trình canh tác cụ thể. Trong khi đó mỗi cây trồng có một chu kỳ sinh trưởng khác nhau nên thời gian ra hoa, đậu quả, nhu cầu phân bón, nước tưới cũng khác nhau, nếu không có sự tính toán kỹ thì nguy cơ thua thiệt vẫn hiện hữu. Cụ thể là thời điểm ra hoa, đậu quả của cây cà phê trùng với thời điểm đậu quả, tích lũy chất khô của hồ tiêu nên nếu tưới nước sẽ ảnh hưởng đến chất lượng hồ tiêu hạt; việc tưới nước và bón phân cho cà phê sẽ ảnh hưởng đến quá trình thụ phấn của cây sầu riêng xen canh và làm rụng quả non cũng như tăng nguy cơ múi sầu riêng bị sượng…

Vườn sầu riêng xen canh cà phê tại huyện Krông Năng.
Vườn sầu riêng xen canh cà phê tại huyện Krông Năng.

Phát biểu tại Hội nghị đánh giá hiện trạng và định hướng trồng xen trong phát triển cà phê bền vững do Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức vào trung tuần tháng 4 vừa qua, đại diện Cục Bảo vệ thực vật phân tích: mỗi cây trồng có một đặc tính riêng và mỗi vùng đất có một đặc thù về dinh dưỡng khác nhau, do đó việc xây dựng quy trình trồng, chăm sóc vườn cà phê xen canh cần phải thực hiện đồng bộ. Hiện tại đa số các vườn xen canh đều đã được trồng trên dưới 10 năm tuổi, do đó quá trình xây dựng quy trình trồng xen canh cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các địa phương để cùng nghiên cứu, tìm ra quy trình phù hợp để cà phê vẫn là cây trồng chính trên vườn theo đúng nghĩa và được phát triển theo hướng bền vững.

Theo thống kê của Sở NN-PTNT, toàn tỉnh hiện có 202.000 ha cà phê trong đó diện tích trồng xen chiếm khoảng 20%, tập trung tại huyện Krông Pắc, Cư M’gar, thị xã Buôn Hồ, TP. Buôn Ma Thuột…

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc