Multimedia Đọc Báo in

Bảo đảm an toàn hồ đập thủy lợi trong mùa mưa lũ

09:00, 15/06/2018

Đắk Lắk là tỉnh có nhiều hồ chứa, hệ thống liên hồ, nhưng đa phần được xây dựng đã lâu nên rất nhiều hồ chứa đã xuống cấp, hư hỏng chưa được đầu tư nâng cấp, sửa chữa.

Theo Sở NN-PTNT, toàn tỉnh hiện có 771 công trình thủy lợi, gồm 600 hồ chứa nước, với dung tích chứa khoảng 650 triệu m3 nước; 117 đập dâng và 54 trạm bơm. Trong đó, có khoảng 63 hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp, một số công trình bị hư hỏng nặng, không bảo đảm an toàn. Đơn cử như hồ Đội 36  (xã Ea M'lay, huyện M’Đrắk), mái thượng lưu bị xói mòn biến dạng, thân đập có hiện tượng thấm, ngưỡng tràn bê tông, phần dốc nước và bể tiêu năng mới được gia cố tạm thời bằng rọ đá; hồ Dang Kang Thượng (xã Dang Kang, huyện Krông Bông), mái thượng gia cố bê tông xuống cấp, mái hạ xói nhẹ, tường trái được gia cố tạm bằng rọ đá, cầu qua tràn không đảm bảo giao thông, nguy cơ mất an toàn cao; hồ Cư Pơng (xã Cư Pơng, huyện Krông Búk) bị lún mạnh cả đỉnh đập và mái thượng lưu, toàn bộ mái hạ lưu bị thấm, trong đó nguy hiểm nhất là giữa thân đập, thấm tập trung thành dòng có lưu lượng lớn, nguy cơ mất an toàn cao…

Cán bộ của Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi tỉnh kiểm tra hồ Cư Pơng (huyện Krông Búk).
Cán bộ của Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi tỉnh kiểm tra hồ Cư Pơng (huyện Krông Búk).

Trong khi đó, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, diễn biến khí tượng thủy văn năm 2018 sẽ phức tạp, bất thường. Đặc biệt, những đợt mưa lớn cục bộ nhiều khả năng xuất hiện trong thời đoạn ngắn. Trong khi đó, Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi tỉnh cho biết, đơn vị quản lý 307 công trình thủy lợi (236 hồ chứa, 61 đập dâng, 10 trạm bơm). Trong đó có 7 hồ chứa đã được lập quy trình vận hành điều tiết bao gồm: hồ Krông Búk Hạ, hồ Vụ Bổn (huyện Krông Pắc); hồ Buôn Joong (Cư M’gar); hồ Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột); hồ Ea Rớt (huyện Ea Kar); hệ thống hồ Ea Súp Thượng, Ea Súp Hạ (huyện Ea Súp) được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong quá trình quản lý việc vận hành hồ chứa, Công ty luôn chấp hành việc tích nước, xả nước theo quy trình vận hành điều tiết đã phê duyệt. Vào trước mùa mưa bão (đầu tháng 5 hằng năm), Công ty chỉ đạo các phòng chức năng phối hợp cùng các chi nhánh thủy lợi trực thuộc tiến hành kiểm tra và vận hành liên động các cửa van của công trình đầu mối, sau đó lập biên bản nghiệm thu công việc thực hiện. Ngoài ra, Công ty ban hành định mức bảo dưỡng thường xuyên các thiết bị cơ khí bao gồm các thiết bị cơ khí đầu mối và hệ thống kênh mương, việc bảo dưỡng được tiến hành định kỳ 2 lần/năm vào trước và sau mùa mưa. Đồng thời kiểm tra trực quan các công trình trước mùa mưa lũ, sau đó lập báo cáo về hiện trạng công trình trước mùa mưa lũ gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh theo quy định. Đối với các công trình bị hư hỏng, có nguy cơ mất an toàn Công ty đã bố trí kinh phí, đưa vào kế hoạch sửa chữa, bảo trì. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí không nhiều nên trong năm 2018 chỉ sửa chữa, bảo trì được 6/35 công trình có nguy cơ mất an toàn.

Các đợt mưa lớn diện rộng hoặc mưa gây lũ lớn cục bộ trong thời gian ngắn sẽ là nhân tố rất nguy hiểm cho các hồ chứa thủy lợi, nhất là các hồ chứa đang trong tình trạng bị hư hỏng, mất an toàn.

Tại các địa phương, công tác bảo đảm an toàn hồ đập được quan tâm thực hiện. Đơn cử như huyện Ea Kar có tổng số 68 công trình thủy lợi (52 hồ chứa nước, 2 đập dâng và 13 trạm bơm), phục vụ tưới cho 11.816 ha cây trồng. Hiện các đơn vị quản lý công trình (Chi nhánh quản lý thủy lợi Ea Kar; các HTX nông nghiệp; Công ty TNHH MTV cà phê 716; 721; 720) đã tổ chức ra quân nạo vét, phát dọn, sửa chữa hệ thống kênh mương, đồng thời triển khai sửa chữa các hạng mục công trình thủy lợi bị hư hỏng như: sửa chữa đập thủy lợi 4 (xã Xuân Phú), hồ chứa nước Ea Tau (xã Ea Đar), cống tiêu kết hợp tràn cánh đồng thôn 11 (xã Cư Prông), cống tiêu, kênh chính hồ chứa Ea Dui (xã Cư Yang)...

Hồ Dang Kang Thượng (huyện Krông Bông) đang có nguy cơ mất an toàn cao.
Hồ Dang Kang Thượng (huyện Krông Bông) đang có nguy cơ mất an toàn cao.

 Mặc dù vậy, vấn đề nan giải nhất của các đơn vị quản lý là tình trạng lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi. Hiện nay, chỉ có một số công trình được Bộ NN-PTNT xây dựng đã cắm mốc chỉ giới phạm vi vùng phụ cận bảo vệ đập như Krông Búk Hạ, Buôn Joong, Ea Rớt. Các công trình còn lại chưa được cắm mốc hành lang bảo vệ công trình nên toàn bộ các vùng phụ cận bảo vệ lòng hồ đang bị người dân lấn chiếm canh tác nông nghiệp. Đặc biệt hạ lưu đập đất ở một số hồ bị người dân đào ao nuôi cá sát chân đập, một số hồ chứa người dân trồng cây lấy gỗ lên mái đập, làm nhà trong lòng hồ, trên đỉnh đập… Những sự xâm hại này đe dọa nghiêm trọng đến an toàn cho công trình, nhất là vào mùa mưa lũ khi mực nước trong hồ đang ở mực nước cao nhất.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.