Định hình vị thế cho hồ tiêu (Kỳ 2)
[links(left)]
Kỳ 2: Hồ tiêu vẫn là cây trồng chính
Mặc dù giá giảm, dịch bệnh hoành hành, nhưng trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp của tỉnh, hồ tiêu vẫn là một trong những cây trồng chính, có nhiều lợi thế cạnh tranh và mang tính chủ lực.
Thực tế cây hồ tiêu có mặt tại Đắk Lắk từ lâu, xen canh trên các vườn cà phê với vai trò là cây gia vị được trồng nhằm mục đích tự cung, tự cấp hay tiêu thụ trong nước, chỉ một lượng rất nhỏ được xuất khẩu ra nước ngoài. Đến năm 2006, người dân bắt đầu chuyển hướng mạnh sang trồng tiêu bằng cách tận dụng các cây che bóng, chắn gió trên vườn cà phê, nên diện tích hồ tiêu toàn tỉnh thời điểm này ước đạt hơn 4.000 ha (tăng khoảng 1.000 ha so với năm 2005). Năm 2012, khi giá các loại cây trồng khác có chiều hướng chững lại thì nông dân bắt đầu chuyển đổi mạnh sang trồng hồ tiêu, với tổng diện tích lên đến hơn 8.000 ha (tăng 4.000 ha so với năm 2006), năm 2013 là 11.000 ha (tăng 3.000 ha so với năm 2012). Năm 2014, giá hồ tiêu tiếp tục tăng dần và đạt đỉnh điểm vào năm 2015 khi cán mốc trên dưới 200.000 đồng/kg. Lợi nhuận quá lớn, chỉ sau 1-2 năm thu hoạch là có thể thu hồi vốn, thậm chí thu lợi lên đến hàng trăm triệu đồng/ha/năm. Do đó, nhiều gia đình phá bỏ vườn cà phê đã già cỗi sang trồng hồ tiêu, thậm chí trồng xen tại khoảng trống giữa các cây cà phê đang kinh doanh với dự định sẽ chặt bỏ hẳn cà phê để chuyển sang trồng tiêu, bất chấp đất trồng có phù hợp hay không.
Vườn hồ tiêu phát triển xanh tốt của gia đình ông Nguyễn Xuân Thiệu, xã Ea Nam, huyện Ea H'leo. |
Nhu cầu bùng phát trong thời gian ngắn tạo nên cơn sốt ảo trụ trồng tiêu và cây giống, đẩy giá đạt đỉnh lên 200.000-250.000 đồng/trụ bê tông, 100.000-150.000 đồng/trụ gỗ, 50.000-70.000 đồng/cây gòn, giá cây giống lên cao 10.000-15.000 đồng/bầu 2 cây, thậm chí có thời điểm lên đến trên dưới 20.000 đồng/bầu 2 cây. Một số cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống vì lợi nhuận của mình mà sản xuất, cung ứng giống kém chất lượng đã vô tình tiếp tay cho nguồn sâu bệnh có cơ hội lây lan trên những vùng đất "sạch". Thời gian gần đây, thời tiết diễn biến bất thường khiến dịch bệnh bùng phát và lây lan trên diện rộng, với tốc độ nhanh không thể kiểm soát được. Dưới góc độ của nhà quản lý, ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT phân tích, các dự báo, cảnh báo cung vượt cầu, đầu ra bấp bênh, dịch bệnh gây hại đã được ngành chức năng cảnh báo từ trước. Tuy nhiên đất sản xuất do nông hộ quản lý, việc trồng cây gì, chăm sóc như thế nào là quyền tự quyết của bà con khiến việc kiểm soát diện tích, ngăn chặn dịch bệnh trên cây hồ tiêu trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tiêu cực đó thì hồ tiêu cũng có những điểm sáng đáng ghi nhận khi năng suất, sản lượng ngày càng tăng, góp phần đưa hồ tiêu lọt tốp “nông sản tỷ đô“ của cả nước, đem lại nguồn thu lớn cho nhiều gia đình, từng bước thay đổi diện mạo nông thôn Đắk Lắk.
Ông Trần Ngọc Nguyên, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm cho vườn tiêu của gia đình. |
Trong Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, hồ tiêu vẫn là cây trồng nằm trong nhóm cây chủ lực còn giá trị gia tăng trong cơ cấu các loại cây trồng của tỉnh Đắk Lắk. Cụ thể là đến năm 2020, diện tích hồ tiêu toàn tỉnh là 18.700 ha, năng suất 3,34 tấn/ha, sản lượng 43.660 tấn. Trong đó, diện tích hồ tiêu ứng dụng công nghệ cao khoảng 3.000 ha, sản lượng 13.500 tấn. Đến năm 2030 mở rộng thêm khoảng 300 ha, nâng diện tích lên 19.000 ha, năng suất 3,62 tấn/ha, sản lượng 48.160 tấn.
Theo số liệu thống kê của Bộ NN-PTNT, cả nước hiện có 152.000 ha hồ tiêu, tập trung tại Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Tổng sản lượng hồ tiêu hằng năm ước đạt trên 240.000 tấn, chiếm gần 50% sản lượng hồ tiêu thế giới; xuất khẩu chiếm trên 60% sản lượng hồ tiêu xuất khẩu của thế giới, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,1 tỷ USD, và là một trong những loại nông sản trong top 10 sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. |
(Còn nữa)
Thanh Băng Thùy
Ý kiến bạn đọc