Multimedia Đọc Báo in

Đoàn kết, tập hợp thanh niên gắn với phát triển kinh tế

08:52, 26/06/2018

Xác định được vai trò quan trọng của thanh niên trong tham gia phát triển kinh tế tập thể, Ban Thường vụ Huyện Đoàn Krông Búk đã tập hợp lực lượng thanh niên, thành lập câu lạc bộ (CLB) Thanh niên làm kinh tế giỏi, chung sức phát triển kinh tế tập thể tại địa phương.

Ngày 15-10-2017, CLB “Thanh niên làm kinh tế giỏi” huyện Krông Búk được thành lập với 16 hội viên là những đoàn viên thanh niên ưu tú, có những mô hình kinh tế tiêu biểu trên địa bàn huyện. Sau hơn 8 tháng thành lập, CLB đã thu hút 22 hội viên tham gia. Anh Vũ Minh Cường (Chủ nhiệm CLB) cho biết, mỗi quý, CLB tổ chức sinh hoạt một lần nhằm đánh giá, trao đổi kinh nghiệm về cách tiếp cận các nguồn vốn, xu hướng thị trường giúp hội viên nắm vững tư duy và định hướng sản xuất. Bên cạnh đó, các hội viên cũng tích cực tham gia các buổi tập huấn về các chương trình khởi nghiệp, khuyến nông; đồng thời trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh, hỗ trợ nhau nguồn vốn để đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất. Để có nguồn vốn phát triển CLB, mỗi hội viên tham gia đóng góp 1 triệu đồng/năm nhằm xoay vòng vốn hỗ trợ cho các thành viên trong CLB. Trong tương lai, khi nguồn vốn tăng lên, CLB sẽ dùng nguồn vốn đó để giúp đỡ các đoàn viên thanh niên trên địa bàn huyện.

Mô hình trang trại chó cảnh của anh Hoàng Văn Tiến được nhiều hội viên  trong CLB học tập.
Mô hình trang trại chó cảnh của anh Hoàng Văn Tiến được nhiều hội viên trong CLB học tập.

Trong CLB, có nhiều mô hình kinh tế hay, tiêu biểu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới của anh Nguyễn Đức Phú (thôn Ea Tút, xã Pơng Đrang) có diện tích hơn 4 sào, với tổng số vốn đầu tư gần 200 triệu đồng. Với mô hình này, anh Phú đã sử dụng kỹ thuật trồng rau trong nhà lưới, ứng dụng công nghệ cao với hệ thống tưới nước phun sương tự động, sử dụng hoàn toàn bằng các biện pháp sinh học để chăm sóc rau và xử lý sâu bệnh. Hiện tại, mô hình của anh Phú trồng đa dạng các loại rau, củ như: dưa leo, cà chua, bắp cải, xà lách... đạt năng suất ổn định, mỗi tháng cung cấp ra thị trường khoảng trên 3 tấn rau các loại, lợi nhuận mang lại khoảng 50 triệu đồng/tháng. Hiện tại, anh Phú đã mở một cửa hàng rau sạch gần nhà để cung cấp rau ra thị trường cho người dân trong vùng.

Bên cạnh đó, nhiều mô hình hiệu quả trong CLB đã được các hội viên học tâp. Tiêu biểu như mô hình trang trại chó cảnh của anh Hoàng Văn Tiến ở thôn Nam Anh, xã Cư Kpô. Với nguồn vốn khởi nghiệp ban đầu chỉ với 10 triệu đồng, đến nay mỗi năm trang trại thu nhập trên 500 triệu đồng từ việc bán chó và các dịch vụ đi kèm. Từ mô hình nuôi chó cảnh hiệu quả, nhiều hội viên trong CLB đã học hỏi kinh nghiệm từ anh Tiến và thử nghiệm nuôi một vài con chó giống, cho sinh sản để kinh doanh, bước đầu cũng mang lại những hiệu quả kinh tế nhất định.

Ban Thường vụ Huyện Đoàn Krông Búk trao nguốn vốn hỗ trợ khởi nghiệp cho hội viên CLB Thanh niên làm kinh tế giỏi.
Ban Thường vụ Huyện Đoàn Krông Búk trao nguốn vốn hỗ trợ khởi nghiệp cho hội viên CLB Thanh niên làm kinh tế giỏi.

Với sự năng động, nhiệt huyết, dám nghĩ dám làm của tuổi trẻ, việc nhân rộng các mô hình, CLB thanh niên làm kinh tế góp phần thúc đẩy nền kinh tế tập thể của địa phương ngày càng phát triển. Anh Vũ Minh Cường cho biết, trong thời gian tới, CLB sẽ tiếp tục vận động các đoàn viên thanh niên làm kinh tế giỏi tham gia vào CLB. Bên cạnh đó, CLB cũng mạnh dạn đề xuất với Đoàn, Hội Thanh niên cấp trên tạo điều kiện để đoàn viên thanh niên có thể tiếp cận với nhiều nguồn vốn ưu đãi, giúp các thành viên mở rộng quy mô phát triển kinh tế.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.