Du lịch cộng đồng và góc nhìn người trong cuộc
Đến nay, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai kế hoạch khảo sát, xây dựng các điểm đến du lịch cộng đồng nhằm phục vụ mục tiêu phát triển ngành kinh tế quan trọng này.
Qua thực tế khảo sát tại một số buôn làng người dân tộc thiểu số tại chỗ: buôn Akô D’hông, Kmrơng Prông B, buôn Tuol (TP. Buôn Ma Thuột); buôn Ya (huyện Krông Bông), buôn Yang Lành, buôn Trí A (Buôn Đôn), buôn Thái (Cư M’gar), buôn Tring 1 và 2 (thị xã Buôn Hồ), buôn Jun, buôn Liêng và M’liêng (huyện Lắk)… đều cho thấy bản sắc văn hóa cộng đồng ở đây đã phai lạt, mất mát quá nhiều, khiến việc xây dựng và đưa vào khai thác loại hình du lịch trên gặp rất nhiều khó khăn, nếu không nói là bất khả thi.
Theo Đề án Phát triển du lịch Đắk Lắk đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 thì trên địa bàn tỉnh sẽ có 5 – 8 điểm du lịch cộng đồng được quy hoạch, xây dựng phục vụ du khách. Tất nhiên loại hình du lịch này đã được cấp thẩm quyền phê duyệt dựa trên các yếu tố cần thiết là khả năng cung – cầu; cơ cấu kinh tế và hạ tầng tổng thể; đặc biệt là bản sắc văn hóa cộng đồng phải được quan tâm và đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, trên thực tế những yếu tố có tính chất bắt buộc ấy lại không thể đáp ứng được, nhất là bản sắc văn hóa của các tộc người tại chỗ.
Các chủ voi ở Buôn Đôn liên kết với Công ty Du lịch Thanh Hà phục vụ tour tham quan khu Du lịch Bản Đôn. Ảnh: Hoàng Gia |
Ông Đoàn Văn Thống, Trưởng Phòng VH-TT TP. Buôn Ma Thuột cho rằng bản sắc văn hóa là tài sản cực kỳ quý giá giúp người dân và doanh nghiệp lấy đó làm nền tảng khởi nghiệp. Song, qua khảo sát và đánh giá hiện trạng đời sống văn hóa, xã hội tại các buôn làng tiêu biểu trên địa bàn đã cho thấy sự biến đổi (hay nói đúng hơn là biến mất) nhiều giá trị văn hóa truyền thống tại chỗ - từ không gian, cảnh quan, kiến trúc, ngành nghề thủ công cho đến đời sống sinh hoạt, thực hành văn hóa cổ truyền vì “cơn lốc” đô thị hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ.
Ở góc nhìn này, ông Vũ Minh Thoại, Trưởng Phòng VH-TT huyện Buôn Đôn cũng xót xa không kém – rằng nói đến Bản Đôn là nói đến “văn hóa voi” với tất cả những hoạt động săn bắt, thuần dưỡng voi rừng nức tiếng. Cùng với đó là nếp thực hành văn hóa của cộng đồng, chủ sở hữu đàn voi tại chỗ. Ngoài ra còn phải kể đến kho tàng văn hóa vật thể liên quan đến voi từng hiện diện sinh động trong mỗi gia đình, dòng họ, cộng đồng người tại chỗ. Đáng tiếc là đến nay, tất cả vốn văn hóa ấy bị suy giảm nghiêm trọng. Bên cạnh đàn voi nhà ngày càng giảm sút thì những gì liên quan đến hoạt động săn bắt, thuần dưỡng voi rừng ở đây cũng bị chính chủ nhân của nó lìa bỏ, xa rời. Ví như các vật dụng săn bắt, thuần dưỡng voi rừng Buôn Đôn có từ trăm năm qua đều bị bán sạch, đến nỗi khi du khách đến vùng đất này để tìm hiểu, trải nghiệm về vốn “văn hóa voi” thì các đơn vị làm du lịch không thể thỏa mãn và đáp ứng được. Cũng do “khoảng trống” ấy mà ông Y Sy Thắk, Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn, kiêm Trưởng Ban Phát triển du lịch ở đây thừa nhận việc xây dựng, khai thác và phát triển loại hình du lịch cộng đồng trên địa bàn thật sự khó khăn, mặc dầu chính quyền địa phương và các ban, ngành liên quan nỗ lực vào cuộc nhằm “chấn hưng” vốn văn hóa của các tộc người tại chỗ từ nhiều năm qua.
Còn ông Hoàng Đức Độ - Công ty Cổ phần Du lịch Đắk Lắk nhìn nhận vấn đề trên như một “bài toán” hóc búa trong việc xây dựng và thiết kế các tour, điểm du lịch cộng đồng tại huyện Lắk, nơi đặt chi nhánh của công ty, cũng như nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh. Nguyên nhân tựu trung cũng bởi không gian văn hóa truyền thống (nhà dài, bến nước, sinh hoạt, lao động, sản xuất mang tính chất làng nghề truyền thống) của người M’nông ở đây bị phá vỡ đến kinh ngạc, khiến hoạt động du lịch cộng đồng không còn là thế mạnh nữa.
Rõ ràng, mỗi giá trị văn hóa của cộng đồng mất đi đồng nghĩa với sự thua thiệt và triệt tiêu mọi cơ hội, điều kiện cho người làm du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng được xác định là thế mạnh của vùng đất giàu bản sắc như Đắk Lắk. Có thể nói đây thật sự là “vấn nạn” trước mắt, đòi hỏi sự vào cuộc của Nhà nước, mà trực tiếp là ngành văn hóa địa phương nhằm sớm khỏa lấp “khoảng trống” như đã phản ánh – đến khi ấy mới mong đưa loại hình du lịch cộng đồng ở các địa bàn trọng điểm như TP. Buôn Ma Thuột, Buôn Đôn và Lắk đi vào quỹ đạo chung được vạch ra trong Đề án Phát triển du lịch của các địa phương nói trên từ nay cho đến năm 2030.
Phương Đình
Ý kiến bạn đọc