Multimedia Đọc Báo in

Gạch không nung khó tiếp cận thị trường

09:07, 04/06/2018

Gạch không nung do các doanh nghiệp của tỉnh sản xuất ra thời gian qua gặp khó ở khâu tiêu thụ.

Lượng tiêu thụ ì ạch

Gạch không nung (GKN) chính thức có mặt trên thị trường Đắk Lắk từ năm 2013. Ưu điểm lớn nhất của loại vật liệu này là rất thân thiện với môi trường. Theo Sở Xây dựng, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 13 tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất kinh doanh vật liệu GKN, chủ yếu là gạch xi măng cốt liệu, gạch Terrazzo, coric… với công suất thiết kế 80 triệu viên/năm. Song, nhu cầu tiêu dùng loại vật liệu này rất hạn chế, lượng tiêu thụ khá ì ạch. Lượng gạch sản xuất tồn kho lớn nên các DN hoạt động cầm chừng, chủ yếu sản xuất theo đơn đặt hàng.

 Ông Nguyễn Hữu Sinh, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Đại Tín (Khu Công nghiệp Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, cuối năm 2013 đơn vị đầu tư dây chuyền công nghệ, thiết bị máy móc lên đến 22 tỷ đồng để sản xuất và đa dạng hóa GKN với các loại gạch block, trụ, ống, thẻ… và đã được cơ quan chức năng công nhận tiêu chuẩn chất lượng. Thế nhưng, công suất sử dụng máy móc của đơn vị chưa đến 30% so thiết kế do đầu ra “nhỏ giọt”.

Thời gian qua, đã có 8 cơ sở sản xuất vật liệu xây không nung (VLXKN)  được Sở Xây dựng tiếp nhận công bố hợp quy, trong đó có 6 cơ sở sản xuất gạch xây không nung xi măng cốt liệu theo Tiêu chuẩn TCVN 6477: 2011; 1 cơ sở sản xuất gạch lát nền Terrazzo theo TCVN 7744:2013; 1 cơ sở sản xuất gạch bê tông bọt không chưng áp theo TCVN 9029:2011.

Theo Quy hoạch của UBND tỉnh, đến năm 2017, công suất thiết kế GKN đạt 189,7 triệu viên/năm, nhưng hiện nay công suất thiết kế chỉ đạt 80 triệu viên/năm, tức chỉ bằng 42% so với quy hoạch. Trên thực tế, sản lượng GKN sản xuất trong năm 2017 chỉ có 11 triệu viên, bằng 6% so với quy hoạch đã phê duyệt đến năm 2017.

Từ năm 2014, theo quy định của UBND tỉnh, các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước từ sau năm 2015 bắt buộc phải sử dụng 100% VLXKN. Trên thực tế, vốn đầu tư ngân sách Nhà nước hiện nay ưu tiên cho phát triển cơ sở hạ tầng, Chương trình xây dựng nông thôn mới; cộng với việc kinh tế suy thoái, các công trình xây dựng bằng nguồn vốn Nhà nước cắt giảm mạnh… đã làm cho ngành vật liệu xây dựng rơi vào tình trạng khó khăn, khiến việc tiêu thụ GKN càng trở nên trì trệ.

Sản xuất gạch không nung tại Công ty TNHH Xây dựng Đại Tín.
Sản xuất gạch không nung tại Công ty TNHH Xây dựng Đại Tín.

Trong khi đó, ở khu vực dân dụng, việc sử dụng vật liệu xây đất sét nung truyền thống đã ăn sâu vào quan niệm của nhiều người tiêu dùng, trong khi họ lại chưa có nhiều thông tin về sản phẩm GKN nên không tin dùng. Rào cản lớn hơn nữa là giá GKN bán ra trên thị trường hiện vẫn cao hơn khoảng 20% so với gạch nung nên càng khiến người mua cân nhắc. Liên quan đến vấn đề này, một DN sản xuất GKN cho hay, sức mua èo uột khiến DN cũng cân nhắc nhiều đến giá thành sản phẩm. Nhưng khó ở chỗ, để sản xuất ra GKN thì đòi hỏi vốn đầu tư dây chuyền, cơ sở hạ tầng, nguyên liệu… khá cao, trong khi, một viên gạch không nung ra lò đã “cõng” nhiều loại thuế, phí như thuế khai thác tài nguyên, thuế môi trường… thì rất khó cạnh tranh sòng phẳng được so với gạch nung truyền thống.

Thúc đẩy tiêu thụ gạch không nung

Để thúc đẩy chương trình phát triển GKN, từ năm 2012, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch số 5342/KH-UBND, ngày 12-9-2012 về phát triển sản xuất, sử dụng VLXKN thay thế gạch đất sét nung trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012-2020. Phấn đấu năm 2020, sản xuất và sử dụng VLXKN thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 25-30%, hằng năm sử dụng khoảng 300.000-350.000 tấn phế thải công nghiệp (mạt đá, đá puzolan…) để sản xuất VLXKN.

Sản phẩm gạch không nung gặp khó ở khâu tiêu thụ.
Sản phẩm gạch không nung gặp khó ở khâu tiêu thụ.

Theo Sở Xây dựng, thời gian qua, ngành xây dựng đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều chính sách, cơ chế phù hợp để khuyến khích phát triển GKN, cũng như hỗ trợ DN đầu tư sản xuất loại vật liệu này. Ngoài ra ngành còn phối hợp với các Sở Công thương, Khoa học và Công nghệ và các ngành chức năng liên quan trong việc lập kế hoạch hỗ trợ đối với các đơn vị sản xuất gạch thủ công khi chuyển đổi công nghệ sản xuất; phổ biến công nghệ, tiêu chuẩn, lợi ích và khuyến khích chuyển đổi sang gạch xây không nung… Tuy nhiên, đến nay sau gần 5 năm có mặt trên thị trường, GKN vẫn “bí” đầu ra, nhu cầu sử dụng trên địa bàn tỉnh vẫn còn rất ít.

 Trước tình hình đó, mới đây nhất, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 09/UBND–CN, ngày 17-4-2018 về việc tăng cường sử dụng VLXKN và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung trên địa bàn. Cụ thể, tại TP. Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ và các huyện phải sử dụng 100% vật liệu xây không nung; các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên phải sử dụng tối thiểu 80% VLXKN trong tổng số vật liệu xây…

Còn phía DN hoạt động ở lĩnh vực này cũng kiến nghị, chủ đầu tư, các nhà thầu, các cơ quan nhà nước cần thực hiện nghiêm túc các quy định về sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh. Song song với đó, các ban ngành chức năng sớm có biện pháp xử lý triệt để việc khai thác trái phép đất sét để làm gạch của các cơ sở sản xuất gạch bằng lò thủ công, lò đứng liên tục và lò vòng; đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa để người tiêu dùng hiểu đúng tác dụng, tính năng thân thiện với môi trường của GKN…

 

Theo quy định, các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách, vốn vay của DN có vốn nhà nước lớn hơn 30% trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phải chú ý việc ưu tiên sử dụng VLXKN.

(Chỉ thị số 09/UBND–CN, ngày 17-4-2018 của UBND tỉnh)

                                                  Đỗ Lan

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.