Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Bông: Cây mía "chết già" vì không có đầu ra

09:02, 04/06/2018

Mặc dù vụ thu hoạch năm nay đã kéo dài hơn 5 tháng qua nhưng nhiều diện tích mía trên địa bàn huyện Krông Bông vẫn không có người thu mua. Hàng trăm héc ta mía ở các xã: Ea Trul, Hòa Sơn, Hòa Tân, Cư Kty … đã quá tuổi đang đứng trước nguy cơ bị đốt bỏ.

Niên vụ năm nay, huyện Krông Bông trồng khoảng 900 ha mía, trong đó Hợp tác xã Thăng Bình ký hợp đồng liên kết với nông dân khoảng 500 ha. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt nên hầu hết diện tích mía đều đạt năng suất cao, trung bình từ 100 – 150 tấn/ha. Tuy nhiên, đến thời điểm này, một số xã như Ea Trul, Hòa Sơn, Hòa Tân có diện tích mía quá tuổi vẫn chưa được thu hoạch do không có người mua. Mùa mưa đang đến, nhiều hộ gia đình lo lắng cây mía sẽ mọc mầm và ảnh hưởng đến chất lượng trữ đường. Ông Lê Viết Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Tân lo lắng: “Tình trạng mía tồn đọng và đã quá tuổi thu hoạch đã khiến cho nhiều hộ gia đình có ý định đốt bỏ ruộng mía để kịp xuống giống cây trồng khác cho vụ hè thu tới”.

Nông dân lo lắng về những cánh đồng mía đã “quá tuổi” nhưng vẫn chưa được thu hoạch.
Nông dân lo lắng về những cánh đồng mía đã “quá tuổi” nhưng vẫn chưa được thu hoạch.
 

 “Những ngày gần đây có mưa lớn khiến cây mía tích trữ lượng nước nhiều, nhà máy thì thông báo công suất hoạt động thấp nên ngừng thu mua. Điều này khiến chúng tôi rất lo lắng về đầu ra cho cây mía, khi vụ hè thu đang đến gần”.

 
 
Ông Nguyễn Hữu Trí, nông dân trồng mía ở thôn 2, xã Ea Trul, Krông Bông

Theo ông Võ Bảo Sơn, Chủ nhiệm Hợp tác xã Thăng Bình, nguyên nhân thu hoạch mía chậm tiến độ một phần là do điều kiện thời tiết năm nay không được thuân lợi. Mưa nhiều và kéo dài khiến nhiều tuyến đường lầy lội, phương tiện vận chuyển mía gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, sản lượng mía trên địa bàn khá dồi dào nhưng các nhà máy mía đường thu mua rất chậm. Trong khi đó, nhiều hộ nông dân không ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm nên dẫn đến tình trạng tồn đọng mía trên đồng.

Ông Hồ Đức Hoàng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Bông cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, bà con nông dân trên địa bàn huyện đã thu hoạch được 60% tổng diện tích mía. Trước tình hình giá mía thấp, nhà máy đường ngưng thu mua, Phòng cũng đã liên hệ với Hợp tác xã Thăng Bình, Nhà máy đường 333 thu mua sản phẩm cho bà con nhanh nhất có thể. Tuy nhiên, do địa bàn huyện Krông Bông còn gặp nhiều trở ngại trong việc vận chuyển, tuyến đường huyết mạch Tỉnh lộ 9 nối huyện Krông Bông và Krông Pắc xuống cấp, cây cầu Cư Păm chưa được xây dựng lại nên việc chuyên chở hàng hóa, nông sản có khối lượng lớn bắt buộc phải đi vòng, cung đường xa gấp đôi, kéo theo giá thành thu mua xuống thấp.

Duyên Mai - Xuân Thái


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.