Multimedia Đọc Báo in

Khó khăn trong xây dựng nông thôn mới ở M'Đrắk

09:01, 04/06/2018

Sau hơn 7 năm triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo nông thôn ở huyện M’Đrắk đã có nhiều đổi thay đáng kể, đời sống người dân từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, trên thực tế thì chặng đường xây dựng NTM ở huyện nghèo này vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Gian nan nhiều tiêu chí NTM

Triển khai xây dựng NTM từ năm 2011 nhưng đến thời điểm này, huyện M’Đrắk vẫn chưa có xã nào cán đích NTM. Tính trung bình, toàn huyện chỉ mới đạt được 105/228 tiêu chí (đạt 46,05%), trong đó mới chỉ có xã Ea Riêng đạt 13 tiêu chí, các xã còn lại đều ở mức từ 5 đến 10 tiêu chí.

Xác định nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm, là điều kiện tiên quyết để xây dựng thành công NTM, thời gian qua huyện M’Đrắk đã tích cực vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, triển khai các chính sách hỗ trợ vay vốn nhằm nâng cao hiệu quả canh tác, giúp các gia đình vượt khó, vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, do xuất phát điểm kinh tế của huyện thấp, tư duy canh tác của nông dân còn manh mún, lạc hậu nên năng suất gần như phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết.

Theo thống kê, năm 2017 thu nhập bình quân đầu người của huyện chỉ đạt 21 triệu đồng. Đặc biệt, việc áp dụng chuẩn nghèo đa chiều mới hiện nay đã khiến tỷ lệ hộ nghèo ở M’Đrắk chiếm gần 44% và hộ cận nghèo trên 14%. Các xã vùng sâu, vùng xa như: Cư San, Krông Á, Cư Prao… thì chương trình xây dựng NTM gặp nhiều khó khăn hơn, bởi tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 65%.

Do sản xuất manh mún, lạc hậu nên công tác giảm nghèo của huyện gặp rất nhiều khó khăn.
Do sản xuất manh mún, lạc hậu nên công tác giảm nghèo của huyện gặp rất nhiều khó khăn.

Không chỉ loay hoay với “bài toán” khó về tiêu chí hộ nghèo, giao thông cũng là một trong những tiêu chí nan giải trong lộ trình xây dựng NTM của huyện. Đến thời điểm này, huyện M’Đrắk vẫn chưa có xã nào đạt tiêu chí số 2 về giao thông. Anh Nguyễn Văn Quân, một người dân ở xã Ea Riêng phàn nàn: “Đường sá đi lại khó khăn nên nông sản người dân làm ra đều bị tư thương ép giá. Nếu thương lái đến vườn thu mua thì giá sẽ giảm từ 3.000 - 5.000 đồng/kg so với thị trường. Mặc dù hằng năm các tuyến đường này đều được người dân tu sửa, nhưng do chưa được cứng hóa nên chỉ sau vài đợt mưa lại trở nên hư hỏng, lầy lội…”.

Đó là chưa kể đến tiêu chí về trường học trong xây dựng NTM. Toàn huyện mới chỉ có 36,5% số phòng học được kiên cố hóa, nhiều điểm trường ở xa trung tâm huyện đang chật vật với tình trạng học nhờ, học tạm, thiếu cơ sở vật chất, các em học sinh phải chen chúc trong một không gian nhỏ hẹp, xuống cấp. Điển hình như các điểm lẻ của Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tô Hiệu (xã Cư San); Trường Tiểu học Lê Lợi (xã Cư Mta)…

Khó đạt được mục tiêu

Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM, thời gian qua các ngành chức năng đã phối hợp với chính quyền địa phương lồng ghép các nguồn vốn tập trung để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Cùng với đó, huyện cũng triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế như: khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế hợp tác xã, trang trại; mở rộng diện tích trồng các loại cây ăn trái có giá trị… Tuy nhiên, do địa hình chia cắt phức tạp, phần lớn diện tích canh tác lại nằm trên đồi núi nên năng suất cây trồng rất thấp. Trong khi đó, chi phí đầu tư và công lao động lại lớn nên đây cũng mới chỉ là giải pháp trước mắt giúp người dân có thêm nguồn thu nhập, cải thiện phần nào cuộc sống khó khăn chứ chưa thực sự mang lại hiệu quả bền vững.

Ông Nguyễn Thế Thập, Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM huyện M’Đrắk cho biết, với đặc thù là một huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao, phải sống dựa vào trợ cấp thì việc huy động sự đóng góp của người dân và doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Kinh phí xây dựng NTM hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn vốn Trung ương và ngân sách tỉnh. Trong khi đó, kinh phí cho chương trình hằng năm rót về lại nhỏ giọt và còn rất thấp so với yêu cầu thực tế. Điều này đã khiến các tiêu chí đòi hỏi phải có nguồn kinh phí lớn như: cơ sở vật chất văn hóa, giáo dục, giao thông... không biết khi nào mới hoàn thành được.

Giao thông nông thôn là một trong những trở ngại lớn trong lộ trình xây dựng NTM  của M’Đrắk.
Giao thông nông thôn là một trong những trở ngại lớn trong lộ trình xây dựng NTM của M’Đrắk.

Theo mục tiêu đề ra, đến năm 2020, huyện M’Đrắk sẽ đạt 177/228 tiêu chí, trong đó có 2 xã đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, theo ông Thập, để đạt được mục tiêu này, ngoài sự quyết tâm, nỗ lực của người dân và chính quyền địa phương thì tỉnh cần có cơ chế, chính sách đặc biệt để các xã vùng sâu vùng xa của huyện có thêm kinh phí đầu tư xây dựng các công trình thiết yếu, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc