Multimedia Đọc Báo in

Những khó khăn trong cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng

08:33, 05/06/2018

Thời gian qua, việc triển khai cấp chứng chỉ hành nghề (CCHN) xây dựng đã từng bước đưa hoạt động xây dựng vào nền nếp, tạo điều kiện cho cá nhân hành nghề thuận lợi. Tuy nhiên, việc cấp CCHN xây dựng vẫn còn gặp không ít khó khăn.

Theo Sở Xây dựng, thực hiện quy định tại Thông tư số 17/2016/TT-BXD ngày 30-6-2016 của Bộ Xây dựng hướng dẫn về năng lực của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng, Sở Xây dựng đã thực hiện việc tiếp nhận, tổ chức thi sát hạch phục vụ cấp CCHN hoạt động xây dựng của cá nhân và cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức có đăng ký kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Từ đầu năm 2017 đến tháng 5-2018, Sở đã tổ chức 12 đợt thi sát hạch phục vụ CCHN hoạt động xây dựng của cá nhân. Trong số 596 hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ, Sở đã xét cấp 501 hồ sơ (trong đó có 207 CCHN hạng hai; 294 chứng chỉ hạng ba; không xét cấp cho 95 hồ sơ do khai báo thông tin chưa đầy đủ, không có cơ sở xét cấp theo quy định). Đối với kết quả cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức, đã tiếp nhận 321 hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ; xét cấp 304 hồ sơ, trong đó có 53 chứng chỉ năng lực hạng hai, 251 chứng chỉ hạng ba; không xét cấp cho 17 hồ sơ do chưa đảm bảo điều kiện năng lực theo quy định.

Một công trình xây dựng ở phường Tân Lợi (TP. Buôn Ma Thuột) do tư nhân thi công.
Một công trình xây dựng ở phường Tân Lợi (TP. Buôn Ma Thuột) do tư nhân thi công.

Có thể thấy, Thông tư 17 ra đời đã giúp các cơ quan chức năng quản lý và giám sát chặt chẽ hơn về năng lực của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng. Thông qua công tác sát hạch sẽ khắc phục triệt để tình trạng xét tiêu chuẩn cấp chứng chỉ thuần túy dựa trên hồ sơ pháp lý do cá nhân, tổ chức tự cung cấp. Bên cạnh đó, mã số CCHN cũng như năng lực hoạt động hành nghề của cá nhân, tổ chức được đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử của Sở và Bộ Xây dựng sẽ góp phần giúp các chủ đầu tư lựa chọn được nhà thầu tin cậy, đủ năng lực trong công tác đấu thầu, chọn thầu góp phần nâng cao chất lượng công trình. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện còn nhiều khó khăn, bất cập. Cụ thể, đến hết tháng 9 - 2017, hệ thống sát hạch chưa có đề sát hạch của một số lĩnh vực như: giám sát công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, kiểm định xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp, quản lý dự án; dẫn đến gây khó khăn, tăng chi phí, thời gian phải chờ đợi cho cá nhân hành nghề trong lĩnh vực này, trong khi số lượng cá nhân, tổ chức hoạt động xây dựng trong 3 lĩnh vực này khá lớn. Đến ngày 10-10-2017, Bộ Xây dựng mới ban hành Quyết định số 145/QĐ-BXD để bổ sung các đề sát hạch cho 3 lĩnh vực trên. Bên cạnh đó, các quy định trong hệ thống văn bản pháp luật chưa được đồng bộ và thiếu tính thống nhất...

Về lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề và chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng đã được quy định cụ thể tại Thông tư số 172/2016/TT-BTC ngày 27-10-2016 của Bộ Tài chính (1 triệu đồng/1 chứng chỉ năng lực; 300 nghìn đồng/1 chứng chỉ hành nghề) nhưng Thông tư số 17 lại quy định “việc thu và quản lý sử dụng chi phí sát hạch thực hiện theo quy định của Bộ Xây dựng”. Tuy nhiên, hơn 1 năm sau khi Thông tư số 17 có hiệu lực, đến 21-9-2017, Bộ Xây dựng mới ban hành Quyết định số 970/QĐ-BXD quy định về chi phí sát hạch phục vụ cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng. Do đó, dẫn đến việc chậm trễ hướng dẫn thực hiện khiến trong thời gian chờ đợi, các địa phương thực hiện lúng túng, thiếu thống nhất.

Theo chia sẻ của một số doanh nghiệp, điểm mới trong Thông tư 17/2016/TT-BXD là việc tổ chức sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề được thực hiện theo hình thức thi trắc nghiệm, tuy nhiên việc làm này cũng chưa đánh giá chính xác năng lực hoạt động của cá nhân. Có những cá nhân đã hoạt động xây dựng lâu năm nhưng khi thi chứng chỉ, kết quả sát hạch không đạt gây khó khăn trong việc nộp hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề. Thêm vào đó là các quy định cụ thể về thời gian kinh nghiệm, trình độ chuyên môn của cá nhân trong Thông tư chưa phù hợp với thực tế ngành nghề đào tạo theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngoài ra, các doanh nghiệp hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh chủ yếu quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp. Do đó, các quy định cụ thể về số lượng cán bộ chủ chốt có chứng chỉ hành nghề trong doanh nghiệp gây khó khăn trong hoạt động nhận thầu, cạnh tranh với các doanh nghiệp tỉnh ngoài...

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.