Nông dân Cư M'gar tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất
Trong những năm qua, việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã mang lại những thay đổi tích cực trong phương pháp canh tác của bà con nông dân ở huyện Cư M’gar, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế theo hướng bền vững.
Sau khi tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, năm 2014 ông Trần Mậu Tuất (thôn 9, xã Ea Kiết) đã mạnh dạn thực hiện “trẻ hóa” 1,7 ha cà phê của gia đình bằng phương pháp ghép chồi. Giống cà phê gia đình chọn thay thế là giống TR4, có năng suất cao được mua từ Viện Khoa học kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên. Đến khi chồi ghép phát triển tốt, ông mới cho cưa cây nhằm vẫn bảo đảm được thu nhập cho gia đình ở niên vụ kế tiếp. Nhờ áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật nên tỷ lệ các mắt ghép thành công đạt 80 - 85%. Sau hai năm thực hiện phương pháp ghép chồi, 1.700 gốc cà phê của gia đình ông Tuất đã cho những quả bói đầu tiên, với nhiều ưu điểm vượt trội như: quả to, chín đều, vỏ mỏng, nhân dày và ít sâu bệnh, sản lượng cà phê của gia đình đạt hơn 6 tấn. Sang đến năm thứ hai, sản lượng tăng lên hơn 9 tấn (năng suất bình quân đạt 5,2 tấn/ha). Sau khi trừ hết chi phí đầu tư, lợi nhuận thu được từ vườn cà phê đạt gần 200 triệu đồng.
Ông Trần Mậu Tuất (thôn 9, xã Ea Kiết) đang chăm sóc cà phê. |
Không dừng lại ở đó, để nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác, ông Tuất còn trồng thêm gần 1.000 trụ tiêu xen trong vườn cà phê của gia đình. Cách làm này không chỉ có tác dụng che nắng, chắn gió cho cây trồng chính mà còn mang lại nguồn thu đáng kể cho gia đình. Hiện nay, với 300 trụ tiêu trong giai đoạn kinh doanh, mỗi năm gia đình ông thu được 2 tấn tiêu, sau khi chi phí đầu tư còn lãi khoảng 280 triệu đồng.
Trước đây, vườn tiêu với diện tích 1 ha của gia đình ông Khương Văn Thoa (buôn Ea Sang B, xã Ea H’đing) tưới nước theo phương thức truyền thống, không chỉ tốn công, lượng nước thất thoát nhiều, cây lại không hấp thu hết, tăng chi phí sản xuất... Năm 2017, ông Thoa quyết định áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm bằng hệ thống nhỏ giọt của Israel trên diện tích 0,5 ha tiêu. Qua hơn 1 năm triển khai, mô hình tưới nước tiết kiệm này đã phát huy tác dụng, lượng nước tiết kiệm khoảng được 50% so với tưới truyền thống; đồng thời tưới tiết kiệm còn giúp đưa lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đã được hòa tan thẩm thấu vào rễ cây trồng thông qua đường ống nước, giúp cây hấp thu nhanh hơn...
Các hộ dân tham quan mô hình tưới nước tiết kiệm của hộ ông Khương Văn Thoa (buôn Ea Sang B, xã Ea H’đing). |
Tương tự, trong thời gian qua, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Cư M’gar cũng đã nâng cao hiệu quả sản xuất nhờ ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trong đó có nhiều hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Những hộ này đều đã tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật ở nhiều mức độ khác nhau, nhờ đó đã có những thành công nhất định trong sản xuất, kinh doanh. Đến nay, toàn huyện có 9.510 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp (tăng hơn 3.000 hộ so với năm 2012).
Xác định tầm quan trọng của tiến bộ khoa học kỹ thuật đối với sản xuất nông nghiệp, trong những năm qua các cấp Hội Nông dân huyện Cư M’gar luôn chú trọng đẩy mạnh chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân. Hằng năm, Hội Nông dân các xã, thị trấn đã thông báo rộng rãi về kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn cho các hội viên, nông dân trên địa bàn nắm bắt để đăng ký học theo nhu cầu. Theo thống kê, từ năm 2012 đến nay, các cấp Hội Nông dân trong huyện đã phối hợp tổ chức được 1.281 buổi tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi cho hơn 40.990 lượt hội viên, nông dân. Qua đó, các hội viên, nông dân đã có thêm những kiến thức mới ứng dụng vào sản xuất, làm thay đổi nhận thức, tập quán canh tác, cách làm truyền thống, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình, làm giàu chính đáng. Nhiều mô hình nông dân ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất đã trở thành điểm đến học hỏi cho các hộ nông dân trên địa bàn...
Trung Dũng
Ý kiến bạn đọc