Multimedia Đọc Báo in

Phát triển kinh tế từ mô hình nuôi dê luân chuyển

08:42, 05/06/2018

Mô hình nuôi dê luân chuyển do Trạm Khuyến nông huyện Krông Pắc triển khai đã giúp nhiều hộ nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Gia đình anh Y Thiêu Kbuôr (buôn Mbê, xã Krông Búk) là một trong hai hộ nghèo trên địa bàn xã được bình xét nuôi dê đợt đầu. Sau một năm, từ 2 con dê mẹ nhận nuôi, anh Y Thiêu đã có thêm 2 con dê con để luân chuyển cho một hộ nghèo khác trong xã chăn nuôi. Ngoài ra, anh Y Thiêu còn đầu tư mua thêm dê giống để mở rộng quy mô chăn nuôi; đồng thời chuyển đổi một sào đất trồng hoa màu của gia đình sang trồng cỏ để tạo nguồn thức ăn thường xuyên cho vật nuôi. Đến nay, tổng đàn dê của gia đình anh đã tăng lên 10 con.

Theo anh Y Thiêu, dê là con vật dễ nuôi, thức ăn chủ yếu là cây lá có sẵn trong tự nhiên. Người nuôi chỉ cần giữ chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát, tiêm vắc xin đúng định kỳ cho dê là sẽ hạn chế được bệnh tật. Trong năm 2017, nhờ bán đàn dê 5 con mà gia đình anh có thêm vốn cải tạo lại vườn cà phê, mua giống cây ăn quả để trồng. Trong thời gian tới, gia đình anh sẽ tiếp tục nhân rộng đàn dê để phát triển kinh tế, từ đó vươn lên thoát nghèo.

Đàn dê của gia đình anh Y Thiêu Kbuôr (buôn Mbê, xã Krông Búk).
Đàn dê của gia đình anh Y Thiêu Kbuôr (buôn Mbê, xã Krông Búk).

Gia đình anh Nguyễn Văn Tài (buôn Hằng 1C, xã Ea Uy) cũng là một trong những hộ tham gia mô hình nuôi dê luân chuyển của Trạm Khuyến nông huyện. Gia đình anh Tài thuộc diện hộ nghèo, nguồn thu nhập của cả nhà dựa vào 3 sào cà phê trồng mới và từ việc đi làm thuê của vợ chồng anh. Tháng 6-2017, gia đình anh được hỗ trợ 2 con dê giống. Anh Tài xem đây là tài sản của gia đình và quyết tâm phát triển đàn dê. Nhờ nắm vững kỹ thuật nuôi và chăm sóc nên đàn dê của gia đình anh sinh trưởng, phát triển tốt, sau 5 tháng đã sinh được 3 con dê con.

 
“Thời gian tới, Trạm sẽ tiếp tục mở rộng quy mô triển khai mô hình, trong đó sẽ tập trung ưu tiên phát triển mô hình tại các xã vùng sâu, vùng xa, kết hợp nâng cao ý thức chăn nuôi theo hướng bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường”. 
 
Ông Nguyễn Văn Hợp, Phó Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Krông Pắc

Thấy việc nuôi dê ít vốn đầu tư, quay vòng nhanh, có thể tận dụng được thời gian nông nhàn nên anh Tài quyết định chọn nuôi dê để phát triển kinh tế gia đình. Cuối năm 2017, anh Tài mạnh dạn vay hơn 100 triệu đồng đầu tư mua 20 con dê cái giống Boer về nuôi. Đến nay, anh Tài đã gây dựng được đàn dê với số lượng gần 40 con. “Nếu chăm sóc tốt, sau 6-7 tháng là dê đạt trọng lượng khoảng 30 kg và đã có thể xuất bán, với giá bán từ 110.000-160.000 đồng/kg dê hơi, thì tôi có thể thu lãi từ 4-5 triệu đồng/tháng từ việc nuôi dê”, anh Tài cho biết.

Mô hình nuôi dê luân chuyển được Trạm Khuyến nông huyện Krông Pắc triển khai từ năm 2016 tại xã Krông Búk. Khi tham gia mô hình, mỗi hộ được hỗ trợ 2 con dê sinh sản giống Bách Thảo đã được phối giống. Người nuôi sẽ được tham gia các buổi tập huấn về kỹ thuật chăm sóc và phòng bệnh cho dê theo hình thức nuôi nhốt; hướng dẫn cách làm chuồng trại, trồng cỏ để chủ động được nguồn thức ăn cho vật nuôi; được cán bộ khuyến nông theo dõi, giám sát trong suốt quá trình nuôi để bảo đảm đàn dê sinh sản và phát triển tốt. Sau khi đàn dê sinh sản lứa đầu tiên, người nuôi sẽ phải bàn giao lại 2 con dê cái con có trọng lượng tương đương với dê mẹ lúc bắt về cho một hộ dân khác chăn nuôi.

Một hộ dân ở xã Ea Yiêng được hỗ trợ dê giống từ mô hình nuôi dê luân chuyển.
Một hộ dân ở xã Ea Yiêng được hỗ trợ dê giống từ mô hình nuôi dê luân chuyển.

Sau một năm triển khai mô hình, đàn dê đã sinh sản từ 2 lứa trở lên và có dê để luân chuyển sang cho các hộ khác nuôi. Người nuôi cũng bắt đầu có thu nhập từ việc nuôi dê. Nhận thấy việc nuôi dê theo phương thức luân chuyển bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, từ năm 2017 đến nay, Trạm Khuyến nông huyện tiếp tục triển khai mô hình sang một số xã khác trong huyện như Ea Uy, Ea Yiêng, Ea Hiu và Vụ Bổn.

Có thể thấy, mô hình chăn nuôi dê luân chuyển đã trực tiếp trao sinh kế cho các hộ nghèo, giúp họ có thêm nguồn thu nhập, từng bước vươn lên trong cuộc sống. Bên cạnh đó, với hình thức nuôi nhốt hoàn toàn đã hạn chế dịch bệnh trong chăn nuôi, thay đổi thói quen chăn nuôi lạc hậu của bà con từ nuôi dê thả rông sang nuôi nhốt, từ việc phụ thuộc thức ăn tự nhiên sang chủ động nguồn thức ăn do mình trồng và chế biến.

Tuyết Mai

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.