Multimedia Đọc Báo in

Phát triển mô hình cây ăn quả trồng xen trong vườn cà phê: Cần những giải pháp thiết thực, hiệu quả

09:06, 28/06/2018

Trong khi giá cà phê nhân vẫn thấp; tỷ lệ diện tích cà phê già cỗi, sâu bệnh, năng suất thấp chiếm tỷ lệ cao; giá vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất cà phê ngày càng tăng… khiến sản xuất cà phê ít hiệu quả thì việc trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê được xem là giải pháp thiết thực giúp nông dân vừa có thu nhập vừa duy trì được loại cây chủ lực của vùng Tây Nguyên.

Trong thời gian qua, diện tích vườn cà phê trồng xen cây ăn quả ngày càng tăng trên địa bàn tỉnh. TP. Buôn Ma Thuột có hơn 12.000 ha cà phê, trong đó diện tích được trồng xen cây ăn quả ngày càng nhân rộng. Cuối 2017, diện tích cây ăn quả tại TP. Buôn Ma Thuột lên đến 1.214,65 ha, tăng 751,6 ha so với năm 2008. Khảo sát sơ bộ vào cuối tháng 5-2018 cho thấy, diện tích sầu riêng trồng xen cà phê là  588 ha, trồng xen bơ là 561,2 ha và nông dân còn trồng xen nhiều loại cây ăn quả có giá trị cao khác như măng cụt, bưởi da xanh, na, cam sành và quýt đường… Đánh giá về thu nhập bình quân trên một đơn vị diện tích trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê tại TP. Buôn Ma Thuột vừa qua cho thấy, với cây sầu riêng trồng xen trong vườn cà phê (120 cây sầu riêng) cho thu nhập bình quân 451 triệu đồng/ha, cây bơ trồng xen cà phê cho thu nhập 367 triệu đồng/ha, tiêu trồng xen cà phê cho thu nhập hơn 180 triệu đồng/ha; thậm chí một số vườn trồng sầu riêng xen cà phê có thu nhập hơn 1 tỷ đồng/ha. Riêng cà phê trồng thuần chỉ cho thu nhập gần 90 triệu đồng/ha. Với mức thu nhập cao như vậy, việc phát triển diện tích cây ăn quả trồng xen cà phê trong thời gian qua và xu hướng gia tăng trong thời gian tới là điều tất yếu.

Một mô hình trồng xen bưởi trong vườn cà phê tại xã Hòa Thuận (TP. Buôn Ma Thuột).
Một mô hình trồng xen bưởi trong vườn cà phê tại xã Hòa Thuận (TP. Buôn Ma Thuột).

Mặc dù cây ăn quả trồng xen trong cà phê thời gian qua đã mang lại thu nhập đáng kể cho nông dân, tuy nhiên không phải tất cả diện tích cà phê trồng xen đều có thu nhập cao, có một số diện tích bà con trồng xen bị thất thu do phát triển tự phát. Nói cách khác, quá trình nông dân sản xuất “chạy theo” giá cả thị trường; theo những mô hình hiệu quả ở những vùng miền khác hoặc nghe theo một số cơ sở bán giống xúi giục…. mà không tham khảo, không đánh giá sự thích nghi với vùng tiểu khí hậu của các loại giống cây ăn quả, cũng như về dinh dưỡng, đất đai phù hợp với từng loại cây nên dẫn đến mô hình trồng xen không có hiệu quả hoặc mất trắng. Khi được hỏi dựa vào quy trình nào để sản xuất, nhiều hộ nông dân cho biết là… làm theo những mô hình ở các tỉnh bạn. Trong khi đó cây ăn quả thuộc nhóm cây có thời gian sinh trưởng và phát triển dài ngày (vài năm đến vài chục năm), đầu tư ban đầu cao hơn nhóm cây công nghiệp (tiêu, cà phê) nên đến khi nhận diện được sự không thích nghi thì đã quá muộn, bị thiệt hại lớn.

Hiện nay, việc định hướng về quy hoạch, phát triển các loại cây ăn quả vẫn còn nhiều lúng túng vì chúng ta chưa chủ động được thị trường tiêu thụ, trong khi đó việc phân phối sản phẩm cũng chỉ dừng lại hầu hết là sản phẩm quả tươi. Hiện tại, do diện tích cây ăn quả trong vườn cà phê chưa nhiều, sản lượng chưa cao nên việc phân phối ra thị trường tương đối thuận lợi. Tuy nhiên, nếu ước tính 70% diện tích cà phê của Đắk Lắk được trồng xen cây ăn quả (tương đương hơn 142.000 ha) thì việc tiêu thụ sản phẩm quả tươi tiềm ẩn nhiều rủi ro khôn lường.

Mô hình trồng xen sầu riêng trong vườn cà phê tại xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) cho hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình trồng xen sầu riêng trong vườn cà phê tại xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) cho hiệu quả kinh tế cao.

Vì vậy, thiết nghĩ ngay bây giờ cần có hoạch định rõ ràng về phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh. Cần định hướng về quy hoạch các vùng, khu vực trồng cây ăn quả có giá trị. Việc này cần các nhà chuyên môn khảo sát, rà soát đánh giá sự thích nghi về sinh thái, đất đai và hiệu quả khả thi; công bố quy hoạch các vùng sản xuất cây ăn quả phù hợp đến tận cơ sở (người sản xuất). Tiếp theo là kêu gọi đầu tư, kèm theo những chính sách hỗ trợ về vốn tín  dụng, đất đai và cơ sở hạ tầng… để các nhà doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư bởi khi nhà đầu tư vào cuộc sẽ tổ chức liên kết theo chuỗi giá trị (từ đầu vào đến đầu ra). Tóm lại, rất cần sự liên kết giữa “bốn nhà”: Nhà nước hỗ trợ bước đầu “chuỗi liên kết giá trị” và giám sát quá trình triển khai; nhà khoa học chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quá trình sản xuất, chế biến tạo sản phẩm an toàn được chứng nhận chất lượng; nhà nông phải thực hiện đầy đủ các yêu cầu của nhà khoa học thông qua sự giám sát của Nhà nước để đảm bảo bền vững vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu sản phẩm cho nhà doanh nghiệp chế biến theo kế hoạch đã liên kết; nhà doanh nghiệp vừa là mắt xích quan trọng nhất “trong liên kết bốn nhà” vừa là đơn vị quản lý vận hành kết nối vững chắc các mắt xích của “chuỗi liên kết giá trị” trên cơ sở hỗ trợ của Nhà nước và hưởng ứng của người sản xuất. Làm được như vậy thì sản phẩm cây ăn quả không còn phải xuất tươi (giá trị thấp), không phụ thuộc nhiều vào thời gian bảo quản mà được chế biến tại chỗ, phục vụ thị trường rộng lớn hơn, mới có giá trị kinh tế cao hơn, bền vững hơn.

Cẩm Lai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.