Multimedia Đọc Báo in

Thu nhập khá nhờ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi

09:19, 12/06/2018

Những năm qua, cùng với việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bà con nông dân buôn Hra Ea Hning (xã Dray Bhăng, huyện Cư Kuin) đã mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, từ đó có thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu.

Buôn Hra Ea Hning hiện có 367 hộ với 1.800 khẩu; trong đó 90% là người Êđê. Để tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, Ban tự quản buôn đã phối hợp với các hội, đoàn thể, ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; giới thiệu những loại giống có năng suất cao; tổ chức cho bà con tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình sản xuất hiệu quả… Ông Y Djhung Byă, Trưởng buôn Hra Ea Hning cho biết: “Để các hộ dân trong buôn có điều kiện tìm hiểu, học tập những hộ có kinh tế khá giả, trong các buổi họp, Ban tự quản buôn đã dành nhiều thời gian để các hộ có dịp trao đổi kinh nghiệm làm ăn với nhau, đồng thời vận động những hộ khá giúp đỡ về vốn cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn”. Nhờ vậy, cuộc sống của người dân trong buôn ngày càng được cải thiện. Hiện nay, toàn buôn chỉ còn 78 hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 12 triệu đồng/năm; trong buôn có 22 hộ có thu nhập từ 100 - 300 triệu đồng/năm.

Anh Y Bê trong vườn cà phê,  hồ tiêu  xen cây  ăn quả của  gia đình.
Anh Y Bê trong vườn cà phê, hồ tiêu xen cây ăn quả của gia đình.

Điển hình như gia đình chị Mĩ Nhan đã mạnh dạn chuyển đổi 2 ha hoa màu cho hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cà phê ghép xen hồ tiêu từ năm 2015. Thời gian đầu mới chuyển đổi, gia đình chị Nhan cũng gặp nhiều khó khăn do chưa nắm được quy luật của khí hậu và điều kiện thổ nhưỡng. Sau đó, chị chịu khó tìm hiểu các kiến thức khoa học kỹ thuật trên sách báo, tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng để học hỏi. Sau một thời gian áp dụng những kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được vào thực tiễn, vườn hồ tiêu và cà phê của gia đình chị luôn phát triển tốt và hiện nay đã cho thu hoạch. Ngoài ra, gia đình chị còn trồng 1 ha lúa nước, chăn nuôi 5 con bò. Hiện nay, mỗi năm sau khi trừ chi phí, gia đình chị có thu nhập gần 300 triệu đồng.

Gia đình anh Y Bê Knul cũng là hộ thành công trong việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Gia đình anh Y Bê hiện có 1 ha hồ tiêu, 1,5 ha hồ tiêu xen cà phê, 150 cây bơ Booth và 30 cây sầu riêng. Ngoài ra, anh còn nuôi 6 con bò, 100 con gà thịt và làm 5 sào lúa nước…, bình quân mỗi năm thu nhập gần 300 triệu đồng. Từ việc phát triển kinh tế gia đình hiệu quả, anh đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con trong buôn mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Mỹ Hằng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.