Multimedia Đọc Báo in

Tìm hướng chuyển đổi việc làm cho lao động tại bãi rác Cư Êbur

06:53, 09/06/2018

Mặc dù là nơi cực kỳ ô nhiễm nhưng bãi rác Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột) vẫn là nơi mưu sinh của rất nhiều người suốt hàng chục năm qua. Vì vậy việc bãi rác sắp đóng cửa để di dời cũng đã đặt ra yêu cầu giải quyết việc làm cho những lao động đang mưu sinh nơi đây.

“Bán mặt”…  cho rác

Một ngày làm việc của chị H’Djuh Ktul (buôn Ky, phường Thành Nhất) bắt đầu từ rất sớm. 5 giờ sáng, chị đã chuẩn bị xong bữa sáng cho cả nhà, tất tả gói ghém cơm nước, đồ đạc mang theo. Trước kia, khi còn đi chung xe công nông với các chị em trong buôn, chị còn phải dậy sớm hơn để kịp xuất phát từ lúc 4 giờ 30. Gần đây, cháu chị cho mượn chiếc xe máy cũ nên vợ chồng chị chủ động trong việc đi lại, khi nào mệt quá có thể về sớm chứ không phải đợi mọi người.

Lao động tại bãi rác hằng ngày phải tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, độc hại.
Lao động tại bãi rác hằng ngày phải tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, độc hại.

Đầu mùa mưa, khí trời buổi sáng dìu dịu, mát mẻ. Chị H’Djuh mặc ba lớp áo, quấn ba lớp khăn đội đầu và khẩu trang, chân mang ủng, kèm thêm một chiếc mũ vải, một chiếc nón lá. Chị bảo, trong bãi rác hôi lắm, càng nắng mùi hôi càng bốc lên nhiều, đi riết thành quen chứ hồi đầu thở không nổi. Quả vậy, vào đến bãi rác mới thấy sự chịu đựng của những con người mưu sinh nơi đây thật khủng khiếp. Từng đống rác ngồn ngộn cao như núi, nằm trơ trọi giữa trời. Càng vào sâu, mùi xú uế càng nặng nề xộc thẳng vào mũi. Tại những đống rác vừa được xe thu gom mang về, nhiều bóng người cặm cụi dùng móc bới tìm những thứ có thể bán được. Theo “quy luật” ngầm từ lâu ở đây, việc nhặt “rác mới” (khi xe vừa đổ xuống) là của những người lao động ở thôn 8 (xã Cư Êbur). Còn chị H’Djuh cũng như các chị em ở buôn Ky chỉ được nhặt phần sót lại sau khi xe ủi san lấp phần rác này hoặc thu gom những mảnh kim loại tại khu “rác cháy”. Không tranh cãi, không xâm phạm công việc của nhau, mỗi người ở đây đều lặng lẽ “bám” vào rác để mưu sinh như thế.

Sau mỗi buổi, chị H’Djuh gom riêng bìa carton, giấy loại thành đống để phơi khô. Phần chai lọ bằng nhựa, sắt... được chị phủ bạt riêng một góc. Chị còn nhặt cả túi nilon, 1 kg nilon chỉ có giá 500 đồng. Chai nhựa giá 4.000 đồng, vỏ lon bằng nhôm đắt nhất, được hơn 10.000 đồng/kg nhưng loại này chị ít khi nhặt được. Một tuần chị bán một lần, được khoảng 250 nghìn đồng.

Loay hoay con đường tìm sinh kế

Trong đợt khảo sát vào đầu năm 2017, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Buôn Ma Thuột ghi nhận có 88 phụ nữ kiếm sống bằng nghề nhặt phế liệu tại bãi rác Cư Êbur. Hội đã phối hợp đề xuất tổ chức 2 lớp đào tạo nghề chăn nuôi bò và dê cho các phụ nữ này, đồng thời tìm hiểu nhu cầu vay vốn chuyển đổi việc làm và nhận ủy thác hỗ trợ vay vốn cho 35 phụ nữ với tổng số tiền 700 triệu đồng (bình quân mỗi hộ vay 20 triệu đồng). Các hộ nhận vốn vay đã đầu tư 52 con bò, 16 con dê. Trong quá trình chăn nuôi, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp thường xuyên kiểm tra, động viên các chị em và phối hợp với cán bộ Trạm Khuyến nông hướng dẫn, hỗ trợ phòng chữa bệnh cho bò, dê. Đến nay, nhiều mô hình đã có được kết quả bước đầu, tổng đàn đã tăng thêm 12 con bê và 64 con dê… Chị H’Djuh cũng nằm trong số được vay 20 triệu đồng từ giữa năm 2017 để mua 1 cặp bò giống. Đến nay, một con bò đã phối giống. Việc chăn thả bò chị giao cho đứa con trai đang nghỉ hè. Chồng chị tìm thêm việc phụ hồ,  nhưng do làm không quen và không đủ sức khỏe nên cũng chỉ được đôi ba bữa. Đa số thời gian, anh đi nhặt rác cùng chị. Chị tâm sự, làm ở bãi rác mới có tiền ăn hằng ngày, mình tranh thủ đi sớm, khi nào mệt thì nghỉ chứ phụ hồ thì không làm theo người ta nổi…. Tuy nhiên không phải ai trong số những người sống nhờ bãi rác cũng mạnh dạn vay vốn nuôi bò như chị H’Djuh. Như chị H’Dâng Byă theo mẹ nhặt rác từ khi còn nhỏ. Nay mẹ đã già yếu, một mình chị là trụ cột trong gia đình. Vừa nuôi mẹ, vừa phải lo cho 3 đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn, tiền nhặt rác chỉ đủ cho những nhu cầu đơn giản nhất của cả nhà. Con gái của chị vừa học xong lớp 7 cũng phải nghỉ học để nhặt rác phụ mẹ. Chị còn nuôi hai đứa con của em gái, một đứa lên 8, một đứa lên 10. Cả hai đứa trẻ đều không được đến trường. Lo cơm ăn hằng ngày còn không đủ, chị không dám vay vốn vì không có tiền trả lãi và đóng tiết kiệm hằng tháng.

Lao động tại bãi rác phải tiếp xúc hằng ngày với môi trường ô nhiễm, độc hại.
Chị H’Djuh Ktul tích góp phế liệu để bán sau mỗi tuần. 

Chị Lê Thị Thanh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Buôn Ma Thuột cho hay, trong quá trình vận động, hỗ trợ, có những người không dám vay vì không có khả năng trả lãi, dù mức lãi khá thấp. Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố đã định hướng việc xin bổ sung thêm mục tiêu cho nguồn quỹ “Ấm áp tình nghĩa” cho các hội viên khó khăn mượn không lãi suất trong vòng 2 năm xây để dựng mô hình khởi nghiệp, phát triển kinh tế gia đình. Nguồn vốn này sẽ ưu tiên cho phụ nữ lao động tại bãi rác có nguyện vọng chuyển đổi nghề nghiệp. Ngoài ra, Hội sẽ tích cực động viên, tiếp tục khảo sát và phối hợp tổ chức giới thiệu việc làm miễn phí cho những lao động này để họ tìm được hướng đi khác cho tương lai khi bãi rác Cư Êbur đóng cửa.

            Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.