Giải pháp nào để phát huy thế mạnh cây ăn quả ở Đắk Lắk? (Kỳ 1)
Dưới tác động của biến đổi khí hậu, hiện tượng xâm nhập mặn đã đe dọa trực tiếp đến các tỉnh miền Tây Nam Bộ - vùng sản xuất cây ăn quả trọng điểm của cả nước. Trước thực tế đó, một số loại cây đã được di thực đến nhiều vùng miền, trong đó có Đắk Lắk và đang trở thành những loại cây có giá trị kinh tế cao tại đây.
Kỳ 1: Cây ăn quả lên ngôi
Khoảng vài năm trở lại đây, cây ăn quả trở thành nông sản “hot” khi giá cả luôn ở đỉnh cao. Có những thời điểm giá bán vượt quá sự tính toán của nông dân, doanh nghiệp, trở thành cây trồng có giá trị cao nhất trong cơ cấu cây trồng của tỉnh.
Phong phú các chủng loại trái cây
Nếu trước đây Đắk Lắk chủ yếu là những loại cây ăn quả truyền thống với các giống địa phương có kích cỡ nhỏ, nhanh chín, khó bảo quản như bơ trứng gà, sầu riêng óc khỉ, xoài rẫy… thì nay đang dần trở thành một trong những vựa cây ăn quả của cả nước khi sản lượng, chủng loại giống ngày càng phong phú và có thể thu hái rải rác quanh năm. Sầu riêng là một loại cây ăn quả bản địa nhưng chỉ từ khi các giống sầu riêng có nguồn gốc từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ như DONA, Ri 6 được trồng và cho thu hoạch (ở huyện Krông Pắc) thì loại trái cây miền nhiệt đới này mới được người dân trong và ngoài nước biết đến. Bởi sầu riêng được trồng ở Đắk Lắk có chất lượng tương đương so với các vùng sản xuất khác trên cả nước nhưng lại thu hoạch muộn hơn (tháng 9, tháng 10), đáp ứng kịp thời nhu cầu thị trường nên thương lái tới tận vườn thu gom để xuất khẩu. Tương tự, các giống xoài Thái Lan, Đài Loan, Úc, Cát Hòa lộc… vốn là đặc sản của miền Tây nhưng hiện nay đang được nông dân huyện Ea Súp trồng và điều chỉnh cho ra quả theo ý muốn. Vì vậy các nông hộ sản xuất đến đâu được thương lái tiêu thụ đến đó với giá cao gấp 3 lần so với xoài thường.
Một vườn sầu riêng xen canh cà phê ở huyện Krông Năng. |
Bên cạnh đó, các giống cam, quýt, bưởi da xanh vốn là cây trồng khó tính nhưng vẫn được sản xuất thành công theo hướng VietGAP ở huyện Ea Kar, Buôn Đôn, TP. Buôn Ma Thuột… Trong khi đó, sự du nhập của các giống bơ ngoại nhập có chất lượng cao, được người tiêu dùng thế giới săn đón như bơ Úc, bơ Cuba, bơ Hass (Mỹ)… cùng với các loại bơ địa phương đã dàn trải mùa vụ thu hoạch loại trái cây này kéo dài quanh năm.
Theo số liệu của Cục Thống kê Đắk Lắk, toàn tỉnh hiện có hơn 14.860 ha cây ăn quả, trong đó diện tích trồng mới là hơn 2.860 ha, diện tích cho sản phẩm gần 7.150 ha, sản lượng bình quân hằng năm đạt 143.550 tấn. Cụ thể, diện tích bơ lớn nhất với hơn 4.300 ha, sản lượng hơn 35.540 tấn; sầu riêng 3.900 ha, gần 43.500 tấn; chuối gần 1.380 ha, 34.840 tấn; xoài khoảng 1.000 ha, hơn 5.200 tấn; mít khoảng 1.000 ha, gần 21.700 tấn…
Nguồn lợi lớn
Sự di thực của các loại cây ăn quả đến Đắk Lắk không chỉ góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đa dạng hóa nông sản địa phương mà còn góp phần thay đổi đời sống người dân các vùng nông thôn. Bởi nguồn lợi nhuận cây ăn quả mang lại vượt quá sự mong đợi, thậm chí có những thời điểm cây ăn quả vốn là cây trồng xen nhưng nó đã đem đến nguồn thu chính trên các mảnh vườn. Ông Đoàn Doãn Toản, Phó trưởng Phòng NN–PTNT huyện Krông Pắc chia sẻ, sầu riêng là một trong những loại cây ăn quả chủ lực của huyện với tổng diện tích khoảng 1.500 ha, tăng gần 1.000 ha so với năm 2004, năng suất bình quân ước đạt 18-25 tấn/ha (tùy vào mật độ trồng xen). Năm 2016, sầu riêng đem đến nguồn thu khoảng 500 tỷ đồng cho người dân địa phương, chiếm 1/7 tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện, năm 2017 tăng lên hơn 650 tỷ đồng.
Doanh nghiệp, nông dân, nhà khoa học, nhà quản lý cùng bàn giải pháp phát triển cây xoài bền vững ở huyện Ea Súp. |
Theo kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây nguyên thì sầu riêng xen canh cà phê đem lại nguồn lợi bình quân cho nông dân Tây Nguyên khoảng 200 triệu đồng/ha (tăng 76-299% so với vườn cà phê trồng thuần); bơ xen canh thu lợi trên 100 triệu đồng/ha (tăng 39-120%)… |
Tương tự, TP. Buôn Ma Thuột có khoảng 600 ha cây ăn quả các loại, chủ yếu là thanh long, sầu riêng, bơ, bưởi, cam sành… Theo đánh giá của Phòng Kinh tế thành phố, mỗi ha vườn cà phê xen canh bơ mang đến nguồn thu hơn 360 triệu đồng mỗi năm, xen canh sầu riêng hơn 450 triệu đồng… Đặc biệt, việc nông dân sản xuất thành công mô hình bưởi không hạt với khoản thu trên 1,5 tỷ đồng/ha đã tiếp thêm động lực cho nông dân tự tìm tòi, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Còn với huyện Ea Súp, các doanh nghiệp đầu tư mạnh vào cây ăn quả với các công nghệ, thiết bị sản xuất hiện đại đã hình thành nên những mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như chuối xen canh ca cao, chanh không hạt, xoài VietGAP, táo ngọt… Có thể nói, cây ăn quả đã mang đến luồng sinh khí mới vực dậy vùng đất khó “chưa mưa đã ngập, chưa nắng đã hạn” này.
Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh, trong khi các tiền đề cơ bản chưa được tạo dựng vững chắc khiến cây ăn quả tiềm ẩn nhiều rủi ro từ giống đến sản xuất, thị trường tiêu thụ.
(Còn nữa)
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc