Multimedia Đọc Báo in

Cựu thanh niên xung phong làm kinh tế giỏi

10:10, 24/07/2018

Từ phong trào thi đua “Cựu thanh niên xung phong (TNXP) nguyện nêu gương sáng học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều tấm gương cựu TNXP sản xuất, kinh doanh giỏi, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng quê hương giàu đẹp.

Trong số cựu TNXP làm kinh tế giỏi phải kể đến ông Trần Xuân Bình ở thôn 6, xã Hòa Khánh (TP. Buôn Ma Thuột). Ông Bình sinh ra và lớn lên tại huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh). Trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước, ông Bình đã xung phong vào lực lượng TNXP phục vụ trên tuyến đường Trường Sơn khi mới 18 tuổi.

Ông Trần Xuân Bình ở thôn 6, xã Hòa Khánh (TP. Buôn Ma Thuột) chăm sóc vườn cà phê xen bơ của gia đình.
Ông Trần Xuân Bình ở thôn 6, xã Hòa Khánh (TP. Buôn Ma Thuột) chăm sóc vườn cà phê xen bơ của gia đình.

Năm 1990, ông cùng vợ con rời quê hương Hà Tĩnh vào xã Hòa Khánh (TP. Buôn Ma Thuột) lập nghiệp. Thời gian đó, cuộc sống của gia đình ông Bình gặp rất nhiều khó khăn, phải làm nhiều nghề để mưu sinh. Sau 3 năm chắt chiu, dành dụm, ông Bình đã mua được 2 sào đất ở, đồng thời thuê 6 sào đất để trồng cà phê. Tuy nhiên, giá cà phê bấp bênh khiến gia đình ông gặp nhiều khó khăn. Năm 2000, ông Bình đã chuyển đổi 1.000 m2 đất của gia đình sang trồng 200 trụ tiêu. Nhờ chịu khó và biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt nên luôn đạt năng suất cao. Vườn tiêu phát triển xanh tốt, đạt sản lượng bình quân 6 tạ/năm. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, đến nay gia đình ông đã mở rộng diện tích đất sản xuất lên 1 ha cà phê trồng xen 300 trụ tiêu, 60 cây bơ Both. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm ông thu lãi từ 150-200 triệu đồng, giúp gia đình ông có đủ chi phí để trang trải cuộc sống, nuôi dạy con cái nên người và vươn lên thoát nghèo.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, với vai trò là Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã Hòa Khánh, ông Bình luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và đi đầu trong các hoạt động, phong trào của Hội. Ông luôn sâu sát địa bàn để nắm bắt tâm tư, tình cảm của hội viên; thường xuyên cập nhật thông tin về các chế độ, chính sách của Nhà nước đối với cựu TNXP. Trên cơ sở đó, ông kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương cùng Hội đồng chính sách xã xem xét, đề nghị cấp trên giải quyết các chế độ chính sách cho hội viên. Ngoài ra, ông cũng chú trọng đến hoạt động nghĩa tình đồng đội, quan tâm giúp đỡ những hội viên đặc biệt khó khăn trong cuộc sống, vận động các hội viên tích cực lao động sản xuất vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ông Lê Ngọc Anh ở thôn 10, xã Ea Ktur (huyện Cư Kuin) chăm sóc đàn heo của gia đình.
Ông Lê Ngọc Anh ở thôn 10, xã Ea Ktur (huyện Cư Kuin) chăm sóc đàn heo của gia đình.
 
“Đến nay, toàn tỉnh có 136 gia đình cựu TNXP làm kinh tế giỏi với doanh thu hằng năm từ 100 triệu đồng đến 3 tỷ đồng, chủ yếu kinh doanh dịch vụ thương mại, tăng gia sản xuất và chăn nuôi. Không chỉ làm giàu cho bản thân, họ còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, giúp đỡ các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo; góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh”.
 
Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Nguyễn Thị Tác

Còn ông Lê Ngọc Anh ở xã Ea Ktur (huyện Cư Kuin) lại chọn chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình. Ông Anh cũng từng là TNXP trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Sau khi xuất ngũ trở về quê ở huyện Thanh Chương (tỉnh Nghệ An), ông Anh lập gia đình, thấy cuộc sống ở quê khó khăn không đủ để nuôi 7 đứa con ăn học nên năm 1990, ông Chương đưa gia đình chuyển vào Tây Nguyên xây dựng kinh tế mới. Ban đầu, vợ chồng ông làm công nhân cho Công ty Cà phê Việt Đức và được giao khoán 1,3 ha cà phê. Năm 2001, ông Anh đã mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, mượn người thân, bạn bè để đầu tư liên kết nuôi heo với Công ty Chăn nuôi CP theo hình thức nuôi gia công. Từ nguồn vốn vay, ông đã xây dựng 3 trang trại nuôi heo rộng 3.000 m2, với tổng đàn 3.000 con. Nhờ nắm vững kỹ thuật nuôi và chăm sóc heo cùng với đầu ra ổn định, sau 5 năm chăn nuôi, gia đình ông đã trả được nợ và mở rộng quy mô chăn nuôi. Hiện thu nhập của gia đình ông mỗi năm sau khi trừ chi phí khoảng 1 tỷ đồng.

Mặc dù đã bước sang tuổi 70 nhưng ông Anh vẫn hăng say lao động. Với ông, còn sức khỏe thì còn làm, giúp ích cho gia đình và xã hội để làm gương cho con cháu học tập, noi theo. Khi kinh tế gia đình đã ổn định, ông cũng hay giúp đỡ những hội viên còn khó khăn bằng việc cho mượn tiền để đầu tư sản xuất, sửa chữa nhà cửa; chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, động viên các hội viên khác phát triển kinh tế…

Có thể thấy, với ý chí quyết tâm vượt qua khó khăn cùng sự sáng tạo, tìm tòi trong lao động, sản xuất, cựu TNXP Trần Xuân Bình và Lê Ngọc Anh là những điển hình trong việc vươn lên làm giàu chính đáng từ sức lao động, trí tuệ của bản thân.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.