Multimedia Đọc Báo in

Những "cầu nối" giúp người nghèo tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi

08:59, 05/07/2018

Trong thời gian qua, các tổ chức hội, đoàn thể huyện M’Đrắk đã phát huy tốt vai trò của mình là những “cầu nối” đứng ra ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giúp nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn có thể tiếp cận gần hơn với nguồn vốn tín dụng chính sách, có vốn đầu tư sản xuất, nâng cao thu nhập.

Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện M’Đrắk hiện quản lý 80 tổ tín dụng tiết kiệm, tín chấp hơn 114,4 tỷ đồng cho hội viên và nhân dân vay phát triển sản xuất.  Hội đã tích cực phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tổ chức các lớp tập huấn quy trình nghiệp vụ cho vay; thường xuyên đánh giá phân loại, kịp thời kiện toàn các tổ tiết kiệm và vay vốn yếu, kém; chỉ đạo hội phụ nữ cơ sở, các tổ tiết kiệm và vay vốn làm tốt công tác bình xét cho vay đảm bảo công khai, dân chủ, đúng đối tượng. Qua đánh giá, có 74 tổ tín dụng tiết kiệm do Hội LHPN quản lý xếp loại tốt (chiếm 92,5%), 6 tổ xếp loại khá (chiếm 7,5%), đặc biệt không có tổ tín dụng tiết kiệm xếp loại yếu kém. Nhờ được hỗ trợ vốn, nhiều hội viên phụ nữ đã có điều kiện phát triển sản xuất, có nguồn thu nhập ổn định. Điển hình như gia đình chị H’Lét Byă (buôn M’O, xã Ea Trang) trước đây thuộc diện đói nghèo của buôn, ruộng rẫy thì nhiều nhưng không có vốn đầu tư sản xuất, việc áp dụng khoa học kỹ thuật, cây, con giống mới để  nâng cao hiệu quả cây trồng, vật nuôi cũng chưa cao. Năm 2012, Chi hội Phụ nữ buôn M’O và Hội LHPN xã Ea Trang đã đứng ra tín chấp giúp chị H’Lét vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Có vốn, gia đình chị H’Lét đã đầu tư trồng 2 ha rừng nguyên liệu giấy; đưa các giống lúa mới, giống sắn cho năng suất cao vào trồng trên 2 sào ruộng, 1 ha rẫy của gia đình. Đến nay, gia đình chị đã từng bước thoát nghèo, ổn định kinh tế.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện M’Đrắk (thứ hai từ trái sang) kiểm tra hiệu quả  nguồn vốn vay  tại một hộ nông dân ở buôn M’Suốt, xã Krông Jing.  Ảnh: T. Diệp
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện M’Đrắk (thứ hai từ trái sang) kiểm tra hiệu quả nguồn vốn vay tại một hộ nông dân ở buôn M’Suốt, xã Krông Jing.

Hội Nông dân huyện M’Đrắk hiện có trên 11.000 hội viên sinh hoạt ở 13 cơ sở hội, 173 chi hội. Trong những năm qua, cùng với vận động hội viên nông dân phát huy tinh thần tự chủ, năng động phát triển kinh tế, Hội Nông dân huyện đã làm tốt công tác nhận ủy thác nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, tạo điều kiện cho nhiều hội viên có vốn đầu tư làm kinh tế gia đình, từng bước vươn lên thoát nghèo. Để bảo đảm an toàn và phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, Hội Nông dân huyện  đã chủ động phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ đạo các cấp hội ở các xã, thị trấn rà soát, lựa chọn phân công cán bộ thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ số hộ vay; chủ động phối hợp với cán bộ tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội cùng các tổ tiết kiệm và vay vốn thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng vốn vay bảo đảm đúng mục đích. Đến nay, tổng dư nợ vay do Hội Nông dân huyện M’Đrắk quản lý gần 100 tỷ đồng, với 78 tổ tiết kiệm và vay vốn. Từ nguồn vốn tín dụng đã giúp cho nhiều gia đình hội viên nông dân giải quyết được những khó khăn, có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế. Gia đình ông Nông Văn Hải (thôn Đắk Phú, xã Cư Prao) là một trong những trường hợp được Hội Nông dân huyện đứng ra tín chấp cho vay vốn. Nhờ số vốn hơn 10 triệu đồng được vay từ nguồn vốn vay hộ sản xuất vùng khó khăn, gia đình ông Hải đã xây dựng mô hình VAC trên diện tích ban đầu hơn 1 ha. Đến nay, gia đình ông Hải đã có thu nhập ổn định 150 triệu đồng/năm  từ 5 ha trồng mía, 5.000 m2  ao cá, 4 con bò.

Ông Hồ Xuân Dựng, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện M’Đrắk cho biết: Đến nay, tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn huyện là hơn 322,8 tỷ đồng. Trong đó, Hội LHPN hơn 114,4 tỷ đồng; Hội Cựu chiến binh 63,347 tỷ đồng; Hội Nông dân gần 100 tỷ đồng; Đoàn Thanh niên trên 48 tỷ đồng. Các tổ chức hội, đoàn thể đã làm tốt vai trò “cầu nối” giúp những hộ nghèo, hộ khó khăn được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách; quản lý tốt nguồn vốn, giúp nhiều hộ sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả, từ đó nâng cao thu nhập và thoát nghèo bền vững. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện M’Đrắk hiện giảm còn 7.362 hộ (tỷ lệ 41,1%); cận nghèo 2.582 hộ (tỷ lệ 14,2%).

                Thúy Diệp


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.