Nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp
Thời gian qua, Đắk Lắk được đánh giá là một trong những địa phương có nhiều hành động thiết thực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển của doanh nghiệp (DN).
Từ những sự cầu thị
Sau gần 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP, ngày 16-5-2016 của Chính phủ và Bản cam kết “Tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN” đã ký giữa UBND tỉnh với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Đắk Lắk đã có nhiều hành động cụ thể, quyết liệt để cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN và thúc đẩy thu hút đầu tư. Thế nhưng, kết thúc năm 2017 nhiều chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Đắk Lắk đã bị tụt giảm và có dấu hiệu tụt hậu so với cả nước. Ngay sau khi Chỉ số PCI năm 2017 được công bố, UBND tỉnh đã tổ chức đánh giá lại kết quả cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ và phát triển DN; đồng thời lắng nghe những đánh giá và chia sẻ của VCCI về vấn đề này. Trên cơ sở đó, ngày 12-6-2018, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-UBND về tăng cường cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao Chỉ số PCI nhằm đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để cải thiện những chỉ số giảm điểm/giảm thứ hạng, cũng như duy trì và nâng cao các chỉ số tăng điểm/tăng thứ hạng của tỉnh. Theo Giám đốc VCCI Đà Nẵng Nguyễn Tiến Quang, đây là những động thái cho thấy sự cầu thị của tỉnh trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN. Bởi thực tế, tương tự như các địa phương khác trong cả nước, việc nâng cao Chỉ số PCI luôn được lãnh đạo cấp tỉnh quan tâm, nhưng lại chưa có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp thực thi. Do đó, việc UBND tỉnh kịp thời lắng nghe những góp ý của VCCI và điều chỉnh chương trình hành động phù hợp với thực tế là hết sức cần thiết.
Chế biến mủ cốm cao su tại Công ty TNHH MTV Cao su Krông Búk. Ảnh: M.Thông |
Ông Nguyễn Tuấn Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh
|
Mới đây nhất, tại phiên họp triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018 của UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà cũng đã tiếp tục kêu gọi các cấp, ngành trong tỉnh nỗ lực hơn nữa trong việc cải thiện môi trường kinh doanh thông qua việc siết chặt kỷ cương hành chính và hỗ trợ DN, nhất là DN mới thành lập. Theo ông Nguyễn Tuấn Hà, làm tốt được những việc trên sẽ góp phần tạo động lực quan trọng để kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Đến hành động thực tế
Nỗ lực, quyết tâm của lãnh đạo tỉnh đã từng bước đưa việc cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN vào hành động của các cấp, ngành trong tỉnh. Theo đánh giá của Sở Kế hoạch – Đầu tư, việc cải thiện môi trường kinh doanh ở từng cấp, ngành đã có những bước cải thiện đáng kể. Chẳng hạn về cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan đã thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và trong quý II-2018, Sở Xây dựng đã rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng từ 30 ngày theo quy định xuống còn 12 ngày. Về lĩnh vực thuế, Cục Thuế tỉnh đã triển khai thực hiện kê khai thuế qua mạng, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử, khuyến khích các DN sử dụng hóa đơn điện tử… tạo thuận lợi và giảm thiểu chi phí khi thực hiện nghĩa vụ thuế cho DN. Đến nay đã có 100% DN kê khai thuế qua mạng; 99,67% DN đăng ký nộp thuế điện tử với các ngân hàng thương mại; 99,61% số tiền thuế nộp vào ngân sách Nhà nước được thực hiện qua giao dịch điện tử; 22 DN sử dụng hóa đơn điện tử. Về lĩnh vực Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã tổ chức tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích (DN không phải trả phí) và đã có 1.381 đơn vị thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử, chiếm 31,6% tổng số đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh. Hay như lĩnh vực Hải quan, Cục Hải quan tỉnh đã thực hiện, duy trì, giám sát và vận hành Hệ thống VNACCS/VCIS (Hệ thống thông quan tự động và cơ chế một cửa Quốc gia) ổn định, an toàn và bảo đảm 100% tờ khai, 100% DN đáp ứng điều kiện được khai báo qua hệ thống này. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay đã có trên 200 DN với trên 7 nghìn tờ khai xuất - nhập khẩu và trên 818 triệu USD xuất – nhập khẩu được thông quan trên Hệ thống VNACCS/VCIS…
Dây chuyền sản xuất bia chai của Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Miền Trung. |
Những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN đã tác động và cho thấy kết quả trực tiếp thông qua tình hình hoạt động của DN trên địa bàn. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 488 DN dân doanh đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký 2.697 tỷ đồng. Ngoài ra còn có 55 chi nhánh, 23 văn phòng đại diện của các DN trong và ngoài tỉnh đăng ký hoạt động, 138 DN hoạt động trở lại sau một thời gian tạm ngừng, nghỉ kinh doanh. Đáng lưu ý, ngoài số DN trên, thời gian gần đây đã có 688 DN ngoài tỉnh đăng ký hoạt động tại Đắk Lắk theo hình thức thành lập chi nhánh, trong đó nhiều DN quy mô lớn, có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nếu tính cả các đơn vị này, toàn tỉnh hiện có tất cả 7.877 DN đang hoạt động.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc