Multimedia Đọc Báo in

Nông dân Krông Bông lo lắng vì giá dứa giảm mạnh

08:51, 04/07/2018

Hiện nay, nông dân các xã vùng sâu huyện Krông Bông đang bước vào thu hoạch dứa. Tuy nhiên, điệp khúc “được mùa, mất giá” lại tiếp diễn khiến cho bà con nông dân ở đây đối mặt với nguy cơ một mùa “dứa đắng”.

Theo thống kê, vụ dứa năm nay toàn xã Cư Đrăm có 185 ha, trong đó 143,2 ha đã thu hoạch. Song theo lãnh đạo xã Cư Đrăm, trên thực tế diện tích cây dứa của xã còn cao hơn nhiều. Diện tích tăng, năng suất, sản lượng cũng tăng so với năm trước, nhưng giá cả lại giảm rất nhiều so với cùng kỳ, làm ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của bà con nông dân. Ông Trần Văn Lợi (ở thôn 1, xã Cư Đrăm) có mấy người con trai, con rể đã trồng dứa nhiều năm nay với diện tích khoảng hơn 2 ha. Những năm trước, giá dứa cao nên thu nhập của gia đình rất khá. Năm nay giá dứa xuống quá thấp nên thu nhập giảm rất nhiều. Ông Lợi cho biết: “Năm ngoái, gia đình các con thu được hơn 500 triệu đồng từ bán dứa và bán giống dứa. Năm nay đầu vụ, dứa loại 1 cũng bán được khoảng 15.000 đồng/quả nhưng chỉ được mấy hôm. Đến thời điểm hiện tại, giá giảm mạnh, chỉ còn khoảng 4.000 – 5.000 đồng/quả. Nếu bán hết dứa, gia đình cũng chỉ thu được khoảng 1/3 số tiền so với năm trước trong khi chi phí năm nay lại cao hơn nhiều”.

Số dứa mới thu hoạch của gia đình ông Ama Nghiệp (buôn Chàm B, xã Cư Đrăm).
Số dứa mới thu hoạch của gia đình ông Ama Nghiệp (buôn Chàm B, xã Cư Đrăm).

Thôn 2 có diện tích dứa lớn nhất của xã Cư Đrăm với gần 80 ha. Do mấy năm gần đây giá dứa tăng cao trong khi giá hồ tiêu, cà phê, sắn xuống thấp nên bà con đổ xô sang trồng dứa khiến diện tích vượt nhiều so với quy hoạch. Cung vượt quá cầu nên việc tiêu thụ khó, giá cả xuống thấp, phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Anh Trần Hữu Sử ở thôn 2 (Cư Đrăm) lo ngại: “Dứa đầu vụ bán được giá. Thời điểm này thu hoạch đại trà nhưng giá xuống thấp, chỉ bằng 1/3 so với đầu vụ. Dù giá thấp cũng phải bán vì dứa chín hái về chỉ để được vài ngày, nếu không bán được thì chỉ có bỏ đi”.

Ở xã Yang Mao, vụ này cũng có gần 40 ha dứa cho thu hoạch song cũng chịu tình trạng chung về giá cả. Điều đáng lo ngại là mặc dù biết giá xuống thấp, đầu ra không ổn định nhưng bà con nông dân xã Yang Mao vẫn tiếp tục đăng ký trồng mới gần 30 ha dứa từ nguồn vốn hỗ trợ của Dự án giảm nghèo Tây Nguyên. Ông Trần Kim Phụng, Phó Chủ tịch UBND xã Yang Mao nói: “Cán bộ phụ trách Dự án của xã đã tổ chức họp, tư vấn và khuyến cáo bà con nông dân về tình hình giá cả, đầu ra của quả dứa. Tuy nhiên hiện nay nhiều hộ vẫn tiếp tục đăng ký trồng dứa”.

       Dứa nhỏ không bán được nên bà con chặt nhỏ cho bò ăn.
Dứa nhỏ không bán được nên bà con chặt nhỏ cho bò ăn.

Giá thấp nhưng việc tiêu thụ dứa cũng gặp rất nhiều khó khăn. Một số hộ không bán được cho thương lái phải mang ra chợ bán lẻ, hoặc phải chở đi bán dạo ở các địa phương khác. Chỉ một số hộ có thương lái là bạn hàng lâu năm thì việc bán dứa mới dễ dàng hơn song giá cả phụ thuộc vào thương lái quyết định, khi thương lái nhập dứa và bán dứa cho các chợ đầu mối được bao nhiêu tiền thì mới báo giá cho các hộ bán dứa.

Tuy đã được dự báo về đầu ra của cây dứa nhưng hai năm qua, bà con nông dân ở các xã vùng sâu của huyện Krông Bông vẫn tiếp tục tăng diện tích vì thấy hiệu quả kinh tế, lợi nhuận trước mắt mà cây dứa mang lại. Lãnh đạo các địa phương này cũng đang “đau đầu” tìm đầu ra cho sản phẩm cho bà con. Trước mắt, các địa phương cũng chỉ biết khuyến cáo bà con không nên mở rộng diện tích mà nên chú trọng đến việc chăm sóc, bảo đảm về chất lượng quả dứa. Ông Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch UBND xã Cư Đrăm chia sẻ: “Dù đã cảnh báo cho bà con nông dân những diễn biến khó lường về giá cả, đầu ra của cây dứa song hiện nay lãnh đạo địa phương cũng đang loay hoay, chưa tìm được các loại cây trồng phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế, đầu ra ổn định để khuyến khích bà con chuyển đổi”. 

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.