Cần sớm đẩy lùi nạn "tín dụng đen"
08:33, 24/08/2018
Dòng “tín dụng đen” chưa bao giờ ngừng “chảy” trong đời sống kinh tế - xã hội. Thế nhưng, cũng chưa khi nào, “tín dụng đen” lại hoạt động mạnh và gây nhiều hệ lụy nhức nhối như thời gian gần đây.
Từ những… “ngân hàng cột điện”
Ngày nay khi ra đường, từ nông thôn đến thành thị người ta không khó để bắt gặp những lời mời chào vay tiền trên… cột điện. Tờ rơi quảng cáo được dán chằng chịt với những nội dung như: “Alo là có”, “Vay không cần thế chấp”, “Hỗ trợ vay vốn”, “Cho vay tiền góp”… tất cả đều được đính kèm cam kết “Thủ tục đơn giản” và số điện thoại liên lạc. Chưa kể một số quảng cáo còn ghi chú thêm “Có hoa hồng cho người giới thiệu” và những “khuyến mãi” khác.
Theo số điện thoại được dán trên cột điện, phóng viên đã tiếp cận một nơi cho vay như vậy. Rất nhanh chóng và chuyên nghiệp, người cho vay tiền giới thiệu các “gói tín dụng” để người vay tiền lựa chọn. Với bất kỳ “gói” vay nào thì thủ tục cũng rất đơn giản khi người đi vay chỉ cần cung cấp một trong số giấy tờ liên quan như: chứng minh nhân dân, hộ khẩu, giấy đăng ký kinh doanh, hóa đơn điện nước… là có thể được nhận tiền vay ngay trong ngày, thậm chí ngay sau vài tiếng đồng hồ thỏa thuận được ký kết.
Hợp đồng cho vay cũng được soạn thảo sẵn và một trong những yếu tố khiến người vay tiền dễ bị “sa bẫy” nhất là lãi suất được ghi là “thỏa thuận”. Thế nhưng khi tìm hiểu cụ thể hơn, “gói” vay có lãi suất thấp nhất mà những nơi này đưa ra cũng ở mức 0,5%/ngày (15%/tháng). Nói là thấp, nhưng mức lãi trên cũng đã gấp hơn mười lần lãi suất ngân hàng hiện hành. Trong khi đó, hầu hết các nơi cho vay khác đều giới thiệu mức lãi thấp nhất là 3 nghìn đồng/triệu đồng/ngày, cao hơn có thể lên đến 10 nghìn đồng/triệu đồng/ngày (tương ứng 30%/tháng).
Tờ rơi quảng cáo cho vay tiền dán hàng loạt trên các cột điện. |
Mức lãi cao là một chuyện, cách tính lãi mới là điều khiến nhiều người đi vay phải “tán gia bại sản”, đó là kiểu “lãi mẹ đẻ lãi con” (hiểu đơn giản là hết kỳ tính lãi thì số lãi sẽ được cộng vào vốn ban đầu để hình thành vốn mới và lãi kỳ sau tính trên vốn mới đó) dẫn đến trong thời gian ngắn số tiền gốc lẫn lãi tăng gấp nhiều lần và nhiều người khi “vướng” vào sẽ mất khả năng chi trả. Lúc đó, bên cho vay sẽ có nhiều cách khác nhau để thu hồi khoản nợ, trong đó có những cách rất cực đoan mà thời gian qua báo chí đã phản ánh, cơ quan công an đã triệt phá. Ngoài trả lãi hàng tháng, người đi vay nếu muốn vay thời gian ngắn được chọn trả lãi hằng ngày, nhưng lại không quy ra lãi suất cụ thể mà buộc phải trả một số tiền nhất định. Đây cũng là kiểu cho vay “cắt cổ” mà giới “tín dụng đen” hay áp dụng.
Cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành
“Ngân hàng cột điện” như cách nói của nhiều người chỉ là một trong những ví dụ điển hình của các hình thức “tín dụng đen”. Bởi hiểu một cách đơn giản nhất, “tín dụng đen” là dạng huy động và cho vay tín dụng không thông qua hệ thống ngân hàng, không đăng ký kinh doanh cũng như chưa được cấp phép và chịu sự quản lý chính thức bởi bất cứ cơ quan quản lý nhà nước nào. Với cách hiểu đó, hiện nay có hàng loạt hình thức cho vay như: cầm đồ, vay tiêu dùng, vay trả góp… mà bản chất là biến tướng của “tín dụng đen”.
Theo Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk Tăng Hải Châu, “tín dụng đen” đang là thực trạng nhức nhối cần sớm phải được xóa bỏ. Thế nhưng hình thức tín dụng này hiện đã được biến tướng và hoạt động rất tinh vi, gây khó khăn không nhỏ cho các cơ quan quản lý. Về phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk (NHNN) đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân, nhất là nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, khó tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng chính thống. Song song đó, NHNN cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng phải đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường hỗ trợ người dân trong việc thực hiện các thủ tục vay vốn. Đồng thời khuyến khích hệ thống ngân hàng, nhất là hệ thống Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) và Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục mở rộng kênh phân phối, hình thức hỗ trợ vốn, lãi suất… để người dân thuận lợi nhất trong việc tiếp cận vốn vay.
Trong thực tế, theo đại diện Agribank Chi nhánh Đắk Lắk, thời gian qua hệ thống Agribank đã có rất nhiều biện pháp để hỗ trợ khách hàng khu vực nông thôn - nơi dễ phát sinh tình trạng “tín dụng đen” - như cải cách thủ tục vay vốn theo hướng nhanh, gọn; cho vay theo tổ, nhóm; mở rộng kênh phân phối vốn đến tận thôn, buôn… Tuy nhiên, khó khăn nhất đối với người dân khi vay vốn tại các ngân hàng, không riêng gì Agribank, là không có tài sản đảm bảo. Trong khi đó, đối với Ngân hàng Chính sách xã hội, mặc dù không “vướng” nhiều ở tài sản bảo đảm, nhưng việc xét duyệt đối tượng được vay cũng cần một khoảng thời gian nhất định.
Với những khó khăn đó, nhiều người cần tiền gấp đã “cắn răng” cậy đến “tín dụng đen” và họ cũng là “con mồi” ưa thích của hình thức tín dụng này. Do đó, bên cạnh nỗ lực của ngành Ngân hàng, để từng bước đẩy lùi nạn “tín dụng đen” các cấp, các ngành cần tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân về những hệ lụy của “tín dụng đen”; đồng thời đẩy mạnh công tác kiểm soát thị trường, kiểm soát trật tự an toàn xã hội… Đặc biệt, cần tạo điều kiện để nhân dân, nhất là nhân dân vùng sâu, vùng xa hợp pháp hóa tài sản của mình theo quy định của pháp luật để có đủ điều kiện vay vốn tại ngân hàng, tránh phải tìm đến nguồn vốn “tín dụng đen”.
Quốc Anh
Ý kiến bạn đọc