Cần sớm hoàn tất việc đóng cửa mỏ đá Ea Na
09:06, 16/08/2018
Sau 7 năm, Công ty TNHH Lâm Phong đã ngừng hoạt động khai thác tại mỏ đá Ea Na (xã Dray Sáp, huyện Krông Ana), nhưng đến nay doanh nghiệp này vẫn chưa hoàn thành các thủ tục đóng mỏ. Điều này gây nhiều khó khăn cho địa phương khi tiếp nhận bởi chẳng thể làm gì trước “hiện trường” mà đơn vị này bỏ lại.
Theo Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Krông Ana, khu vực mỏ đá nằm trong thung lũng, địa hình khá bằng phẳng, là mỏ đá lộ thiên, có điều kiện khai thác khá thuận lợi. Công ty TNHH Lâm Phong được UBND tỉnh cho phép khai thác đá xây dựng tại mỏ đá này (theo Quyết định số 1699/QĐ-UBND, ngày 23-7-2007) với diện tích 39.821 m
2. Mục tiêu đầu tư khai thác mỏ của công ty này chủ yếu phục vụ nguyên liệu đá thi công công trình đường giao thông trong Dự án thủy điện Buôn Kuôp và các công trình hạ tầng huyện Krông Ana.
Trước khi được cấp quyền khai thác, Công ty cũng đã có bản cam kết bảo vệ, phục hồi môi trường khu vực mỏ sau khai thác, bao gồm: san lấp mặt bằng, trồng cây xanh, trồng cây phục hồi rừng trên diện tích mặt bằng khu vực khai thác… Công ty cũng đã tiến hành ký quỹ phục hồi môi trường với số tiền gần 97,6 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi hết thời hạn khai thác vào ngày 30-7-2011 đến nay, Công ty vẫn để nguyên hiện trạng mỏ đá sau khai thác với rất nhiều hố sâu trên 10 m.
Khu vực mỏ đá đang bị bỏ hoang vì Công ty TNHH Lâm Phong chưa làm các thủ tục đóng mỏ. |
Mặc dù UBND tỉnh đã có văn bản thu hồi diện tích khu vực mỏ đá giao về cho địa phương quản lý, bố trí, sử dụng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (tại Quyết định số 540/QĐ-UBND, ngày 13-3-2014) nhưng với hiện trạng khu vực mỏ đá mà doanh nghiệp này sau khai thác bỏ lại thì chính quyền địa phương nơi đây gần như “bó tay”, không biết sử dụng vào việc gì.
Tháng 3-2015, căn cứ trên Công văn 39/CV-CT, ngày 20-1-2015 của Công ty TNHH Lâm Phong đồng ý để chính quyền huyện Krông Ana thu hồi khoản tiền ký quỹ (gần 97,6 triệu đồng) tại Quỹ Đầu tư và phát triển Đắk Lắk để thực hiện phục hồi môi trường tại mỏ đá, UBND huyện Krông Ana đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo xử lý.
Theo văn bản 491/STNMT-KS, ngày 5-4-2016 của Sở Tài nguyên - Môi trường tham mưu UBND tỉnh xử lý vụ việc trên chỉ rõ: khi hết thời hạn khai thác, Công ty TNHH Lâm Phong tiến hành lập đề án đóng cửa mỏ trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, trên cơ sở đề nghị của UBND huyện và tình hình thực tế ký quỹ của doanh nghiệp, Sở Tài nguyên - Môi trường đề nghị UBND tỉnh cho phép huyện kêu gọi nhà đầu tư thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường tại mỏ đá. Sau khi hoàn thành công tác cải tạo phục hồi, UBND huyện Krông Ana cùng Công ty Lâm Phong có trách nhiệm nghiệm thu khối lượng để có cơ sở đề xuất Quỹ Đầu tư và phát triển hoàn trả số tiền ký quỹ theo quy định.
Những hồ nước sâu sẽ gây nguy hiểm nếu không được đưa vào quản lý sử dụng hợp lý. |
Ngay sau đó, tại văn bản số 3054/UBND-TNMT, ngày 25-4-2016, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên - Môi trường yêu cầu Công ty Lâm Phong phải lập thủ tục đóng mỏ theo quy định, trường hợp công ty không thực hiện, đồng ý để UBND huyện Krông Ana kêu gọi đầu tư để thực hiện. Để có cơ sở kêu gọi nhà đầu tư, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên - Môi trường phối hợp với UBND huyện xác định cụ thể kinh phí thực hiện, nếu kinh phí đã ký không đủ để thực hiện thì Sở Tài nguyên - Môi trường và UBND huyện xác định rõ nguồn kinh phí bổ sung, trình UBND tỉnh xem xét. Thế nhưng, việc đóng mỏ đá đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Lý giải về những khó khăn, ông Nguyễn Đình Hữu, Phó Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Krông Ana cho biết, sau nhiều năm Công ty Lâm Phong không thực hiện theo văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh hoàn tất các thủ tục đóng cửa mỏ theo quy định, UBND huyện cũng đã kêu gọi các nhà đầu tư, nhưng do số tiền ký quỹ của Công ty hiện nay không đủ kinh phí để lập đề án đóng cửa mỏ nên các đơn vị không ai thiết tha. Chính vì vậy, đến nay gần 4 ha của mỏ đá với nhiều hồ và hố sâu chưa thể đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương, vừa ảnh hưởng tới môi trường vừa gây nguy hiểm cho người dân. Huyện cũng đang chờ tỉnh có ý kiến xử lý để đưa diện tích này vào quản lý, sử dụng tránh lãng phí quỹ đất.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc