Để người Việt tin dùng hàng Việt: Còn nhiều việc phải làm
08:20, 24/08/2018
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” triển khai trên địa bàn đã thu hút đông đảo người dân hưởng ứng, doanh nghiệp (DN) tham gia. Tuy nhiên, về lâu dài, vẫn còn nhiều việc phải làm để xây dựng niềm tin vững chắc cho hàng Việt.
Thêm sức lan tỏa cho hàng Việt
Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã góp phần hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa trong nước và bình ổn thị trường, hình thành thói quen tiêu dùng hàng Việt thay thế hàng nhập ngoại. Đáng nói hơn, thông qua cuộc vận động, chất lượng và giá cả hàng hóa của DN Việt đang dần làm hài lòng khách hàng, người dân từng bước “nói không” với hàng hóa không rõ nguồn gốc, trôi nổi, kém chất lượng.
Sở Công thương nhận định, nhiều DN của tỉnh cũng đã mở rộng mạng lưới phân phối hàng Việt về vùng nông thôn, tổ chức những chuyến bán hàng lưu động. Một số siêu thị trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột còn tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi, tri ân khách hàng nhằm kích thích tiêu dùng hàng Việt. Điển hình như vào dịp lễ, Tết, các siêu thị như Co.opmart, Vinmart Buôn Ma Thuột đưa ra chương trình khuyến mãi, giảm giá lên đến 50%, trong đó, “điểm nhấn” là các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường do trong nước sản xuất.
Khách hàng tham quan, tìm hiểu sản phẩm tại phiên chợ hàng Việt ở huyện Krông Năng. |
Trong khi đó, Chương trình “Đưa hàng Việt về miền núi” - là một trong những chương trình trọng điểm của cuộc vận động cũng được tổ chức đều đặn mỗi năm trên địa bàn. Riêng trong năm 2018, đã có 3 phiên chợ tại các huyện Ea H’leo, Krông Năng, Ea Kar, với 176 gian hàng của 867 lượt DN tham gia, doanh số bán hàng đạt 1,42 tỷ đồng. Đây là cơ hội để nhà sản xuất trong nước nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng, thông qua đó định hướng sản xuất phù hợp nhu cầu thị trường.
Để có địa chỉ mua sắm hàng Việt Nam chính hãng, có chất lượng cho đông đảo người tiêu dùng, mô hình điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” đầu tiên trên địa bàn tỉnh được Bộ Công thương hỗ trợ ngành chức năng của tỉnh xây dựng từ tháng 6-2017 tại Siêu thị Mường Thanh (phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột). Khu vực bán hàng này có diện tích 100 m2 và 100% là hàng Việt Nam chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo bà Châu Thị Hồng Nhung, Giám đốc Siêu thị, hơn một năm triển khai, điểm bán hàng Việt đã nhận được sự quan tâm của nhiều người tiêu dùng. Tại đây hiện có hơn 4.000 chủng loại, mặt hàng bày bán phong phú, đa dạng, trong đó có nhiều sản phẩm của địa phương như mật ong, tiêu, rượu cần Y Miên, rượu Ama Kông, trà thảo dược Xuân Sang, cà phê Kinh Châu... được nhiều người tiêu dùng tin tưởng chọn mua và có sức tiêu thụ khá mạnh.
Có thể nói, những hoạt động trên đã góp phần làm cho Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” triển khai trên địa bàn tỉnh đã và đang phát huy tác dụng. Điều này cũng tạo cơ hội cho thị trường hàng hoá bán lẻ nội địa lan tỏa trong cộng đồng dân cư.
Để cuộc vận động đi vào chiều sâu
Niềm tin của người Việt dành cho hàng sản xuất trong nước đang ngày được cũng cố, cuộc vận động đã thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân và tư duy sản xuất của DN. Tuy nhiên, về lâu dài, vẫn còn nhiều việc phải làm để xây dựng niềm tin vững chắc cho hàng Việt.
Người tiêu dùng tìm hiểu về sản phẩm của Trà thảo dược Xuân Sang (huyện Ea Kar) ở phiên chợ hàng Việt tại huyện Ea H’leo năm 2018. |
Trên thực tế, lòng tự tôn dân tộc khiến nhiều người vẫn giữ tâm lý “ưu tiên” sử dụng hàng Việt, bản thân tiểu thương trên địa bàn cũng cho biết, rất muốn bán hàng trong nước sản xuất, nhưng họ lại không có nhiều lựa chọn. “Điểm trừ” của hàng hóa do các DN trong nước sản xuất là chậm cải tiến, đổi mới mẫu mã, sản phẩm chưa thật sự quảng bá mạnh mẽ, chủng loại không đa dạng, bao bì chưa bắt mắt...
Để “tiếp sức” cho hàng Việt, thời gian qua, các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực tuyên truyền cũng như đẩy mạnh các hoạt động nhằm quảng bá và tạo cơ hội cho người dân tiệm cận hơn với các sản phẩm hàng hóa trong nước. Tuy nhiên, sức lan tỏa của các hoạt động trên vẫn chưa như kỳ vọng. Vẫn còn một số phiên chợ diễn ra trên địa bàn tỉnh người dân đến tham quan là chính, họ chỉ xem chứ chưa dành nhiều quan tâm đến vấn đề mua sắm. Trên thực tế, hầu hết các DN tham gia đều chưa đưa những sản phẩm đa dạng, vẫn thiếu những DN có thương hiệu mang sản phẩm đi chào hàng. Bản thân DN thì chỉ đặt cao vấn đề quảng bá sản phẩm là... “may lắm” rồi, còn hầu hết là các chuyến đi không đạt về mặt thương mại.
Riêng mô hình “Điểm bán hàng Việt” được triển khai tại tỉnh hơn một năm qua đã tạo điều kiện cho người dân có cơ hội tiếp cận với các sản phẩm hàng hóa nội có chất lượng. Tuy nhiên, tại địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, người dân ít nhiều đã có địa chỉ để lựa chọn hàng Việt, như Siêu thị Co.opmart, Vinmart Buôn Ma Thuột cũng đang bày bán trên 80% hàng hóa là do trong nước sản xuất. Trong khi đó, ở những vùng nông thôn, người tiêu dùng lại không có nhiều cơ hội tiếp cận, sử dụng nhiều sản phẩm hàng Việt có uy tín, chất lượng. Trong lúc người tiêu dùng ở phân khúc thị trường này còn thiếu và yếu về thông tin, sản phẩm hàng nội thì thiết nghĩ, điểm bán hàng Việt rất cần được mở rộng về các vùng nông thôn hơn là thị thành. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, vận động cần được làm thường xuyên và đi vào chiều sâu. Bởi, đây sẽ là tiền đề quan trọng, tạo đà để xây dựng nếp sống, thói quen dùng hàng Việt trong cộng đồng dân cư.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc