Multimedia Đọc Báo in

Diện mạo mới của hợp tác xã nông nghiệp

08:31, 03/08/2018

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, ngày 5-8-2008, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, diện mạo kinh tế hợp tác xã (HTX) lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc.

Tăng cả số lượng và chất lượng

Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, thời gian qua, HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, hoạt động sản xuất, kinh doanh ngày càng thực chất, hiệu quả. Cụ thể, toàn tỉnh hiện có 235 HTX nông nghiệp, tăng 131 HTX so với năm 2008, tài sản bình quân hơn 2,3 tỷ đồng (tăng 144%), doanh thu bình quân đạt 2,5 tỷ đồng/năm (tăng 198%), thu nhập bình quân của thành viên đạt 30 triệu đồng/năm (tăng 167%); tỷ lệ cán bộ HTX được đào tạo từ trung cấp đến đại học đạt 37% (tăng 150%). Các HTX nông nghiệp chủ yếu làm dịch vụ hỗ trợ thành viên trong việc cung ứng giống, phân bón, vật tư nông nghiệp, tưới tiêu, làm đất, thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm. Hiện có 62 HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh. Trong đó, 16 chuỗi liên kết cung cấp dịch vụ đầu vào, 10 liên kết tiêu thụ sản phẩm đầu ra và 36 liên kết vừa cung cấp dịch vụ đầu vào, vừa bao tiêu sản phẩm đầu ra. Qua sự liên kết này đã hình thành những vùng chuyên canh sản xuất cà phê, lúa gạo, mía, ca cao, mắc ca, rau theo quy mô lớn và mang tính hàng hóa. Bên cạnh đó, nhiều HTX đã đổi mới phương thức hoạt động theo hướng sản xuất kinh doanh tổng hơp, đa ngành nghề, kết hợp giữa dịch vụ với sản xuất, chế biến và kinh doanh nông sản, hỗ trợ thành viên ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, hiệu quả kinh tế cao. Một số HTX nông nghiệp điển hình như HTX Nông nghiệp dịch vụ 714 (huyện Ea Kar) đầu tư xây dựng trạm xăng dầu phục vụ các thành viên và người dân trong vùng; HTX Nông nghiệp dịch vụ Công bằng Ea Kiết (huyện Cư M’gar) và HTX Dịch vụ nông nghiệp Công bằng Ea Kmat Hòa Đông (huyện Krông Pắc) đầu tư dây chuyền chế biến cà phê chất lượng cao; HTX Nông nghiệp mắc ca Tân Định (huyện Krông Năng) nghiên cứu và ứng dụng dây chuyền sấy, tách vỏ mắc ca và xây dựng nhãn hiệu hàng hóa tập thể cho sản phẩm... Bên cạnh đó, nhiều HTX liên kết thành viên sản xuất cà phê, ca cao, bơ, rau, chăn nuôi theo chứng nhận VietGAP, 4C, UTZ, FLO mang lại hiệu quả kinh tế và phúc lợi xã hội cao.

Thu hoạch tiêu ở Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ xã Ea Sol, huyện Ea H’leo.
Thu hoạch tiêu ở Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ xã Ea Sol, huyện Ea H’leo.

Một trong những HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực vào công tác giảm nghèo thời gian qua là HTX Sản xuất nông nghiệp thương mại và dịch vụ Minh Toàn Lợi (xã Ea Púk, huyện Krông Năng). HTX được thành lập năm 2012, hiện có 227 thành viên trong đó 50% là đồng bào dân tộc thiểu số, canh tác 360 ha cà phê theo tiêu chuẩn UTZ, FLO tại các xã Ea Tam và Ea Púk. Ông Vũ Đức Quân, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX cho biết, từ năm 2014, đơn vị đã liên kết với các doanh nghiệp rang xay, xuất khẩu cà phê tiêu thụ sản phẩm với giá tối thiểu là 40,5 triệu đồng/tấn và hỗ trợ thêm gần 10 triệu đồng/tấn tiền phúc lợi, nên thành viên yên tâm gắn bó với HTX, thu nhập bình quân đạt hơn 45 triệu đồng/người/năm.

Tiếp thêm nguồn lực

Theo đánh giá của ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, Đắk Lắk là tỉnh có hoạt động kinh tế tập thể sôi nổi so với mặt bằng chung của cả nước, nhiều mô hình HTX kiểu mới điển hình tiên tiến đã góp phần không nhỏ trong việc tạo việc làm, thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đoàn cán bộ, nông dân tìm hiểu kỹ thuật trồng cà phê bền vững tại HTX Nông nghiệp dịch vụ  Công bằng Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột.
Đoàn cán bộ, nông dân tìm hiểu kỹ thuật trồng cà phê bền vững tại HTX Nông nghiệp dịch vụ Công bằng Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột.

Đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển của các HTX nông nghiệp thời gian qua là những hoạt động hỗ trợ đã được các cấp, ngành triển khai. Cụ thể, trong giai đoạn 2008–2018, đã tổ chức gần 30 lớp tập huấn, đào tạo kỹ năng tổ chức, lãnh đạo, quản lý cho 800 cán bộ HTX nông nghiệp. Về nguồn vốn, từ năm 2007 Quỹ hỗ trợ phát triển HTX được thành lập, qua đó giúp các HTX tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi. Từ đó đến nay, đã có 54 lượt HTX nông nghiệp được hưởng lợi từ nguồn quỹ này, với tổng số tiền gần 14,7 tỷ đồng nhằm phát triển sản xuất, kinh doanh và mở rộng lĩnh vực hoạt động. Bên cạnh đó là Chương trình Hỗ trợ mô hình ứng dụng kỹ thuật, chuyển giao công nghệ tiên tiến cho các HTX nông nghiệp góp phần cơ giới hóa, hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, đã hỗ trợ hơn 3,1 tỷ đồng cho 36 HTX xây dựng mô hình tiên tiến gắn với các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Nội dung hỗ trợ chủ yếu là máy móc phục vụ sản xuất, chế biến nông sản góp phần chuyển dần từ lao động thủ công sang lao động máy móc, sản xuất sản phẩm thô sang sản phẩm qua chế biến bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm.

Kết quả đánh giá, xếp loại hoạt động của HTX nông nghiệp cho thấy, 28,3% HTX đạt loại tốt, khá; 32% HTX hoạt động trung bình. Có 96/152 xã thành lập được ít nhất một HTX, qua đó hoàn thành tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất trong chương trình nông thôn mới. Toàn tỉnh phấn đấu đến 2020 có 140 xã đạt tiêu chí 13, trong đó 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới có HTX hoạt động tốt.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.