Multimedia Đọc Báo in

Tháo gỡ nút thắt trong phát triển "tam nông"

08:47, 02/08/2018

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa X) về nông nghiệp, nông thôn, nông dân, diện mạo “tam nông” trên địa bàn Đắk Lắk đã thực sự có những thay đổi lớn. Tuy nhiên, việc phát triển nông nghiệp, nông thôn toàn diện, đáp ứng với những yêu cầu của giai đoạn mới vẫn còn gặp không ít khó khăn.

Có nhiều khởi sắc

Sau 10 năm (2008-2017) thực hiện Nghị quyết 26 của Trung ương 7 (Khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, diện mạo vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc. Đáng chú ý nhất là sản xuất nông nghiệp đã góp phần chủ yếu trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Giá trị sản xuất toàn ngành bình quân thời kỳ 2009-2013 tăng 1,94%/năm; thời kỳ 2015-2017 tăng 3,46%/năm. Cơ cấu ngành đã có sự chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành chăn nuôi, nhưng trồng trọt vẫn luôn chiếm tỷ trọng cao, khoảng 73,88%; chăn nuôi chiếm khoảng 20,15%; dịch vụ khoảng 5,95%.

Ngành trồng trọt phát triển tương đối đa dạng về cây trồng, tính đến hết năm 2017, diện tích gieo trồng toàn tỉnh đạt 629.213 ha, tăng 77.986 ha so với năm 2008. Sản phẩm hàng hóa chủ lực của địa phương (cà phê, hồ tiêu, cao su, điều...) đã được xác định; nhiều mô hình sản xuất liên kết với doanh nghiệp, gắn theo chuỗi giá trị đã phát huy hiệu quả tốt. Ngoài ra, nhờ có sự đầu tư các công trình thủy lợi, đa dạng hóa các loại hình phát triển sản xuất, ứng dụng các giống mới, tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý đã góp phần làm tăng năng suất và sản lượng các cây trồng.

Mô hình rau công nghệ cao của nông dân huyện Ea Kar.
Mô hình rau công nghệ cao của nông dân huyện Ea Kar.

Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2008-2017 khá ổn định, giá trị sản xuất của ngành không ngừng tăng, bình quân thời kỳ 2008-2017 tăng khoảng 10,36%/năm. Hiện nay, chăn nuôi của tỉnh đã có bước chuyển mình từ chăn nuôi tự phát, nhỏ lẻ sang sản xuất chăn nuôi mang tính thị trường, tập trung quy mô trang trại. Bên cạnh đó, ngành thú y đã triển khai đồng bộ, kịp thời và có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nên tình trạng dịch bệnh ở gia súc, gia cầm cơ bản đã được kiểm soát, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển chăn nuôi.

Cùng với thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã góp phần làm thay đổi lớn về diện mạo “tam nông”, nhất là về kết cấu hạ tầng nông thôn. Hàng loạt tuyến đường giao thông nông thôn được đầu tư xây mới, sửa chữa, nâng cấp, với 11.694 km đường xã, thôn, buôn, đường ngõ xóm và 3.872 km đường nội đồng. Các công trình thủy lợi cũng được quan tâm đầu tư, trong đó giai đoạn 2008-2017, đầu tư nâng cấp, sửa chữa và xây dựng mới được 220 công trình; đầu tư kiên cố hóa được 901.31 km kênh mương, đưa tỷ lệ cây trồng chủ động nước tưới đạt 77,2%. Hệ thống lưới điện quốc gia đã phủ kín 152/152 xã; có 97,2% thôn, buôn có điện, trong đó số hộ có điện thường xuyên an toàn là 275.266 hộ chiếm 96,2%.

Các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh đã được triển khai đầy đủ, kịp thời đến với đối tượng thụ hưởng, nhất là tín dụng ưu đãi, khuyến nông, y tế, giáo dục, nhà ở, trợ giúp pháp lý, nước sinh hoạt… đã được giải quyết, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của nhân dân; đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo từng bước được cải thiện. Thu nhập của người dân được nâng lên, giai đoạn 2008-2017 trung bình tăng hằng năm là 12,78%.

Vẫn chưa bền vững

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, phát triển nông nghiệp vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn, tồn tại. Đó là kinh tế nông thôn tuy có chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ và công nghiệp xây dựng, nhưng diễn ra còn chậm, chưa đủ sức thu hút, tạo nhiều việc làm để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn. Sản xuất nông nghiệp phát triển chưa ổn định và bền vững; chất lượng và sức cạnh tranh còn thấp, chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu, gắn với thị trường tiêu thụ kéo theo lợi nhuận trong lĩnh vực nông nghiệp thấp, rủi ro cao.

Phát triển cây sầu riêng trên địa bàn huyện Krông Pắc.
Phát triển cây sầu riêng trên địa bàn huyện Krông Pắc.

Trong khi đó, việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị mới chỉ ở diện hẹp trên một số sản phẩm chủ lực. Tái cơ cấu nông nghiệp chưa mạnh mẽ, nhiều địa phương chưa có định hướng kế hoạch, giải pháp cụ thể; hoạt động sản xuất kinh doanh các HTX nông nghiệp gặp khó khăn về vốn, quy mô sản xuất nhỏ, năng lực của cán bộ quản lý HTX còn nhiều hạn chế... Kết cấu hạ tầng theo yêu cầu phát triển một nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại còn yếu, nhất là hạ tầng đáp ứng sản xuất công nghệ cao, nước sạch, vệ sinh môi trường, phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu. Đời sống của người nông dân nhìn chung vẫn còn ở mức thấp; chênh lệch về thu nhập, mức sống giữa nông dân và các thành phần khác, giữa các vùng ngày càng tăng; đời sống của người nông dân ở vùng khó khăn chậm được cải thiện.

Để tháo gỡ những nút thắt trong phát triển “tam nông”, bên cạnh việc đưa ra các mục tiêu cụ thể trong thời gian tới, Đắk Lắk cũng đã kiến nghị với Quốc hội và Chính phủ xem xét tăng mức hỗ trợ cho các tỉnh Tây Nguyên để đầu tư kết cấu hạ tầng cho nông nghiệp, nông thôn; xem xét sớm bố trí vốn trung hạn theo “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn”; cho thực hiện các chính sách giảm nghèo đối với tất cả hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng giai đoạn 2016-2020 để đảm bảo công bằng giữa các đối tượng khi thực hiện hỗ trợ chính sách giảm nghèo (hiện nay chỉ thực hiện đối với hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập, còn hộ nghèo thiếu hụt các dịch vụ xã hội chưa được hỗ trợ); có chính sách về Chương trình bố trí dân cư định hướng đến năm 2020 trên cả nước, kèm theo việc bố trí nguồn lực và ưu tiên hỗ trợ nguồn lực hơn nữa cho các tỉnh Tây Nguyên có nhiều dân di cư tự do đến…

Mục tiêu về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2020 của Đắk Lắk là: tốc độ tăng trưởng GRDP trung bình khoảng 8,5-9%; tỷ trọng ngành nông - lâm nghiệp, thủy sản chiếm còn 39,5% trong cơ cấu kinh tế; GDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 74-76 triệu đồng (giá hiện hành). Phát triển nông nghiệp kết hợp với phát triển công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn; duy trì sản lượng lương thực có hạt đạt 1,3 triệu tấn/năm; đảm bảo nước tưới chủ động cho 82% diện tích cây trồng có nhu cầu tưới; tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi 25 - 30%; tỷ lệ độ che phủ rừng là 40,1%. Phấn đấu đạt chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm đến 2020 từ 2,5 - 3%.

Minh Thuận

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đảm bảo quyền lợi bảo hiểm cho người lao động làm việc trong doanh nghiệp nước ngoài
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư vào Đắk Lắk góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển, giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương. Cùng với phát triển sản xuất, các doanh nghiệp này đã quan tâm, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho người lao động, đây chính là động lực giúp công nhân yên tâm lao động. ​​​​​​​