Multimedia Đọc Báo in

Giá heo tăng - người chăn nuôi vẫn thận trọng tăng đàn

09:40, 23/08/2018

Từ tháng 4-2018 đến nay, giá heo hơi đã tăng khá ổn định sau một thời gian dài giảm sâu. Với mức giá như hiện nay, người chăn nuôi đã có lãi cao, tuy nhiên nhiều hộ vẫn đang e ngại trong việc tăng đàn, mặc dù đây là thời điểm chuẩn bị nguồn cung thực phẩm cho Tết Nguyên đán 2019.

Cuối năm 2017, gia đình ông Nguyễn Tâm ở xã Hòa Khánh (TP. Buôn Ma Thuột) đã phải bán đi 10 con heo nái trong tổng đàn 30 con để giảm lỗ. Hiện trang trại ông Tâm còn 20 con heo nái và 150 con heo thịt, trong số heo thịt có gần một nửa đã đến kỳ xuất chuồng. Theo tính toán của gia đình, với mức giá 50.000 đồng/kg heo hơi như hiện nay, gia đình ông thu lãi khoảng 1,5 triệu đồng/con, số lãi này bù đắp phần nào thua lỗ trong thời gian qua. Theo ông Tâm, giá heo hơi tăng cao là tín hiệu tốt, nhưng trong tình hình hiện nay tỷ lệ rủi ro vẫn còn nên ông chưa mở rộng quy mô nuôi.

Không chỉ heo thịt tăng giá mà giá heo con hiện cũng tăng cao gấp đôi, gấp ba so với thời điểm heo xuống giá, đang nằm ở mức 140 - 150 nghìn đồng/kg. Nguyên nhân là do trước đây giá heo giảm sâu, người nuôi heo nái bị lỗ nặng đã giảm đàn hoặc không nuôi nữa khiến heo con khan hàng. Theo anh Lê Duy Mến (xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột), quy mô trang trại của anh là 110 con nái, hiện còn 100 con do phải giảm đàn trong thời kỳ heo giảm giá. Dù giá heo con trên thị trường đã tăng cao, nhưng anh vẫn chưa dám tăng đàn heo nái trở lại hoặc mở rộng quy mô trang trại để tránh rủi ro sau này, bởi lẽ, việc nuôi heo sinh sản đòi hỏi con giống tốt và nuôi lâu dài.

Cán bộ  Trạm  Chăn nuôi  và Thú y  TP. Buôn  Ma Thuột  đi thăm các trang trại chăn nuôi heo trên  địa bàn xã Hòa Khánh. Ảnh: M.Thuận
Cán bộ Trạm Chăn nuôi và Thú y TP. Buôn Ma Thuột đi thăm các trang trại chăn nuôi heo trên địa bàn xã Hòa Khánh. Ảnh: M.Thuận

Ông Hoàng Anh Dũng, Phó Trưởng trạm phụ trách Trạm Chăn nuôi và Thú y TP. Buôn Ma Thuột cho biết, theo thống kê của Trạm, tổng đàn heo trên địa bàn là 96.592 con, giảm trên 34,5% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó giảm nhiều nhất là heo thịt với 24%, còn lại là heo nái 10%. Việc người chăn nuôi thận trọng khi tái đàn heo là tín hiệu tốt, thể hiện đổi mới tư duy trong cách thức tổ chức sản xuất, không vì lợi ích trước mắt mà tăng đàn khi giá vẫn chưa thực sự bền vững.

Tại huyện Krông Pắc, tình hình chăn nuôi cũng tương tự, có nhiều hộ đã bắt đầu chăn nuôi heo lại, nhưng vẫn có nhiều hộ để trống chuồng do giá con giống cao nên người dân e ngại đầu tư vì không biết sau 5 - 6 tháng nữa giá heo còn cao như hiện nay không. Anh Dương Thanh Tùng (thôn 3, xã Hòa Tiến) cho biết, quy mô trang trại của anh có 35 heo nái và 200 heo thịt, nhưng hiện giờ còn 22 heo nái và 180 heo thịt. Anh cũng như nhiều người chăn nuôi trong vùng vẫn đang do dự để tăng đàn vì với giá heo giống hiện nay, cộng thêm tiền cám, vắc xin thì giá thành mỗi con heo xuất chuồng gần 4 triệu đồng. Giá heo hơi lúc đó phải tầm 40.000 đồng/kg trở lên thì mới có lãi, do đó anh vẫn còn để trống nhiều chuồng chưa dám tăng đàn ngay.

Tổng đàn heo trên địa bàn huyện Krông Pắc hiện có 82.428 con, giảm 25.807 con so với cuối năm 2017. Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, giá bán và khối lượng thịt hơi tiêu thụ hiện nay phản ánh quy mô đàn heo phù hợp giữa cung và cầu, do đó việc tăng đàn nhanh sẽ có nhiều nguy cơ rủi ro cao. Chính vì vậy người chăn nuôi trên địa bàn huyện cũng đang rất thận trọng trong việc tăng hoặc tái đàn.

Để kiểm soát vấn đề tăng đàn, Sở NN-PTNT đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, thống kê cụ thể số đầu heo nái và heo thịt trên địa bàn, kịp thời khuyến cáo cho người chăn nuôi ổn định quy mô sản xuất, không phát triển tăng đàn một cách ồ ạt. Bên cạnh đó, thường xuyên theo dõi thông tin diễn biến của thị trường và cung cấp thông tin sát thực, kịp thời cho người chăn nuôi nắm bắt để điều chỉnh sản xuất chăn nuôi sao cho phù hợp…

 

Theo ngành chức năng tỉnh Đắk Lắk, giá heo trên thị trường tăng trở lại là dấu hiệu đáng mừng, giúp giải tỏa tâm lý người chăn nuôi. Tuy nhiên, đa số người dân vẫn đang thận trọng, không vội vàng tăng đàn đột ngột bởi chưa biết được heo hơi sẽ giữ giá cao được bao lâu. Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng đàn heo toàn tỉnh đã đạt 732.560 con, tương đương với tổng đàn cuối năm 2017. Hiện nay các địa phương cũng đã bắt đầu tái đàn để chuẩn bị nguồn cung thực phẩm cho Tết Nguyên đán 2019, nhưng cũng không ồ ạt như những thời điểm trước đây. Chi cục cũng khuyến cáo, người chăn nuôi lúc này cần tập trung làm tốt khâu kiểm soát dịch bệnh, chăn nuôi theo hướng an toàn nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng; những hộ tái đàn nên chọn mua heo giống có nguồn gốc rõ ràng, heo con mới mua về phải tiêm phòng đầy đủ các bệnh nguy hiểm và nhốt cách ly để theo dõi sức khoẻ, sau đó mới nhập đàn vào nuôi.

Minh Thuận

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.