Giải pháp nào phát triển toàn diện HTX nông nghiệp điển hình?
Các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp điển hình đang khẳng định được vai trò của mình trong phát triển kinh tế tập thể. Tuy nhiên để phát triển toàn diện, các HTX này vẫn tồn tại nhiều hạn chế cần được hỗ trợ.
Còn nhiều trở ngại
Theo Liên minh HTX tỉnh, tính đến hết tháng 6-2018, toàn tỉnh có 235 HTX nông nghiệp, trong đó có 45 HTX yếu kém, ngừng hoạt động; số HTX hoạt động khá, tốt chiếm 28,3%; HTX hoạt động trung bình chiếm 32%; HTX hoạt động yếu chiếm 39,7%. Thời gian qua, các địa phương đã quan tâm hơn đến việc tuyên truyền, củng cố, phát triển kinh tế HTX. Chuyển biến rõ nét nhất là việc liên kết giữa các HTX nông nghiệp với các doanh nghiệp được chú trọng hơn, nhất là xây dựng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
Vườn tiêu canh tác theo chứng nhận FLO của HTX Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Thăng Tiến (xã Hòa An, huyện Krông Pắc). |
Hiện Đắk Lắk có khoảng 21% số HTX nông nghiệp có liên kết với doanh nghiệp trong cung ứng dịch vụ đầu vào, sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Các HTX đã dần trở thành một trong những mắt xích quan trọng, cầu nối hữu hiệu giữa doanh nghiệp với nông dân để sản xuất ra các nông sản có chất lượng tốt. Hình thức liên kết thể hiện ở một số khâu hoặc tất cả các khâu trong chuỗi giá trị. Việc đẩy mạnh xây dựng các liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân bước đầu đã khai thác được nguồn vốn, kinh nghiệm tổ chức sản xuất, thị trường của các doanh nghiệp, đồng thời tạo cơ hội cho nông dân được chuyển giao và áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao trình độ sản xuất. Tuy nhiên, phần lớn các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản được hình thành tự phát, trách nhiệm và sự ràng buộc của các bên tham gia liên kết chưa thật chặt chẽ cả trên phương diện kinh tế lẫn pháp lý nên chưa thực sự bền vững.
Bên cạnh đó, HTX nông nghiệp hiện đang còn phải đối diện với khá nhiều trở ngại, đó là việc cung cấp các dịch vụ gia tăng giá trị như bảo quản, chế biến tại HTX còn hạn chế; khó tiếp cận thị trường do đầu ra sản phẩm chủ yếu là chế biến thô, đơn điệu về chủng loại, chưa phát triển được toàn chuỗi giá trị. Thêm vào đó, nhiều HTX không có năng lực tìm kiếm khách hàng, quản lý đầu ra, thiếu vốn trữ hàng; phần lớn các HTX mới chỉ tập trung cung cấp dịch vụ đầu vào cho các thành viên là chính mà thiếu quan tâm, đầu tư vào thu thập thông tin về thị trường; năng lực quản lý kinh doanh tài chính và quản trị HTX yếu, chưa tạo được nhiều niềm tin với đối tác và thành viên tham gia; một số nơi chính quyền địa phương còn can thiệp quá sâu hoặc chưa quan tâm đến hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX nên đã ảnh hưởng phần nào đến hoạt động của HTX. Mặt khác, việc tiếp cận về tài chính luôn là vấn đề trở ngại của các HTX, trước tiên là do thiếu thông tin về các chính sách hỗ trợ; không có tài sản thế chấp hoặc tài sản thế chấp thấp, chưa xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh tốt để đáp ứng yêu cầu của ngân hàng. Trong khi, việc huy động vốn nội bộ của các thành viên HTX gặp nhiều khó khăn, quỹ hỗ trợ phát triển HTX Đắk Lắk còn hạn chế…
Cần hỗ trợ toàn diện
Để giúp các HTX nông nghiệp điển hình khắc phục các điểm yếu để phát triển toàn diện, Liên minh HTX tỉnh đã xây dựng kế hoạch thí điểm phát triển toàn diện HTX nông nghiệp điển hình trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020, với sự hỗ trợ của Tổ chức Hỗ trợ phát triển Hà Lan (Agriterra) tại Việt Nam cho các HTX và Liên minh HTX tỉnh trong 3 lĩnh vực là quản lý tài chính, kỹ thuật và phát triển kinh doanh. Qua đó, góp phần cải thiện chất lượng và dịch vụ cung cấp, góp phần nâng cao vị thế cạnh tranh HTX trong chuỗi giá trị nông nghiệp trong nước và toàn cầu.
Phát biểu tại buổi công bố kế hoạch thí điểm phát triển toàn diện HTX nông nghiệp điển hình trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Phát triển kinh tế HTX tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng đề nghị các tổ chức đã tham gia ký cam kết cần chủ động phối hợp với các bên liên quan, phát huy tính hiệu quả của một số mô hình điểm để nhân rộng trên địa bàn. Liên minh HTX tỉnh điều phối kế hoạch chung, kịp thời giải quyết khó khăn, xây dựng sớm quy chế hoạt động; các HTX được lựa chọn bố trí nhân lực, vật lực thực hiện tốt kế hoạch đã đề ra… |
Theo kế hoạch, Đắk Lắk sẽ lựa chọn từ 5 đến 7 HTX tham gia kế hoạch thí điểm với các tiêu chí như: là mô hình HTX thực sự; có thể cung cấp các số liệu về hoạt động sản xuất kinh doanh; có tham vọng phát triển và sẵn sàng thay đổi; lãnh đạo HTX có tư duy kinh doanh và tinh thần doanh nghiệp; sẵn sàng và cam kết đóng góp tài chính, đầu tư thời gian, chia sẻ năng lực và nỗ lực lâu dài; cam kết tham gia các hoạt động và nhận các đánh giá khách quan, khuyến nghị và thực hiện các khuyến nghị của tư vấn; cam kết chia sẻ kinh nghiệm và các bài học của giai đoạn thí điểm 2018-2020 để điều chỉnh cho giai đoạn nhân rộng.
Dây chuyền và nhà xưởng chế biến chanh dây của HTX Nông nghiệp 714 (huyện Ea Kar). |
Về giải pháp phát triển toàn diện HTX, trước hết sẽ tập trung vào tăng cường niềm tin của các thành viên HTX bằng việc thay đổi nhận thức của lãnh đạo HTX; quy hoạch lại HTX và thực hiện đầy đủ nguyên tắc của mô hình HTX theo luật định; công khai minh bạch tài chính, phân chia lợi nhuận; thể hiện được tính chuyên nghiệp trong sản xuất kinh doanh và quản trị. Về tăng cường năng lực quản lý kinh doanh và quản trị HTX, sẽ thông qua các hoạt động bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ lãnh đạo HTX, đồng thời có chính sách ưu đãi về tư liệu sản xuất, đất đai. Đối với việc tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, tài chính cho HTX và khả năng ứng dụng khoa học công nghệ, các HTX sẽ phân bổ nhân sự chuyên trách về thị trường, tài chính.
Tuy nhiên, bên cạnh những giải pháp trên, cần có sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền để rà soát, điều chỉnh chính sách, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc trong các khâu sản xuất chuỗi giá trị; hỗ trợ kết nối thị trường; hỗ trợ các sáng kiến hợp tác giữa HTX với doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học để việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất ở các HTX đạt hiệu quả.
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc