Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ mô hình trồng cây công nghiệp trên vùng đất xám

08:28, 30/08/2018

Tuy chưa phải là người có nhiều “của ăn của để” nhưng cách làm mà gia đình ông Nguyễn Phương (ở buôn Ngô A, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông) đang thực hiện có thể xem như một mô hình phát triển kinh tế bền vững.

Sau một thời gian sống ở Bình Dương, làm nhiều việc, trồng nhiều loại cây nhưng cuộc sống cũng không khấm khá, năm 1999 ông Nguyễn Phương bàn với vợ trở về xã Hòa Phong (huyện Krông Bông) lập nghiệp.

Định cư ở buôn Ngô A (xã Hòa Phong), lúc đầu gia đình ông Phương gặp rất nhiều khó khăn. Cuộc sống khá chật vật nhưng nhờ cần cù lao động, biết tính toán trong làm ăn, đến nay vợ chồng ông đã xây dựng được mô hình đa cây khép kín với diện tích 4 ha; trong đó có 1,2 ha cà phê kinh doanh trồng xen cây ăn trái (bơ, sầu riêng, cam…), 1,8 ha cao su đã qua thời kỳ kiến thiết và đang thu hoạch vụ đầu tiên, 0,5 ha ruộng nước 2 vụ và 0,5 ha đất trồng màu kết hợp với chăn nuôi gà thả vườn. Để tăng năng suất và giảm chi phí đầu vào, hạn chế sử dụng phân vô cơ, ông Phương sử dụng vỏ cà phê trộn với phân bò ủ thành phân vi sinh để bón, nhờ vậy mà 1,2 ha cà phê mỗi năm cho thu hoạch 5 tấn nhân, sau khi trừ chi phí còn lãi ròng 120 triệu đồng. Thu hoạch từ trồng lúa và chăn nuôi giúp gia đình ông bảo đảm được nguồn lương thực và một phần mang bán cũng mang lại nguồn thu nhập đáng kể.

Vườn cà phê của gia đình ông Phương.
Vườn cà phê của gia đình ông Phương.

Cách đây 6 năm, khi đã có thu nhập ổn định từ cây cà phê, ông Phương quyết định thực hiện ước mơ ấp ủ bấy lâu là phát triển cây cao su tiểu điền trên vùng đất xám. Để cây cao su trở thành cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao  đòi hỏi phải am hiểu điều kiện thổ nhưỡng và nắm vững kỹ thuật canh tác. Vì thế, ông lấy mẫu đất mang đến Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên phân tích chất đất. Kết quả cho thấy, đất thích hợp với cây cao su, ông nghiên cứu và tìm mua loại giống FB 260 là giống cao su cao sản dòng vô tính, có năng suất cao hơn và ít nhiễm bệnh phấn trắng, lại phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết ở Tây Nguyên. Ông chịu khó tìm các tài liệu liên quan đến kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cao su về nghiên cứu, những điều còn vướng mắc thì trực tiếp đến Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên gặp kỹ sư nhờ tư vấn, vì thế vườn cao su phát triển rất đồng đều. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, hai năm đầu cây cao su chưa khép tán, ông trồng xen sắn cao sản để có thu nhập bù đắp vào chi phí.

Sau 6 năm trồng, đến nay vườn cao su của gia đình ông Phương đã cho thu hoạch những xô mủ đầu tiên; mỗi ngày thu được hàng chục ký mủ tươi, hứa hẹn sẽ mang lại nguồn thu nhập đáng kể trong thời gian tới. Ông cũng dự định tiếp tục trồng thêm 1.000 cây cao su trên những diện tích còn lại.

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.