Nâng tầm giá trị nông sản Đắk Lắk (Kỳ 1)
Trong sản xuất nông nghiệp, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của mỗi vùng đất sẽ thích hợp với một số cây trồng nhất định và kết tạo nên những hương vị, đặc trưng riêng cho nông sản đó. Việc xác lập sở hữu trí tuệ thông qua hình thức đăng ký thương hiệu đặc sản địa phương là một trong những tiền đề quan trọng thúc đẩy nông sản tồn tại và phát triển trong tiến trình hội nhập.
Kỳ 1: Nấc thang mới cho tiến trình phát triển nông sản
Thời gian qua, nhiều địa phương có tiềm năng, thế mạnh về sản phẩm nông nghiệp có thể làm thương hiệu đã và đang xác lập quyền sở hữu trí tuệ bằng cách đăng ký bảo hộ thương hiệu thông qua nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận. Tuy thời gian đăng ký chưa lâu nhưng bước đầu đã khẳng định tên tuổi của các nông sản trên thương trường.
Khẳng định chất lượng
Xoài vốn là cây ăn quả bản địa được người dân huyện Ea Súp trồng hàng chục năm nay dưới dạng cây che bóng thuần túy. Khoảng 5 năm trở lại đây, khi người dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa những giống xoài mới vào sản xuất thì Ea Súp trở thành “thủ phủ” xoài của tỉnh khi có tổng diện tích lớn nhất với 500 ha. Diện tích lớn, sản lượng không ngừng tăng, chất lượng thơm, ngon của quả xoài Ea Súp được người tiêu dùng đón nhận nên đời sống của cư dân nông thôn không ngừng tăng. Với mục tiêu xác lập và tạo đà cho cây xoài phát triển bền vững, tháng 6 – 2015, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) triển khai Dự án Phát triển chuỗi giá trị xoài trên địa bàn huyện biên giới Ea Súp. Tiến sĩ Đặng Đinh Đức Phong, Chủ nhiệm dự án cho hay, qua phân tích và so sánh cho thấy quả xoài được trồng ở Ea Súp có chất lượng tương đương với xoài được trồng ở những vùng xuất xứ của giống đó. Do đó, việc triển khai, thực hiện dự án khá thuận lợi khi có sự hợp tác của nông dân. Hiện tại, dự án cơ bản đã hoàn thành với những kết quả tích cực như đào tạo gần 20 cán bộ khuyến nông cấp cơ sở và hàng trăm lượt nông dân tiếp cận được quy trình canh tác xoài theo tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng mô hình xoài chất lượng cao đạt tiêu chuẩn VietGAP rộng hơn 5 ha tại xã Cư M’lan; thành lập Tổ hợp tác sản xuất xoài đặc sản địa phương...
Mô hình xoài đạt chứng nhận VietGAP ở xã Cư M’lan, huyện Ea Súp. Ảnh: T. Hường |
Tương tự, huyện Krông Năng được xem là một trong những vùng đất thích hợp nhất trên cả nước có thể trồng cây mắc ca, hiện toàn huyện có 300 ha, tập trung ở xã Ea Púk, Đliê Ya, Phú Lộc... Từ sản phẩm đơn giản, thuần túy là mắc ca hạt thô, đến nay người dân địa phương đã phát triển công nghiệp chế biến mắc ca thành những sản phẩm thành phẩm có giá trị gia tăng cao như mắc ca sấy, tinh dầu mắc ca, rượu mắc ca... và được thương mại trong và ngoài nước. Ông Nguyễn Tiến Ấn, Phó Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện cho biết: “Nhằm tạo bệ đỡ giúp mắc ca trở thành loại cây phát triển bền vững cho người dân, địa phương đã đăng ký xây dựng nhãn hiệu chứng nhận Mắc ca Krông Năng, hiện tại đang chờ Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận. Để bảo đảm chất lượng sản phẩm mắc ca thành phẩm, huyện đã khuyến cáo người dân chỉ thu hoạch những quả chín đạt chất lượng để tạo nên sản phẩm mắc ca thành phẩm có giá trị dinh dưỡng cao nhất. Đồng thời, đẩy mạnh thu mua, chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng cho mắc ca. Việc xây dựng thành công Nhãn hiệu chứng nhận Mắc ca Krông Năng sẽ là lời khẳng định chất lượng sản phẩm với định hướng phát triển bền vững ổn định trong tương lai.
Rộng đường thương mại
Trong thương mại, để thuyết phục người tiêu dùng bỏ tiền ra mua một sản phẩm nông sản thì ngoài diện mạo, sản phẩm đó còn phải bảo đảm các yêu cầu về chất lượng, thương hiệu, truy xuất nguồn gốc... Một khi đăng ký bảo hộ thương hiệu đặc sản địa phương thành công, các sản phẩm sẽ tiếp cận được nhiều khách hàng hơn; hạn chế những rủi ro về biến động giá; xây dựng thương hiệu hàng hóa cho nông sản, góp phần tăng hiệu quả sản xuất và thu nhập. Và quan trọng nhất là giấy chứng nhận bảo hộ thương hiệu đặc sản địa phương được xem là “Giấy khai sinh” cho nông sản và có thể tạo dựng được lòng tin đối với khách hàng từ chính sản phẩm đó khi có thể truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Đây cũng chính là bước đệm để nông sản có thể tiếp cận được những khách hàng có khoảng cách địa lý khá xa nơi sản xuất. Hiện tại, ngoài những sản phẩm đã được bảo hộ thương hiệu như hồ tiêu Cư Kuin, nhung nai Cư Êbur, thì mắc ca Krông Năng, xoài Ea Súp cũng đã và đang được tiêu thụ tại nhiều hệ thống cửa hàng, siêu thị trên cả nước.
Anh Đinh Công Định (xã Đliê Ya, huyện Krông Năng) một hộ dân phát triển kinh tế từ cây mắc ca. Ảnh: T.Hồng |
Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hiện nay thì việc bảo hộ thương hiệu là một trong những căn cứ pháp lý để tránh các cuộc tranh chấp. Theo đánh giá của các doanh nghiệp, đây là một trong những yêu cầu của đối tác nước ngoài khi thương mại sản phẩm nông sản. Mặt khác nữa của việc đăng ký bảo hộ thương hiệu đặc sản địa phương là sự quảng bá sản phẩm nông sản gắn với vùng sản xuất; nói xa hơn, rộng hơn là về đất nước và con người Việt Nam, nó mang lợi ích lâu dài trên chặng đường phát triển. Từ đó, các doanh nghiệp – những cánh tay nối dài của thương hiệu đặc sản địa phương sẽ dựa vào những định hướng phát triển đó mở rộng sản xuất, đưa sản phẩm tiếp cận đến nhiều khách hàng hơn. Lý thuyết là vậy nhưng thực tế để đăng ký và phát triển các thương hiệu đặc sản địa phương là chuyện không hề dễ.
Theo kế hoạch của "Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tỉnh giai đoạn 2015 - 2020", UBND tỉnh đã hỗ trợ các địa phương đăng ký tạo lập nhãn hiệu chứng nhận: Gạo Krông Ana (huyện Krông Ana), Mắc ca Krông Năng (huyện Krông Năng), Gà thịt Ea Kar và nhãn hiệu tập thể Tinh dầu sả Java xã Ea Tir (huyện Ea H'leo), mỗi đơn vị 140 triệu đồng. |
(Còn nữa)
Kỳ 2: Xây dựng và phát triển thương hiệu đặc sản, khó ở đâu?
Thúy Hồng – Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc