Những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở Cư Amung
09:10, 16/08/2018
Trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, trên địa bàn xã Cư Amung (huyện Ea H’leo) đã xuất hiện nhiều gương nông dân vượt khó vươn lên làm giàu, với nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Ở thôn 4, gia đình anh Nguyễn Lê Văn Vương là điển hình làm kinh tế giỏi được nhiều người thán phục. Năm 2001, khi mới từ Quảng Ngãi vào Đắk Lắk lập nghiệp, anh Vương đã trải qua rất nhiều khó khăn, phải làm đủ nghề như: bốc vác, thu mua phế liệu… để trang trải cuộc sống hằng ngày. Khi lập gia đình, gánh nặng cuộc sống khiến anh nhiều đêm trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế.
Nhận thấy điều kiện tự nhiên tại địa phương thuận lợi để phát triển cây hồ tiêu, năm 2006 anh Vương đầu tư trồng hơn 1.000 trụ tiêu. Tích góp được ít vốn, năm 2015 anh bàn với vợ tiếp tục đầu tư nuôi heo và bò. Đến nay, trên diện tích 15 ha, gia đình anh Vương có 2 ha tiêu, 9 ha điều, 59 con bò, 75 con heo; riêng năm 2017, anh thu được hơn 800 triệu đồng từ chăn nuôi và trồng trọt.
Không dừng lại ở đó, sau thời gian tích cực học hỏi kinh nghiệm, anh Vương tận dụng quỹ đất còn trống của gia đình trồng chanh dây và nuôi thêm heo rừng. Ngoài ra, anh còn cải tạo đất đào ao thả các giống cá như: cá trắm, cá mè phục vụ nhu cầu của gia đình.
Anh Nguyễn Lê Văn Vương (thứ nhất từ phải sang) giới thiệu với khách tham quan về mô hình kinh tế của gia đình. |
Theo anh Vương, việc kết hợp trồng trọt và chăn nuôi nhiều giống cây con khác nhau nhằm mục đích “lấy ngắn nuôi dài”, tận dụng được điều kiện tự nhiên thuận lợi và tăng thu nhập trên cùng diện tích; tuy nhiên cần phải nắm vững kỹ thuật, chú trọng khâu phòng ngừa dịch bệnh, thực hiện tốt vệ sinh chuồng trại và quan tâm đến đầu ra của sản phẩm. Mô hình kinh tế tổng hợp vườn - ao - chuồng của gia đình anh Vương hiện mang lại thu nhập gần 1 tỷ đồng mỗi năm.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, vào mùa vụ anh Vương thường tạo việc làm cho hơn 20 lao động tại địa phương. Anh còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất cho người dân tham quan mô hình.
Cũng giống anh Vương, khi mới rời quê vào Tây Nguyên lập nghiệp, anh Hà Văn Hậu (dân tộc Tày, ở thôn 4) cũng gặp không ít khó khăn trong những ngày đầu.
Không chịu lùi bước trước khó khăn, với số tiền tích góp và vay mượn được, năm 1996 anh Hậu đầu tư trồng cà phê và sau đó xen canh thêm hồ tiêu. Một thời gian sau, thấy năng suất cây cà phê thấp, anh mạnh dạn phá bỏ hoàn toàn cà phê để tái canh, tập trung trồng cây hồ tiêu và điều. Đến nay, trên diện tích hơn 2 ha, anh Hậu có 1.800 trụ tiêu, 1.000 cây cà phê và 400 cây điều. Chỉ riêng năm 2017, gia đình anh thu được 4 tấn tiêu, 1 tấn điều với tổng thu nhập hơn 300 triệu đồng. Anh Hậu còn mở đại lý phân bón để tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình.
Trước tình trạng giá cà phê và tiêu liên tục xuống thấp, anh Hậu trăn trở tìm hướng mới để phát triển kinh tế. Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao từ cây khoai lang Nhật, anh dành nhiều thời gian đi tham quan mô hình tại các huyện Krông Ana và Lắk. Đến tháng 7-2018, anh và một số hộ góp vốn hợp tác xây dựng mô hình trồng khoai lang Nhật trên diện tích 40 ha.
Theo anh Hậu, khoai lang Nhật cho hiệu quả kinh tế rất cao so với khoai lang bình thường, thời gian từ lúc trồng đến khi thu hoạch khoảng hơn 4 tháng. Mỗi héc-ta khoai lang có thể cho thu hoạch khoảng 20 - 25 tấn; giá trung bình 1 kg khoai lang là 14.000 đồng. Tháng 11 năm nay, diện tích khoai lang của anh và các hộ dân sẽ cho thu hoạch, ước tính sau khi trừ hết chi phí cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/ha, với đầu ra tại thị trường Hà Nội và tỉnh Lâm Đồng. Trong thời gian tới, anh Hậu và các hộ liên kết làm kinh tế, dự định tiếp tục đầu tư trồng 100 ha khoai lang Nhật để mở rộng quy mô, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Nguyễn Ngọc
Ý kiến bạn đọc