Nỗ lực nâng cao chất lượng mắc ca Krông Năng
Đang trong thời điểm thu hoạch quả mắc ca, giá cao, nhưng nhiều nông dân ở huyện Krông Năng vẫn quyết tâm chờ quả chín, đủ tiêu chuẩn mới tiến hành thu hái nhằm bảo đảm chất lượng và tăng giá trị của quả mắc ca.
Gia đình anh Phạm Văn Tuyết (thôn Tân Bắc, xã Ea Toh) trồng 1 ha mắc ca, năm nay đã cho thu hoạch. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên vườn cây mắc ca của gia đình anh Tuyết đậu quả tốt. Anh Tuyết cho biết, tuy có nhiều thương lái đến đặt vấn đề thu mua nhưng anh vẫn đang đợi thêm non nửa tháng nữa, để quả đủ độ chín, bảo đảm chất lượng mới bán. Tương tự, gia đình anh Nguyễn Văn Từ (thôn Lộc Xuân, xã Phú Lộc) cũng chờ quả mắc ca phát triển đủ tiêu chuẩn, chứ không thu hoạch sớm, bán non. Anh Từ cho hay, gia đình anh trồng 3 ha mắc ca, một số cơ sở chế biến mắc ca tại địa phương đã đặt vấn đề thu mua những quả đạt chuẩn với giá cao hơn so với thị trường nên anh quyết định chăm sóc thêm vườn cây cho đến khi quả chín già.
Giá mắc ca tươi hiện đang ở khoảng 90 nghìn đồng đến 100 nghìn đồng/kg, mang lại thu nhập cao cho người dân. Chị Nguyễn Thị Thu Phương (thôn Lộc Xuân, xã Phú Lộc), chủ cơ sở thu mua và chế biến mắc ca cho biết, cơ sở của chị vừa thu mua, vừa sơ chế mắc ca thành phẩm bán ra thị trường nên chỉ mua mắc ca chín, đủ chuẩn và sẵn sàng mua giá cao hơn so với thị trường. Bởi vì, chỉ từ những quả đạt chuẩn cơ sở mới có thể sản xuất ra những sản phẩm đạt chất lượng, thu hút người tiêu dùng. Từ đó góp phần xây dựng thương hiệu hạt mắc ca của cơ sở nói riêng và mắc ca Krông Năng nói chung.
Sơ chế hạt mắc ca tươi tại một cơ sở ở huyện Krông Năng. |
Diện tích mắc ca trên địa bàn huyện Krông Năng là hơn 300 ha, cao nhất của cả tỉnh. Những năm trước đây, huyện Krông Năng được Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) đầu tư 2 mô hình khảo nghiệm cây mắc ca, đến nay một số giống đã phát huy hiệu quả. Theo Phòng NN-PTNT huyện Krông Năng, nhân hạt mắc ca dùng trực tiếp làm thực phẩm hoặc chế biến các loại bánh, kẹo, mỹ phẩm có giá trị; ngoài ra vỏ mắc ca có thể được nghiền làm thức ăn gia súc, vật liệu hữu cơ; cây mắc ca cũng có khả năng chịu hạn tốt, có giá trị cao về khả năng phòng hộ, môi trường… Với những lợi thế đó, trên địa bàn huyện đã xuất hiện các cơ sở, hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất như máy xay, máy sơ chế, phòng bảo quản… để chế biến hạt mắc ca và đang dần xuất hiện nhiều thương hiệu hạt mắc ca địa phương, trong đó một số cơ sở cũng đã thiết kế bao bì, mẫu mã và mang sản phẩm đi đăng ký logo thương hiệu, xin giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm… Với việc người nông dân trồng cây mắc ca, nhiều cơ sở chế biến hạt mắc ca được thành lập, thu mua quả tươi để rang sấy, đóng hộp bán ra thị trường… có thể thấy đầu ra cho mắc ca đang dần ổn định. Ông Lê Rế, Trưởng Phòng NN-PTNT Krông Năng chia sẻ, hiện đang vào vụ thu hoạch mắc ca nên địa phương tuyên truyền cho các hộ nông dân chỉ thu hoạch những quả chín, đạt chất lượng, nâng cao hiệu quả thu nhập cho người dân. Mặt khác, Phòng cũng nỗ lực phát triển mô hình liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân, từ đó tạo thành chuỗi liên kết sản phẩm trong việc tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân và từng bước tạo dựng thương hiệu hạt mắc ca Krông Năng. Đây cũng là định hướng lâu dài cho sản xuất và tiêu thụ mắc ca nói riêng và các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn nói chung một cách hiệu quả.
Một cơ sở chế biến phơi hạt mắc ca sau khi tách bóc vỏ. |
Hiện nhiều hộ dân trên địa bàn cũng bắt đầu trồng thêm cây mắc ca, nên Phòng NN-PTNT huyện Krông Năng cũng khuyến cáo người nông dân cần tính toán việc trồng cây cho phù hợp với điều kiện của thổ nhưỡng và đầu ra sản phẩm, tránh tình trạng trồng ồ ạt; đặc biệt cần tìm những nơi cấp giống đã đạt chuẩn do Bộ NN-PTNT công nhận như OC 246, 816, 849… Phòng cũng sẽ thường xuyên kiểm tra, giám sát để ngăn ngừa, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân cung ứng và kinh doanh giống mắc ca không có nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng…
Nguyễn Gia
Ý kiến bạn đọc