Multimedia Đọc Báo in

Nông dân Ea Nam phát triển kinh tế theo hướng đa cây, đa con

08:59, 10/08/2018

Với lợi thế đất đai bằng phẳng, màu mỡ, những năm qua, nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã Ea Nam (huyện Ea H’leo) đã chú trọng phát triển mô hình sản xuất theo hướng đa cây, đa con, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Sau nhiều năm “trung thành” với cây cà phê, anh Đỗ Hữu Sang (thôn 1) nhận thấy việc sản xuất độc canh mang lại hiệu quả không cao do ảnh hưởng của thời tiết, giá cả. Qua tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, sản xuất, anh bắt đầu áp dụng cho diện tích của gia đình bằng cách trồng xen hơn 200 trụ tiêu và 200 cây ăn trái như bơ, sầu riêng, vải, nhãn vào trong 1,5 ha cà phê. Anh Sang cho biết, những loại cây này không chỉ có tác dụng che bóng, tạo sinh thái ổn định cho vườn cây mà còn hạn chế sâu bệnh hại, tiết kiệm chi phí phân bón, nước tưới. Khi các loại cây trồng cho thu hoạch ổn định, anh tiếp tục phát triển thêm chăn nuôi. Năm 2008, anh mua hai cặp hươu sao về nuôi, tìm hiểu kỹ thuật nuôi hươu lấy lộc, cách thiết kế chuồng trại sao cho phù hợp rồi tiến hành nhân giống. Đến nay, từ hai cặp giống hươu ban đầu đã tăng lên thành 15 con, mỗi năm mang lại khoản thu nhập hơn 70 triệu đồng từ việc bán con giống và khai thác nhung hươu, hơn 200 triệu đồng từ vườn cây. Theo anh Sang, việc trồng nhiều cây, nuôi nhiều con đòi hỏi nông dân phải siêng năng, cần cù bởi quanh năm đều có việc để làm. Nhưng cái lợi đạt được là có nguồn thu nhập thường xuyên hơn, vừa phục vụ nhu cầu chi tiêu lại vừa có tiền vốn để đầu tư sản xuất.

Đàn hươu sao của anh Đỗ Hữu Sang (thôn 1).
Đàn hươu sao của anh Đỗ Hữu Sang (thôn 1).

Tương tự, anh Phạm Văn Chữ (thôn 5) cũng là một trong những điển hình thành công khi chuyển từ hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ sang quy mô trang trại. Sau gần 3 năm nuôi thử nghiệm giống gà lương phượng, nhận thấy đây là giống gà nuôi lấy thịt cho năng suất cao, chăm sóc đơn giản nên năm 2014, anh quyết định đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại kiên cố rộng 1.400 m2, thả nuôi hơn 10 nghìn con gà. Sau khi thành công với mô hình nuôi gà, anh Chữ tiếp tục mở rộng chuồng trại thêm 700 m2 để nuôi trên 800 con heo. Nhờ nắm vững kiến thức chăn nuôi, áp dụng quy trình chăn nuôi khép kín, an toàn dịch bệnh nên đàn heo, gà của gia đình anh sinh trưởng và phát triển tốt. Mỗi năm, anh xuất bán 4 lứa gà, 2 lứa heo với sản lượng lớn. Ngoài ra, nguồn phế phẩm tận dụng từ chăn nuôi được anh sử dụng làm phân hữu cơ bón cho gần 4 ha cà phê và 1 ha hồ tiêu, số phụ phẩm không sử dụng hết được anh bán cho các nông hộ quanh vùng. Với sản lượng nông sản gần 15 tấn/năm, hằng năm mô hình của anh Chữ cho thu nhập hàng tỷ đồng, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, là mô hình điểm cho nhiều người đến tham quan, học tập.

Mô hình nuôi heo của anh Phạm Văn Chữ (thôn 5).
Mô hình nuôi heo của anh Phạm Văn Chữ (thôn 5).

Ông Phạm Trường Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Nam cho biết, toàn xã hiện có 2.200 hội viên, trong đó có khoảng 70% hội viên đã áp dụng mô hình đa dạng cây trồng, vật nuôi. Với diện tích đất nông nghiệp của xã là 6.840 ha, đất đai nhiều chính là điều kiện thuận lợi để người dân xây dựng, nhân rộng mô hình đa cây, đa con. Việc tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng tổng hợp đa cây, đa con trên cùng một đơn vị diện tích đã góp phần nâng cao thu nhập của nông dân trên địa bàn nhờ đa dạng nguồn thu và chia nhỏ rủi ro. Đồng thời, tận dụng tối đa thời gian sản xuất và có thể sử dụng hiệu quả các phế phẩm trong quá trình trồng trọt và chăn nuôi. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, định hướng cho nông dân, đồng thời phối hợp cùng Phòng NN-PTNT huyện mở các lớp tập huấn, giới thiệu thêm nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới cho năng suất cao; phổ biến các quy trình kỹ thuật về chăm sóc đối với từng loại cây, con cụ thể để người dân áp dụng vào sản xuất nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất.

Thùy Linh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.