Multimedia Đọc Báo in

Quả ngọt trên vùng đất cằn

09:12, 16/08/2018
Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia đình ông Hà Đình Việt (thôn 4, xã Tân Tiến, huyện Krông Pắc) đã có thu nhập ổn định, từng bước vươn lên làm giàu trên vùng đất khó.
 
Những ngày đầu lập nghiệp với hai bàn tay trắng, vợ chồng ông thuê đất rẫy của bà con xung quanh, trồng cây ngắn ngày. Dành dụm được ít vốn, năm 1995 ông mua 1,5 ha đất, đầu tư trồng cây cà phê. Nhưng do đất canh tác thuộc loại đất cát pha, cằn cỗi, lại thường xuyên gặp thời tiết bất thường nên cây cà phê chậm phát triển, năng suất thấp, trong khi đó, giá cả phân bón, ngày công lao động cao nên loay hoay mãi kinh tế gia đình vẫn không khá lên được.
 
Sau nhiều lần đi học hỏi kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh, ông nhận thấy một số loại cây ăn quả khá phù hợp với điều kiện và đất đai tại địa phương. Mặt khác, trồng cây ăn quả chỉ tốn công chăm sóc thời gian đầu, sau năm thứ ba trở đi công chăm sóc giảm dần và cây bắt đầu cho thu hoạch. Do đó, năm 2008, vợ chồng ông quyết định phá bỏ vườn cà phê, cải tạo lại 1 ha đất rồi trồng 200 cây vải giống u hồng và u trứng, 50 cây hồng đỏ. 
 
Mô hình trồng cây ăn quả  kết hợp nuôi trồng luân canh cá - lúa  của ông Hà Đình Việt (bìa trái).
Mô hình trồng cây ăn quả kết hợp nuôi trồng luân canh cá - lúa của ông Hà Đình Việt (bìa trái).
Để đa dạng vườn cây, sau khi cây vải, hồng đã sinh trưởng ổn định, ông Hà luân phiên trồng xen các loại cây ngắn ngày như chuối, đậu, bắp, lạc… trong vườn vải, hồng nhằm tận dụng khoảng đất trống. Với suy nghĩ lấy ngắn nuôi dài, diện tích 5.000 m2 phần đất trũng còn lại, ông Hà thuê máy đào ao nuôi trồng luân canh cá - lúa. Từ tháng 4 đến tháng 11 âm lịch là thời điểm lượng nước dồi dào, ông dẫn nước từ suối về ao để thả các loại cá: trắm, trôi, chép, rô phi… Sau khi thu hoạch vụ cá, ông rút bớt nước trong ao để làm tiếp vụ lúa. Cứ thế xoay vòng, giúp ông tăng vụ sản xuất trên cùng diện tích, thêm nguồn thu nhập.
 
Chia sẻ về cách làm của mình, ông Việt cho hay, để cây phát triển tốt, quả mọng nước, vị ngọt đòi hỏi người trồng phải chú trọng kỹ thuật chăm sóc từ khâu vun gốc, tỉa cành, bón phân, tưới nước đúng thời điểm, liều lượng. Đặc biệt, sử dụng phân bón sinh học vừa tốt cho đất, hạn chế sâu bệnh hại, nhờ vậy, vườn cây ăn quả của gia đình ông luôn sai quả, chất lượng bảo đảm, được thương lái ưa chuộng. Hiện mỗi năm gia đình ông thu hoạch trên 10 tấn trái cây các loại, hơn 3 tấn lúa và 3 tấn cá, cho thu nhập ổn định gần 300 triệu đồng/năm.
 
Đánh giá về mô hình, ông Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Tân Tiến cho biết, so với các nông hộ khác, hộ ông Việt là một trong những hộ gia đình đi đầu trong phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại địa phương. Mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, mảnh đất khô cằn nhiều sỏi đá ngày nào nay đã được phủ lên màu xanh mượt mà của vườn quả ngọt. Từ thực tế mô hình phát triển kinh tế hiệu quả của gia đình ông Việt đã giúp nhiều nông hộ thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chuyển đổi đất kém hiệu quả sang trồng những giống cây phù hợp với thổ nhưỡng, nâng cao thu nhập cho bà con tại địa phương. 
 
Thùy Linh
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.